Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những bi kịch mang tên 'cho con học đại học'

Nếu ở miền Trung, miền Bắc… một gia đình nghèo vay mượn cho con theo đại học trở thành “tấm gương” thì tại Đồng bằng sông Cửu Long, điều đó sẽ bị miệt thị “thân ốc mà bày đặt đòi mang mai rùa”.

Những bi kịch mang tên 'cho con học đại học'

Nếu ở miền Trung, miền Bắc… một gia đình nghèo vay mượn cho con theo đại học trở thành “tấm gương” thì tại Đồng bằng sông Cửu Long, điều đó sẽ bị miệt thị “thân ốc mà bày đặt đòi mang mai rùa”.

Chính sự khinh rẻ này là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bi kịch đẫm nước mắt và máu trong thời gian qua…

Mẹ treo cổ chết vì... không có tiền đóng học phí cho con

Đã hơn 20 ngày, nhưng gia đình và người dân ấp 5, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau vẫn chưa thôi bàng hoàng về cái chết của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân. Họ không tin và không thể nào lý giải nổi rằng vì sao, một bà mẹ của 3 người con, đã sống trên đời này đến 48 năm như chị Nhân lại có thể tự tay kết liễu cuộc sống của mình chỉ vì không vay được 4 triệu đồng cho con đóng học phí…

 
Anh Đinh Ngọc Bảo - chồng chị Nhân. 

Tôi gặp anh Đinh Ngọc Bảo - người đàn ông trông hom hem và cam chịu trước mọi thứ - là chồng chị Nhân tại chi nhánh NHNN&PTNT thành phố Cà Mau, khi anh đang làm thủ tục trả nợ số tiền 25 triệu đồng mà vợ chồng anh vay cho con đi học trước đó. “Cũng... nhờ có tiền phúng điếu và cô bác hỗ trợ sau cái chết của vợ, tui mới trả được nợ ngân hàng, nếu không thì chẳng biết đến năm tháng nào tui mới trả được”. Nói rồi anh cười, trông như mếu, bảo tôi “ráng chờ chút nữa rồi cùng về nhà nói chuyện”. Đó là nụ cười duy nhất mà tôi nhận được từ anh Bảo trong suốt cả một ngày nói chuyện sau đó.

“Không lối thoát…”

Giữa trưa. Nhà anh Bảo, giống như bao gia đình nghèo khác ở miền Tây bốn bề bọc tôn, nóng nực tới mức tưởng như di ảnh của chị Nhân trên bàn thờ cũng toát mồ hôi như người lạ đang thắp hương cho mình. Hương vừa cắm xong là anh Bảo lấy tay quệt nước mắt, nắm tay tôi kéo vội xuống nhà sau. Anh gọi con trai út đang ngồi thu lu một mình sau vườn vào lấy nước mời khách.

“Nó tên là Ngân. Từ ngày bả mất, nó trở nên lầm lỳ. Nhớ hôm má nó chết, bà con ra trường chở nó vào. Nó bảo tưởng má hôm nay làm bánh gì ngon kêu nó vào ăn nên mừng hú...”. Ông Bảo thở dài thườn thượt, nói “hai mươi ngày nay, đêm nào tui cũng thức trắng, ngồi một mình với hàng trăm câu hỏi vì sao? Thời gian gần đây, đêm nào vợ tui cũng nói chắc em sẽ chết thì may ra các con mình mới có cơ hội được tiếp tục đi học. Tui cũng có la rầy, khuyên bảo, nhưng chỉ nghĩ là vợ mình túng quẫn quá nên nói bậy, ai ngờ bả chết thiệt...”.

Rồi anh kể, điều được điều mất, trước sau lẫn lộn. Anh và chị Nhân cưới nhau năm 1990, sinh được ba con trai: Đinh Công Bằng, đang học Cao đẳng Dầu khí Vũng Tàu; Đinh Thành Tâm, đang học lớp 11 và Đinh Phát Ngân, đang học lớp 8. Anh chị được cha mẹ hai bên cho 5 công (5 ngàn mét vuông) đất ruộng. Việc trồng trọt thất bát, cộng thêm vài trận bệnh của chị, đất phải bán đi để trả nợ nần và lo việc học cho các con.

Khác với phần lớn người dân trong ấp, anh chị cùng có ước mơ sẽ nuôi ba đứa con trai ăn học đến nơi đến chốn để được đổi đời. Với quyết tâm này, họ đã quần quật mười mấy năm qua bằng đủ nghề, từ phụ hồ, bán rau cải, bánh mì ngoài chợ... Và bi kịch cũng bắt đầu từ ước mơ này.

Đầu năm 2011, chị Nhân bị viêm thần kinh số 7, miệng méo và sức khỏe sa sút. Mỗi ngày chị phải chích thuốc hết 140 ngàn đồng, trong khi tiền công phụ hồ của anh Bảo chỉ có 100 ngàn đồng một ngày. Không thể cùng chồng phụ hồ được nữa nên chị xin giúp việc nhà cho một gia đình ở thành phố Cà Mau.

Khi đó, con trai lớn của chị là Đinh Công Bằng thi đỗ vào trường Cao đẳng Dầu khí Vũng Tàu, tiền nong gia đình vì vậy càng thêm bức bách, nhất là khoản học phí một năm 8 triệu của Đinh Công Bằng. Túng quá, chị làm đơn ra xã chứng nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình để vay Ngân hàng Chính sách Cà Mau cho con đi học. Tuy nhiên, ngân hàng từ chối vì chị không có sổ hộ nghèo.

Chị lại về xin công nhận hộ nghèo nhưng xin mãi chẳng ai cho chị nghèo với lý do: Nhà chị có hai lao động chính, thu nhập 5 triệu đồng một tháng (anh làm thợ hồ 3 triệu, chị đi giúp việc được 2 triệu). Số tiền đó chia cho 5 nhân khẩu thì bình quân mỗi người được 1 triệu đồng một tháng. Trong khi theo quy định hiện hành, một gia đình muốn được công nhận là nghèo thì phải có thu nhập bình quân đầu người 401.000 đồng trở xuống.

Trước buổi chiều định mệnh 24/4 mấy hôm, chị Nhân xin chủ nhà nghỉ một hôm để đi chạy 4 triệu cho con nộp học phí và sau đó bất ngờ chị bị chủ nhà cho thôi việc luôn. Không chạy được tiền, lại mất việc, bệnh tật, rồi nợ nần, cực khổ, tủi nhục chồng chất bây lâu... đã khiến chị Nhân tìm đến cái chết bằng cách treo cổ ngay trong nhà mình.

 
Di ảnh chị Nhân. 

Chị chết vào chiều 24/4, để lại một một bức thư tuyệt mệnh 4 trang giấy học trò. Mở đầu chị viết: “Anh! Trong hoàn cảnh quá khổ sở, không lối thoát, em đành phải xa anh và các con...”. Chị nói mình chọn cái chết là vì để cho chồng bớt gánh nặng tiền thuốc men cho vợ, dành phần tiền này lo cho các con ăn học vì bản thân bệnh nặng, sức khỏe tinh thần đều suy sụp, vì muốn phù hộ cho chồng con khỏe mạnh, trúng số độc đắc và cuối cùng là để chính quyền địa phương xót thương mà cấp cho chồng con chị cái sổ hộ nghèo hoặc cận nghèo. Chị viết: “Xin các cấp chính quyền ấp 5 thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi để sống những ngày tháng còn lại trên đời...”.

Chết vì sự vô cảm?

Cái chết của chị Nhân đã dấy lên những luồng dư luận trái chiều trên báo chí và ở Cà Mau, trong đó sự công kích nặng nề nhất dành cho chính quyền địa phương vì đã cứng nhắc trong việc xét hộ nghèo cho gia đình chị Nhân, dẫn đến thảm cảnh đau lòng chưa từng thấy ở vùng đất này. Ông Trần Đại Đoàn - Bí thư Đảng ủy xã An Xuyên; bà Nguyễn Thị Tiến - Hội trưởng Hội Phụ nữ ấp 5 - những người tôi gặp để tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của chị Nhân, đều khẳng định là chính quyền địa phương không có lỗi trong cái chết của chị Nhân.

 
Bà Nguyễn Thị Tiến: “Chị Nhân chết không phải lỗi của chính quyền địa phương”. 

“Dư luận, báo chí nói chị Nhân chết do ấp, xã An Xuyên không xét cấp hộ nghèo cho chị Nhân là không chính xác. Thực tế là gia đình chị Nhân không hề nghèo theo quy định và trong ấp, trong xã còn hàng chục gia đình khác nghèo hơn chị Nhân nhiều, nhưng không ai tìm đến cái chết cả” - bà Tùng bức xúc.

Theo lời bà Tùng (có xác nhận của ông Đinh Ngọc Bảo) thì “nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất dẫn đến việc chị Nhân phải thắt cổ tự vẫn ngoài bệnh tật, thiếu nợ, không chạy được tiền đóng học phí cho con... là sự vô cảm của anh em, bà con bên nhà chị Nhân”.

Bà Tùng nói: “Từ nhà chị Nhân vạch bán kính một ngàn mét trở lại, đâu đâu cũng là anh em, bà con của chị. Và chị Nhân từng nhiều lần tâm sự với tui rằng, trong cơn túng quẫn, đã nhiều lần, kể cả trước khi chết mấy hôm, chị Nhân đã tìm đến họ, gõ cửa từng nhà để cầu xin sự giúp đỡ, nếu không chị sẽ tự vẫn chết, nhưng ai cũng làm ngơ. Thậm chí có ông anh ruột của chị Nhân còn nói đại ý mày về đào mả cha mẹ tao lên để bán mà lấy tiền cho con mày đi học...”.

Ông Bảo ngồi rũ xuống, nước mắt lăn dài khi nghe bà Tùng nhấn mạnh câu cuối cùng. Ông kể cách đây mấy hôm, Chi bộ ấp 5 có tổ chức họp để bình xét lại chuyện nghèo của gia đình anh sau khi chị Nhân chết, có người đã đứng lên phê phán vợ chồng anh “thân ốc mà bày đặt đòi mang mai rùa” (ý nói nghèo không có tiền mà bày đặt cho con đi học đại học). Anh nấc lên từng hồi: “Mấy năm nay, chỉ vì ước mơ cho các con được đổi đời bằng cách đi học mà vợ chồng tui chịu không biết bao nhiêu điều tiếng của bà con cô bác. Ai cũng nói vợ chồng tui ngu, nghèo mà không để con ở nhà đi làm kiếm tiền, cho đi học làm chi để mang nợ...”. Bà Tùng thở dài: “Đó là lý do khiến cả ấp, cả xã này, số em tốt nghiệp đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay...”.

Ông Bảo lại khóc, nói “cũng may là bả chết không vô nghĩa”. Ông kể sau khi chị Nhân mất, tiền phúng điếu và cô bác khắp nơi gửi về cho đến nay đã nhận được hơn 200 triệu đồng, đủ để trả nợ và để dành cho các con đi học. Rồi một nhà báo giấu tên đã hứa sẽ bảo trợ cho Đinh Công Bằng đến lúc tốt nghiệp; đích thân Chủ tịch thành phố Cà Mau cũng đã gặp anh Bảo hứa sẽ dành một suất việc cho Đinh Công Bằng sau khi tốt nghiệp. Với Đinh Thành Tâm và Đinh Phát Ngân, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cà Mau cũng hứa sẽ miễn học phí cho hai em bắt đầu từ năm nay cho đến khi tốt nghiệp 12.

“Vợ tui thắt cổ chết cũng chỉ vì mong có được cái sổ nghèo để vay tiền cho các con tui đi học. Nghe nói sắp tới ấp và xã sẽ họp lần nữa để xét công nhận hộ nghèo cho tui. Nhưng tui quyết định rồi, sẽ không xin, không nhận hộ nghèo nữa...”.

Theo Lao Động

Theo Lao Động

Bạn có thể quan tâm