Bệnh thường gặp ở nam giới, có mối liên quan mật thiết với tiền sử hút thuốc lá… Có hai nhóm: ung thư phổi tế bào nhỏ và không phải tế bào nhỏ. Mỗi nhóm có tiên lượng và phương pháp điều trị khác nhau.
Triệu chứng phế quản
Theo TS Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai Đa số ung thư phổi đều bắt đầu bởi biểu hiện ho khan, sau đó có thể có ho đờm. Một số trường hợp có khạc đờm mủ, đờm màu xanh, màu vàng do bội nhiễm phế quản ở sau chỗ tắc nghẽn phế quản.
Cần nghĩ tới chẩn đoán ung thư phổi ở những đối tượng nam giới, tuổi trên 40, hút thuốc kéo dài để tiến hành chụp X quang phổi và làm các thăm dò chẩn đoán khác.
Ho ra máu: gặp triệu chứng này ở khoảng 50% các trường hợp, ho ra máu rất ít, lẫn với đờm thường ho về buổi sáng và trong nhiều ngày, có thể nghe thấy tiếng rít phế quản chứng tỏ khối u đã làm tắc phế quản không hoàn toàn.
Viêm phế quản, viêm phổi tái diễn nhiều lần, sau điều trị bệnh nhân đã hết sốt, hết ho nhưng tổn thương trên X quang phổi còn tồn tại trên 1 tháng.
Những dấu hiệu do sự lan tỏa của khối u phổi
- Đau ngực: không có địa điểm đau rõ rệt, thường đau bên tổn thương đau kiểu thần kinh liên sườn. Có khi đau quanh bả vai, mặt trong cánh tay.
- Khó thở: khó thở ít gặp, thường do khối u phổi chèn ép gây tắc khí phế quản hoặc do tràn dịch màng phổi làm bệnh nhân khó thở.
- Nói khàn, giọng đôi do thần kinh quặt ngược bị chèn ép.
- Khó nuốt: do thực quản bị chèn ép.
- Các triệu chứng do khối u chèn ép vào tĩnh mạch chủ trên: phù mặt, cổ bạnh to, hố trên xương đòn đầy, tĩnh mạch nổi rõ ở cổ, ngực.
- Tràn dịch màng phổi: do khối u phổi xâm lấn ra màng phổi gây tràn dịch màng phổi, chẩn đoán xác định dựa vào khám lâm sàng và chụp x quang phổi. Chọc dò khoang màng phổi thấy dịch giúp chẩn đoán chắc chắn.
Một số bệnh nhân có biểu hiện: nửa mặt đỏ, khe mí mắt hẹp, đồng tử nhỏ, nhãn cầu tụt về phía sau.
Dấu hiệu ngoài phổi
- Bệnh nhân thường gầy sút cân nhiều và nhanh.
- Móng tay khum, ngón dùi trống (đầu ngón tay, ngón chân to ra trông như đầu chiếc dùi trống). - Đau các khớp xương cổ tay, bàn ngón tay, cổ chân, bàn ngón chân. Nhiều bệnh nhân được phát hiện u phổi khi đi khám chuyên khoa Cơ xương khớp vì các triệu chứng đau xương khớp này.
- Nổi hạch ở hố trên đòn, hạch ở cổ.
- Vú to ở nam giới: có thể to một hoặc 2 bên.
Các triệu chứng trên không đặc trưng riêng cho ung thư phổi, có thể gặp trong bệnh khác. Khi có 1 trong những dấu hiệu trên thì nên đi khám bác sĩ để phát hiện bệnh kịp thời. Một số trường hợp không có bất cứ triệu chứng gì cho đến khi phát hiện ra khối u.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ bệnh ung thư phổi
- Thuốc lá, thuốc lào: Là nguyên nhân quan trọng, gây ra khoảng 90% các trường hợp ung thư phổi. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói của người hút thuốc cũng có nguy cơ bị ung thư phổi.
- Ô nhiễm môi trường: Tiếp xúc với hoá chất độc hại trong quá trình làm việc như bụi silic, niken, crôm, khí than, tiếp xúc với quá trình luyện thép hoặc các sản phẩm phụ sinh ra trong quá trình đốt cháy các nhiên liệu hoá thạch. Nguy cơ này sẽ tăng nhiều lần nếu người bệnh có hút thuốc.
- Tiếp xúc với tia phóng xạ: có nguy cơ bị ung thư, trong đó có ung thư phổi. Những công nhân mỏ uranium có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa radon phóng xạ.
Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi
Là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Tuỳ từng giai đoạn của quá trình điều trị, loại phương pháp được điều trị mà bác sĩ sẽ cho lời khuyên cụ thể thích hợp cho từng trường hợp.
- Chế độ ăn hợp lý: nhiều trái cây, rau, ngũ cốc toàn phần, các sản phẩm từ sữa, một lượng thịt vừa phải, ít chất béo động vật và hạn chế đường.
- Nên vận động, tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng.
- Hạn chế vận động khi có biến chứng chảy máu dạ dày.
- Luôn lạc quan, thoải mải và tin tưởng vào thầy thuốc.
Cách phòng chống bệnh ung thư phổi
- Không hút thuốc lá, thuốc lào
- Tránh tiếp xúc với tia phóng xạ, bụi, khói
- Thực hiện các biện pháp an toàn lao động
- Ăn nhiều thức ăn có vitamin: rau xanh, quả tươi.