Nâng mũi giúp khuôn mặt thay đổi nhiều nhất so với các phương pháp khác, vì vậy nhiều chị em chọn nâng mũi khi nghĩ tới phẫu thuật thẩm mỹ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tỷ lệ nâng mũi bị lệch, hỏng phải sửa lại có dấu hiệu tăng dần qua các năm. Nguyên nhân là nhiều cơ sở thẩm mỹ hay cá nhân phẫu thuật viên không có giấy phép hành nghề, không đảm bảo chất lượng chuyên môn.
Từ những năm 1960, 1970, kỹ thuật thẩm mỹ mũi bằng silicone dẻo đã ra đời và được sử dụng đến nay. Khoảng năm 2007, kỹ thuật chỉnh hình mũi cấu trúc được du nhập và phát triển mạnh tại Việt Nam. Đây là kỹ thuật chỉnh hình mũi hiện đại, có can thiệp đến sụn, xương, cấu trúc nền để giúp mũi đẹp.
Trước đây, tỷ lệ sửa chữa lại biến chứng hoặc không hài lòng về thẩm mỹ khoảng 5% trên tổng số ca phẫu thuật mũi. Tuy nhiên, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, con số này đã lên 35%.
Miếng silicone lồi ra ngoài mũi của người phụ nữ sau thẩm mỹ. Ảnh: Daily Mail. |
Theo bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,TP.HCM), tùy loại thủ thuật và kỹ thuật nâng mũi, các biến chứng có mức độ khác nhau.
Tiêm silicone lỏng
Silicone lỏng từ lâu bị cấm sử dụng trong ngành thẩm mỹ do gây viêm, mô hạt, biến dạng. Đặc biệt, phần mũi tiêm sẽ xâm lấn ra vùng khác, viêm sưng, đỏ, gây đau đớn, khiến bệnh nhân mặc cảm. Phẫu thuật sửa chữa rất khó khăn.
Đặt thanh độn bằng silicone
Kỹ thuật đặt thanh silicone dẻo, dài lên trên sống mũi đến đỉnh. Kỹ thuật này phù hợp với một số mũi có sống đủ dài nhưng chóp mũi thấp. Bạn có thể sở hữu chiếc mũi đặt thanh silicone dẻo đẹp, lâu dài với điều kiện đúng kỹ thuật và chỉ định đúng. Tuy nhiên, không ít người gặp biến chứng mỏng da, lộ sống và đỉnh mũi. Da mỏng dần đổi thành màu đỏ, xanh tím và thậm chí da bị thủng, lộ thanh sống ra ngoài. Bao xơ co thắt bao quanh thanh độn làm mũi ngắn lại.
Biến chứng này thường gặp vì có nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không có giấy phép thực hiện với giá rẻ.
Chỉnh hình mũi cấu trúc
Kỹ thuật này can thiệp sâu vào cấu trúc mũi có thể khiến mũi bị co rút, biến dạng, vẹo lệch, mất tiểu trụ, lệch cánh mũi… Biến chứng do chỉnh hình mũi cấu trúc sửa lại sẽ khó hơn.
Đối với biến chứng do chỉnh hình mũi cấu trúc sửa lại sẽ khó hơn. Ảnh: WomanRoutine |
Cách khắc phục
Những biến chứng sau phẫu thuật mũi đều có thể sửa chữa bằng kỹ thuật mổ tái cấu trúc, một số trường hợp cần lấy sụn ở sườn để dựng lại trụ mũi. Tuy nhiên, chiếc mũi sửa lại khó đẹp như làm lần đầu.
Kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc cần bác sĩ có kinh nghiệm. Nếu bác sĩ chưa vững tay nghề thực hiện có thể tiếp tục gây biến chứng.
Trước khi quyết định làm đẹp, bạn cần chuẩn bị đủ kiến thức, tránh tình trạng phẫu thuật thẩm mỹ theo truyền miệng.
Tiếp theo, bạn nên xác định rõ nhu cầu của bản thân có thực sự muốn nâng mũi hay phẫu thuật thẩm mỹ hay không. Khi đến làm đẹp, bạn cần miêu tả chiếc mũi muốn làm. Bác sĩ có kinh nghiệm sẽ biết chiếc mũi bạn mong muốn có phù hợp với xuất phát điểm, dễ thực hiện hay khả năng phẫu thuật thành công hay quyết định áp dụng kỹ thuật mổ nào... Thậm chí, bác sĩ có thể từ chối không phẫu thuật.
Nếu mũi ngắn bẩm sinh, da quá mỏng khi cố gắng kéo dài, nâng cao bằng phương pháp đặt thanh silicon dẻo dễ dẫn đến lộ sống, lâu dài có thể thủng da. Trường hợp này nên áp dụng kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc như dùng sụn vách ngăn, sụn vành tai, sụn sườn...