Những bộ phim mùa hè dở nhất trong lịch sử phim ảnh
Thứ tư, 21/6/2017 11:43 (GMT+7)
11:43 21/6/2017
Mùa hè là mùa của những bộ phim bom tấn giải trí thu hút khán giả tới rạp. Tuy nhiên có những bộ phim được nhớ mãi không phải vì hay mà vì quá dở.
Superman IV: The Quest For Peace (24/7/1987):
Với mức kinh phí đầu tư chỉ 17 triệu USD, Superman IV có chất lượng giống như phim truyền hình hơn là một bom tấn điện ảnh của mùa hè. Khi xem phim, khán giả thậm chí còn thấy cả các thiết bị hỗ trợ bay, dây kéo cho diễn viên. Không thể quay ở New York, các nhà làm phim phải tái tạo thành phố Metropolis tại một khu công nghiệp ở Milton Keynes và kết quả là vô cùng tệ hại.
Striptease (28/6/1996): Demi Moore nhận 12,5 triệu USD cho vai vũ nữ thoát y trong Striptease nhưng bộ phim chỉ thu được 33 triệu USD trong suốt thời gian công chiếu. Bộ phim tràn ngập những câu thoại ngớ ngẩn và Demi Moore sau đó nhận một giải Mâm xôi vàng hạng mục nữ diễn viên tệ nhất.
Catwoman
(23/7/2004): Là một trong những phim siêu anh hùng tồi tệ nhất trong lịch sử điện ảnh. Tất cả những gì khán giả nhớ về Catwoman là bộ cánh hở hang hết mức của Halle Berry. Có kinh phí lên đến 100 triệu USD, phim lỗ nặng khi chỉ thu về 80 triệu USD.
Speed 2: Cruise Control (13/6/1997): Sau thành công của Speed, đạo diễn Jan De Bont không muốn làm phần hai nhưng hãng 20th Century Fox quyết thực hiện. Keanu Reeves nói không và Jason Patrick là người thay thế. Kết quả là một tác phẩm lộn xộn, nhạt nhẽo và chỉ đạt điểm số thảm họa 3% trên trang Rotten Tomatoes.
Green Lantern (17/6/2011): Phim siêu anh hùng của Warner Bros. và DC Comics bị chỉ trích là có kỹ xảo quá tồi tệ dù kinh phí sản xuất lên đến 200 triệu USD. Kịch bản phim cũng bị chê là quá nhạt. Doanh thu thấp buộc Warner Bros. từ bỏ kế hoạch sản xuất phần hai.
Pearl Harbor (21/5/2001): Tác phẩm của đạo diễn Michael Bay tái hiện lại cuộc tấn công nổi tiếng của quân đội Nhật tại Trân Châu Cảng năm 1941, sự kiện thúc đẩy Mỹ tham gia vào Thế chiến II. Đạt thành công thương mại, nhưng phim bị giới phê bình vùi dập tơi tả và nhận 6 đề cử giải Mâm xôi vàng. Nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert châm biếm: "Pearl Harbor là một phim dài 2 tiếng kéo ra 3 tiếng, kể câu chuyện lực lượng Nhật bất ngờ tấn công một cuộc tình tay ba của người Mỹ vào ngày 7/12/1941".
Batman & Robin (27/6/1997): Là bộ phim giết chết thương hiệu điện ảnh Batman trong suốt 8 năm trước khi được đạo diễn Christopher Nolan hồi sinh ngoạn mục vào năm 2005. Sự nghiệp của nam diễn viên George Clooney cũng lao đao vì phim siêu anh hùng này. Ngay cả đạo diễn Joel Schumacher đã thừa nhận về chất lượng dở tệ của bộ phim trong một cuộc phỏng vấn.
Battlefield Earth (12/5/2000): Thảm họa điện ảnh của diễn viên John Travolta nhận 8 giải Mâm xôi vàng và đến năm 2010 lĩnh thêm danh hiệu "Phim dở nhất thập kỷ". Có kinh phí 73 triệu USD, Battlefield Earth chỉ kiếm được chưa đầy 30 triệu USD.
The Last Airbender (1/7/2010): Bộ phim đánh dấu bước thụt lùi nghiêm trọng trong sự nghiệp của đạo diễn nổi tiếng M.Night Shyamalan và lĩnh trọn 5 giải Mâm xôi vàng. Việc nhà sản xuất chọn diễn viên da trắng cho các vai gốc Á cũng dẫn tới những chỉ trích dữ dội. Phim chỉ đạt điểm số 6% trên Rotten Tomatoes.
Howard The Duck (1/8/1986): Sản phẩm của Lucasfilm, dựa trên nhân vật của Marvel Comics, bị phê phán là thô tục, có nhiều hình ảnh xúc phạm người xem, chỉ "phục vụ những đối tượng có trí thông minh quá thấp”. Phim "được" đề cử 7 giải Mâm xôi vàng.
Transformers 2 - 5 (2007 - nay): Sau phần 1 khá ấn tượng, đạo diễn Michael Bay gây thất vọng nặng nề khi sản xuất các tập tiếp theo với điểm yếu cố hữu là quá phụ thuộc vào kỹ xảo, nội dung rối rắm, dài dòng, có quá nhiều màn chọc cười thô tục. Dù vậy, 4 tập đầu đạt doanh thu tới 3,7 tỷ USD. Bay sẽ rời bỏ chiếc ghế đạo diễn sau phần mới nhất The Last Kight, và đó có lẽ là niềm hi vọng đối với thương hiệu Transformers
Chuẩn bị mang tới cho khán giả phần 5 của loạt phim “Transformers”, Michael Bay chắc chắn lại tạo ra cơn sốt tại phòng vé cùng những cuộc tranh cãi bất tận về chất lượng nội dung.