Mortal Kombat (1995): Dựa trên loạt trò chơi đối kháng được biết đến tại Việt Nam với cái tên Rồng đen, Mortal Kombat của Paul W. S. Anderson làm thỏa lòng các fan nguyên tác bằng những pha hành động mãn nhãn, đồng thời trình làng các nhân vật quen thuộc như Liu Kang, Scorpion, Johnny Cage, Kitana... Giới phê bình không đánh giá cao bộ phim, nhưng nó vẫn thu được tới hơn 70 triệu USD tại riêng Bắc Mỹ. |
Final Fantasy: The Spirits Within (2001): Bộ phim hoạt hình đến từ Square Pictures không dựa trên trò chơi nhập vai Final Fantasy nào cụ thể, mà chỉ lấy một vài ý tưởng từ các nguyên tác. Sở hữu phần hình ảnh kỹ xảo vượt trội, nhưng The Spirits Within lại không có được kết quả phòng vé như mong đợi. Phim chỉ thu được 85 triệu USD, so với kinh phí sản xuất lên tới 137 triệu USD. Dẫu vậy, đây vẫn là tác phẩm không thể bỏ qua đối với các fan của dòng trò chơi RPG nổi tiếng đến từ Nhật Bản. |
Lara Croft: Tomb Raider (2001): Bộ phim phiêu lưu hành động chuyển thể từ loạt trò chơi Lara Croft đánh dấu bước tiến bước ngoặt trong sự nghiệp của Angelina Jolie. Phần đầu tiên, Tomb Raider, tới nay vẫn là phim dựa trên game thành công nhất lịch sử phòng vé Bắc Mỹ với doanh thu 131 triệu USD. Angelina Jolie rời bỏ thương hiệu sau phần hai mang tên Cradle of Life (2003). Suốt hơn một thập kỷ qua, các nhà làm phim vẫn chưa thể tìm ra người thay thế cô cho vai Lara Croft trên màn ảnh. |
Resident Evil (2002): Sau Mortal Kombat, Paul W. S. Anderson tiếp tục khai thác series game ăn khách khác là Resident Evil. Trên màn ảnh, anh trình làng nhân vật mới toanh là đả nữ Alice (Milla Jovovich), một sản phẩm thí nghiệm của Umbrella Corp. Biết được sự thật, cô quyết tâm triệt hạ tập đoàn hắc ám, đồng thời giải cứu loài người khỏi đại dịch zombie bên cạnh những người hùng quen thuộc ở nguyên tác như Claire Redfield, Chris Redfield, Jill Valentine, Leon Kennedy... Sau 13 năm, phim trải qua năm phần và sắp khép lại với tập sáu mang tên The Final Chapter. |
Final Fantasy VII: Advent Children (2005): Khác với The Spirits Within, lần tấn công màn ảnh tiếp theo của hãng Square dựa trên một trong những tựa game nổi tiếng nhất lịch sử. Advent Children kể về những sự kiện sau khi Final Fantasy VII khép lại, nên những ai chưa từng trải nghiệm trò chơi khó lòng có thể nắm bắt được hết cốt truyện. Song, những khán giả khó tính nhất cũng phải thừa nhận rằng tác phẩm hoạt hình Nhật Bản có phần đồ họa kỹ xảo vượt trội, không hề thua kém Hollywood. |
Silent Hill (2006): Dựa trên loạt trò chơi kinh dị cùng tên, Silent Hill ra mắt năm 2006 và đạt doanh thu 97,6 triệu USD trên toàn cầu. Thật khó để phiên bản điện ảnh có thể tạo ra không khí rùng rợn, căng thẳng giống như nguyên tác game. Nhưng những gì đạo diễn Christopher Gans và các ngôi sao làm được trên màn ảnh vẫn rất đáng khen. |
Hitman (2007): Dựa trên loạt trò chơi cùng tên, Hitman theo chân gã sát thủ chuyên nghiệp có mật danh 47, kẻ vốn là một sản phẩm thí nghiệm gen. Chỉ có kinh phí 24 triệu USD, bộ phim năm 2007 có sự góp mặt của Timothy Olyphant thu về tới hơn 100 triệu USD. Tuy nhiên, trong năm 2015, các nhà sản xuất quyết định tái khởi động thương hiệu với một ngôi sao khác là Rupert Friend. Ở tập phim mới, 47 quyết định điều tra quá khứ và lôi tổ chức tạo nên gã ra ánh sáng. |
Max Payne (2008): Những ai từng trải nghiệm ba phần Max Payne có thể thấy loạt trò chơi không khác gì các bộ phim điện ảnh. Bởi vậy, khi bước chân lên màn ảnh, nhân vật chàng thanh tra mang trong mình nhiều uẩn khúc do Mark Wahlberg thủ vai phải hứng chịu không ít lời chỉ trích. Tuy nhiên, không thể phủ nhận nỗ lực tái tạo không khí đen tối, cũng như các pha hành động đọ súng theo phong cách slow-motion của trò chơi thông qua phần quay phim cầu kỳ, phức tạp của đoàn phim. |
Prince of Persia: The Sands of Time (2010): Gây ra nhiều tranh cãi khi chọn Jake Gyllehaal vào vai chính Dastan là người Ba Tư, nhưng dự án tới nay vẫn là phim điện ảnh dựa trên trò chơi có doanh thu cao nhất mọi thời đại với 336 triệu USD toàn cầu. Cốt truyện đơn giản của The Sands of Time được khỏa lấp bằng các pha hành động kỹ xảo tân tiến, mãn nhãn. Tác phẩm hoàn toàn thích hợp với những khán giả chỉ tìm kiếm yếu tố giải trí đơn thuần. |
Còn rất nhiều trò chơi đình đám khác cũng xuất hiện trên màn ảnh như Need for Speed, DOA: Dead or Alive, Doom, Street Fighter, Super Mario Bros.... Song, vì nhiều lý do khác nhau mà chúng không được cả giới phê bình lẫn cộng đồng game thủ đón nhận tại phòng vé.
Trong năm 2016, khán giả sẽ được thưởng thức ít nhất ba tác phẩm điện ảnh dựa trên trò chơi là The Angry Birds Movie (20/5), Warcraft (10/6) và Assassin’s Creed (26/12).