Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những bộ phim chiến tranh sai lệch với lịch sử

Có không ít các bộ phim Hollywood lấy đề tài chiến tranh và đem đến cho khán giả những cái nhìn không chuẩn so với những gì từng diễn ra trong quá khứ.

Braveheart (1995)

Trong bộ phim từng giành được tới 5 tượng vàng Oscar, Mel Gibson vào vai William Wallace, vị chiến binh lãnh đạo người dân Scotland chống lại ách thống trị của Vua Edward nước Anh. Không chỉ giành được những giải thưởng danh giá, Braveheart còn được khán giả hết sức mến mộ qua một doanh thu hết sức ấn tượng.

Các nhà làm phim giải thích Braveheart sai lệch so với lịch sử nhằm có thể sở hữu "sức hút mang chất điện ảnh".

Tuy nhiên, các nhà sử học lại không lấy làm thích thú với Braveheart. Học giả Sharon L. Krossa nhận xét: “Các sự kiện không chính xác, ngày tháng không chính xác, các nhân vật không chính xác, tên tuổi không chính xác, quần áo cũng không đúng, tóm lại, chẳng có gì là chính xác trong phim cả”. Krossa kết luận rằng Braveheart là một bộ phim giả tưởng!

Đoàn làm phim cũng thừa nhận những sai sót đã xảy ra và khẳng định rằng các thay đổi so với thực tế lịch sử đó cốt để Braveheart có nhiều “sức hút mang chất điện ảnh” hơn.

The Patriot (2000)

Thêm một bộ phim nữa của Mel Gibson xuất hiện trong danh sách này. Nhân vật lịch sử tạo nên cảm hứng cho The Patriot là Francis Marion vốn là một chủ nô tham gia đàn áp người da đỏ hết sức dã man, chuyên cưỡng hiếp các nữ nô lệ và đi săn người Mỹ bản địa để thỏa mãn thú tính. Khi lên màn bạc, Francis Marion được đổi tên thành Benjamin Martin và biến thành một nhân vật anh hùng. Nhân vật do Mel Gibson thủ vai được miêu tả như một người cấp tiến, và quân lính chiến đấu dưới trướng của ông còn có cả những người da đen tình nguyện.

Nhân vật truyền cảm hứng cho Benjamin Martin trong The Patriot trên màn ảnh không đẹp đẽ như nhiều người tưởng.

Pearl Harbor (2001)

Bộ phim Hollywood xoay quanh cuộc tập kích chớp nhoáng của quân phát xít Nhật vào các căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng của đạo diễn Micheal Bay được mô tả là khoa trương, thiếu logic và đầy rẫy những cảnh cháy nổ.

Đạo diễn Michael Bay từng phải hứng chịu nhiều công kích sau khi Pearl Harbor ra mắt.

Đầu tiên phải kể đến việc các sĩ quan không quân Mỹ điều máy bay tới tấn công căn cứ của quân đội Nhật. Trên thực tế, toàn bộ lực lượng không quân Hoa Kỳ gần như tê liệt hoàn toàn sau cuộc tập kích. Số lượng máy bay Nhật Bản trên thực tế mà họ bắn hạ được ít hơn nhiều so với trên màn ảnh. Hơn nữa, Pearl Harbor miêu tả sự bất lực của quân đội Mỹ một phần do Đô đốc chỉ huy Kimmel đi chơi golf, bỏ bê công việc. Thực tế thì lý do lớn cho lần thất bại này là bởi vị Đô đốc này không nhận được thông tin tình báo trước cuộc tấn công nổi tiếng này.

U-571 (2000)

Bộ phim này có thể coi là ví dụ lớn nhất cho việc nước Mỹ muốn hạ thấp vai trò của quân đội Đồng minh trong Thế chiến thứ II. Tại sao vậy? Bởi nó đem toàn bộ công trạng của Hải quân Hoàng gia Anh về cho lực lượng Hải quân Hoa Kỳ.

Cựu Thủ tướng Anh là ngài Tony Blair từng gọi bộ phim U-571 là "một sự sỉ nhục".

U-571 miêu tả cuộc tìm bắt chiếc máy Enigma đầu tiên, thiết bị mà quân đội Đức dùng để gửi tin tức trong thời Thế chiến thứ II. Quân đội Hoa Kỳ quyết định thực hiện một điệp vụ giả dạng thủy thủ Đức và đột nhập lên tàu ngầm của đối phương, tìm kiếm thiết bị rồi sau đó trốn thoát. Tuy nhiên, trên thực tế thì quân đội Anh đã tìm bắt được một chiếc máy Enigma từ năm 1941, bảy tháng trước khi người Mỹ quyết định tham chiến. Phải mãi tới năm 1944, người Mỹ mới giành được chiếc máy Enigma đầu tiên.

Sự lệch lạc trong tính thực tế của bộ phim thậm chí khiến Thủ tướng Anh khi đó là Tony Blair gọi U-571 là “một sự sỉ nhục” đối với các thủy thủ từng chiến đấu trong Thế chiến thứ II.

Enemy at the Gates (2001)

Chiến trận tại Đông Âu trong Thế chiến thứ II không có nhiều lần được Hollywood khai thác. Enemy at the Gates thuộc nhóm tác phẩm nhỏ này, nhưng nó lại thể hiện sai lệch lịch sử từng diễn ra.

Enemy at the Gates được cho là đã xúc phạm cả người Nga lẫn người Đức.

Bộ phim kể lại cuộc vây hãm của quân đội Đức Quốc xã tại Stalingrad nhận được những phản đối dữ dội từ cả hai phía. Tại Nga, các cựu chiến binh tham gia trận Stalingrad tức giận đến nỗi đòi Đuma Quốc gia cấm chiếu Enemy of the Gates. Trong khi đó, các nhà phê bình tại nước Đức nhận xét rằng bộ phim lược giản đi những gì đã xảy ra và làm quá tất cả mọi thứ. Có lẽ người Mỹ là những nhân vật duy nhất cảm thấy thích thú với Enemy at the Gates khi bộ phim có ý xúc phạm cả người Nga lẫn người Đức.

Windtalkers (2002)

Windtalkers được thực hiện dựa trên việc sử dụng tiếng thổ dân Navajo làm mật mã của quân đội Mỹ trong Thế chiến thứ II. Tuy nhiên, ngoài ý tưởng cho người thổ dân Navjo bản địa làm giao liên cho lính thủy đánh bộ, rất nhiều chi tiết khác bị thực hiện sai lệch. Những giao liên này thường được các vệ sĩ bảo vệ nhằm đảm bảo liên lạc và ngăn cho lính Mỹ khỏi nhầm họ là quân Nhật. Dẫu vậy, chưa từng có tài liệu nào ghi lại việc các vệ sĩ này được ra lệnh sát hại giao liên nhằm tránh việc để họ rơi vào tay địch.

Windtalkers bị nhiều chuyên gia về chiến tranh đánh giá là thiếu chân thực tới mức khó có thể chấp nhận.

Là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh Hong Kong qua những tác phẩm kinh điển như Anh hùng bản sắc, Lạt thủ thần thám, rồi sau đó thành tại Hollywood với Face/OffMission: Impossible II, Ngô Vũ Sâm áp dụng triệt để phong cách làm phim hành động dữ dội vào các cảnh chiến đấu trong Windtalkers, đến nỗi bộ phim trở nên thiếu chân thực tới mức khó chấp nhận. Các trận đấu súng xảy ra trong phạm vi chỉ tầm 4-5 mét, còn binh sĩ cứ thế lao vào bom đạn như những con thiêu thân.

Jarhead (2005)

Tác phẩm của đạo diễn Sam Mendes nhận được nhiều giải thưởng điện ảnh khi khắc họa thành công tâm lý của người lính Mỹ trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết, Jarhead lại bị coi là thiếu đi tính chân thực về cuộc sống của quân đội Hoa Kỳ.

Bộ phim Jarhead không hề được lòng các cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh.

Các cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh chỉ ra nhiều cảnh không có thật như cảnh các binh sĩ nhảy múa quanh đống lửa rồi bắn súng loạn xạ lên trời để ăn mừng, hay chuyện một binh sĩ bị giết chết trong cuộc tập trận bằng đạn thật một cách bất cẩn. Đây là những điều mà kỷ luật nhà binh không bao giờ cho phép xảy ra.

Bên cạnh đó, việc nhân vật chính phải trải qua những lạm dụng thể chất và tinh thần như trong Jarhead cũng bị phản đối và cho rằng đã bị làm quá lên so với thực tế.

The Hurt Locker (2008)

Bộ phim về biệt đội tháo gỡ bom mìn của quân đội Hoa Kỳ tại chiến trường Iraq do nữ đạo diễn Kathryn Bigelow thực hiện từng giành được 6 tượng vàng Oscar và nhận được vô số những lời khen ngợi từ giới phê bình. Tuy nhiên, The Hurt Locker lại bị giới chuyên môn về quân sự chỉ trích hết sức gay gắt.

Từng giành được tượng vàng Oscar tại hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất, nhưng The Hurt Locker cũng không thoát khỏi những búa rìu chỉ trích từ các cựu chiến binh.

“Đây là phiên bản Hollywood của cuộc chiến tranh Iraq và hoàn toàn sai thực tế”, Kate Holt, một cựu binh từ chiến trường Iraq, nhận xét. Những chi tiết về quân phục, trang thiết bị và cả cách hành xử của các nhân vật trong phim cũng bị các cựu binh chê là thiếu thực tế. Một nhà báo từng làm việc trên chiến trường thậm chí còn mỉa mai rằng: “Một số cảnh phim mất kết nối hoàn toàn với thực tế đến nỗi khiến người ta cảm thấy hết sức hài hước”.

Cựu sĩ quan gỡ bom người Anh là Guy Marot cho biết: “Nhân vật James khiến chúng tôi giống như một lũ người dễ nổi nóng, không có ý thức kỷ luật. Đây là sự thiếu tôn trọng đối với những người thực hiện công việc tháo gỡ bom mìn”.

Red Tails (2012)

Đây là bộ phim chiến tranh đầu tiên của Hollywood mà toàn bộ các nhân vật chính đều là các diễn viên da màu. Red Tails là câu chuyện kể về Tuskegee Airmen, phi đội máy bay chiến đấu của những người lính da đen đầu tiên thuộc quân đội Hoa Kỳ từng tham gia Thế chiến thứ II.

Red Tails là một nỗi thất vọng đối với nhiều người sau khi ra mắt.

Nhiều người hy vọng đây sẽ là tác phẩm giúp cải thiện sự phân biệt đối xử bấy lâu nay đối với các diễn viên gốc Phi thường hay xảy ra tại Hollywood nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Tuy nhiên, chất lượng của bộ phim khiến mọi kỳ vọng tan biến. Và tệ hơn nữa là những chi tiết sai lệch lịch sử mà Red Tails đem lại cho khán giả. Trong phim, phi đội máy bay hoàn toàn không chịu tổn thất nào. Nhưng trên thực tế, đã có 25 phi cơ của họ bị bắn hạ.

Quang Chúc (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm