"Tôi đã làm việc ở bộ phận xử lý trang phục 25 năm. Một trong những câu hỏi tôi thường xuyên nhận được là những bộ trang phục sẽ đi về đâu sau khi phim quay xong và bạn có được giữ nó không?", Vanessa Nirode - nhân viên của trang web bán lẻ nổi tiếng Racked - tiết lộ.
Tuy nhiên, không như nhiều người nghĩ, trang phục của phim được các bộ phận kiểm tra và quản lý chặt chẽ. Do đó, những người xử lý trang phục như Vanessa không thể tự ý quyết định. Quyền đó phụ thuộc hoàn toàn vào nhà sản xuất và hãng phim.
Sau khi đóng máy, trang phục trong phim thường được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Ảnh: Netflix. |
Tặng diễn viên hoặc tái sử dụng
Nhà sản xuất Michael Flannigan cho biết: "Trang phục được tặng cho các diễn viên làm kỷ niệm. Những trường hợp này được ghi rõ trong hợp đồng".
Tuy nhiên, điều khoản này không thường xảy ra trong thực tế. Thay vào đó, trang phục được bán với giá chiết khấu cao, thường dành cho người trong đoàn làm phim. Trang sức, túi xách thường là những món đồ được săn đón.
Hầu hết hãng phim đều có chính sách riêng. Những đồ dùng trong quá trình quay sẽ không được bán, cho hoặc tặng nếu chưa được cho phép bởi nhà sản xuất. Mọi thứ sẽ được giữ lại đến khi phim hoàn thành. Đặc biệt, các hãng phim lớn như Disney và Warner Brothers thường bảo quản trang phục ở nhà kho riêng để tiện cho việc tái sử dụng khi cần thiết.
"Chẳng hạn như khi Vinyl của HBO ngừng phát sóng, rất nhiều trang phục đã được dùng lại trong The Deuce", Vanessa Nirode chia sẻ thêm.
Ngoài ra, trang phục thường được phân loại và tái sử dụng để dùng lại cho các mùa khác nhau. Trang phục của diễn viên chính được giữ trong tủ vĩnh viễn, ngay cả với những vật không bao giờ dùng lại. Điều này giúp đoàn làm phim không phải chật vật tìm kiếm đồ nếu một cảnh hồi tưởng ngẫu nhiên bỗng xuất hiện trong kịch bản.
Vì làm trong bộ phận trang phục và sản xuất, Vanessa chứng kiến tận mắt cảnh quần áo được tái chế sau các phân cảnh chết người do đạn bắn. Anh cho biết chúng có nhiều lỗ nên được làm lại để dùng ở các cảnh tương tự. Một số khác sẽ được sửa lại hoàn chỉnh và đưa đi làm từ thiện.
Tái sử dụng cũng là cách làm tiết kiệm và được các nhà sản xuất phim Trung Quốc áp dụng thường xuyên. Cách làm này giúp họ tiết kiệm tiền bạc và bảo vệ môi trường. Nhà đài TVB từng nổi tiếng trong việc tái sử dụng trang phục trong các dự án phim tự sản xuất.
Những đôi giày được đánh số để bán sau khi phim quay xong. Ảnh: racked. |
Mang đi đấu giá hoặc bán
Các diễn đàn đấu giá trực tuyến là cơ hội duy nhất cho những người bình thường có thể mua trang phục và đạo cụ xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Đôi khi, các thành viên trong đoàn làm phim sẽ quyết định bán lại chúng trên eBay - một trang web đấu giá trực tuyến. Tuy nhiên, điều này khá hiếm.
Đối với phim độc lập, được sản xuất và phân phối bởi các cơ quan giải trí, quá trình xử lý quần áo sau khi phim đóng máy thường đơn giản hơn. Barbara Pressar - một kế toán lâu năm cho hãng phim - cho biết các nhà sản xuất rất hào hứng lựa chọn những gì họ muốn sau khi phim quay xong. Trong khi đó, Susanna Puisto - nhà thiết kế trang phục ở Los Angeles, Mỹ - nhớ tiết lộ cô đã giữ lại nhiều thứ cho bản thân.
Ben Philipp - nhân viên kế toán ở New York, Mỹ - là người điều phối trang phục cho bộ phim Đế chế ngầm của HBO. Theo lời Philipp, khi còn phát sóng, chương trình này có cả kho chứa đầy quần áo, phụ kiện, vải vóc và những vật trang trí.
Sau khi phim đóng máy, họ nhanh chóng bán mọi thứ cho những công ty lớn về trang phục. Nếu đồ vẫn còn, họ tiếp tục bán cho nhân viên trong đoàn cũng như cho chương trình khác. Cuối cùng, đồ thừa lại được quyên góp cho nhà hát, trường đại học...
Trong Too Big Too Fail - chương trình Phillip là nhà điều phối, trang phục chủ yếu mang phong cách công sở. Do đó, họ đã quyên góp cho các công ty như Career Gear và Dress for Success. Tất nhiên những đóng góp này đều được ghi chép lại cẩn thận, giống như đang kê khai thuế.
Trang phục của phim cũng thường được mang đi đấu giá để tạo điều kiện cho người hâm mộ sở hữu chúng. Ảnh: racked. |