Những 'bóng ma' vật vờ trong khu tập thể khổng lồ ở Nhật Bản
Chủ nhật, 3/12/2017 09:47 (GMT+7)
09:47 3/12/2017
Không bạn bè hay người thân thích, nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản sống tách biệt như những bóng ma vô nghĩa, lo sợ một ngày chết trong căn hộ của mình mà không ai hay biết.
Khu liên hợp căn hộ của chính phủ ở Tokiwadaira, Nhật Bản, trở nên nổi tiếng vì những cái chết cô độc. Không có gia đình hay người tới thăm để trò chuyện, nhiều người cao tuổi ở lỳ hàng tuần hoặc hàng tháng trong căn hộ của mình, tách biệt với thế giới bên ngoài. Một số người qua đời mà không ai hay biết. Thi thể của họ chỉ được phát hiện khi hàng xóm thấy mùi phân hủy bốc lên.
Chieko Ito, 91 tuổi, đã sống tại căn hộ thuộc khu nhà ở tập thể này trong gần 60 năm. Bà Chieko đón sinh nhật thứ 91 của mình giữa thời tiết nắng nóng bất thường, điều khiến ban quản lý khu dân cư lo lắng. Các tình nguyện viên cao tuổi đã đi khắp các khu nhà để phát tờ rơi về sự nguy hiểm của nắng nóng tới hàng trăm cư dân như bà Ito, những người sống một mình trong 171 tòa nhà trắng gần như giống hệt nhau.
Các xe cứu thương thường xuất hiện trước khu phức hợp. Cái chết cô độc đầu tiên đã thu hút sự chú ý toàn quốc. Thi thể một người đàn ông 69 tuổi sống gần nhà bà Ito đã nằm trên sàn suốt 3 năm. Không ai để ý tới sự vắng mặt của ông. Tiền thuê nhà hàng tháng và các khoản chi khác được tự động rút ra từ tài khoản ngân hàng. Cuối cùng, khi các khoản tiết kiệm của ông cạn kiệt vào năm 2000, các nhà chức trách đã tới căn hộ và phát hiện bộ xương gần nhà bếp. Xác chết của ông đã bị giòi bọ ăn sạch dù chỉ cách nhà hàng xóm vài mét.
Yoshikazu Kinoshita tới ăn bữa trưa hàng tháng dành cho những người thuê nhà sống một mình. Ông thường rời khỏi căn hộ của mình mỗi tuần một lần. Khu liên hợp nhà ở Tokiwadaira
của chính phủ, một trong những công trình nhà ở lớn nhất Nhật Bản, biểu tượng cho sự bùng nổ dân số sau chiến tranh và khát vọng về một lối sống hiện đại kiểu Mỹ, đột nhiên trở nên nổi tiếng vì một hiện tượng hoàn toàn khác: "những cái chết cô độc" của xã hội già hóa nhanh nhất thế giới.
Ông Kinoshita, 83 tuổi, chuyển đến Tokiwadaira 14 năm trước. Một tạp chí ước tính có "4.000 cái chết cô độc mỗi tuần", con số gióng lên hồi chuông báo động quốc gia. Đối với nhiều cư dân trong khu phức hợp, những cái chết này là hồi kết tự nhiên và đáng sợ cho hành trình của Nhật Bản từ những năm 1960. Sự tập trung đơn lẻ vào phát triển kinh tế, sau đó là cuộc khủng hoảng kinh tế đau đớn trong quá khứ đã khiến cộng đồng oán giận. Họ bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học
khi tuổi thọ ngày càng tăng và tỷ lệ sinh giảm.
Bà Ito chờ xe buýt để đến thăm phần mộ của gia đình. Sự cô lập cực đoan của người cao tuổi Nhật Bản phổ biến đến nỗi một ngành công nghiệp mới đã nổi lên, đặc biệt là làm sạch các căn hộ có xác chết phân hủy. Sinh ra trong năm cuối cùng của triều đại Taisho, bà Ito không trông đợi sẽ sống lâu đến thế. Từng người thân và bạn bè của bà đều già yếu hoặc qua đời. Bà sống cô đơn mỗi ngày suốt 1/4 thế kỷ qua, kể từ khi chồng và con gái bà chết vì ung thư chỉ cách nhau 3 tháng.
Bà Ito ở mộ của chồng. Tên bà đã được khắc trên bia mộ bằng màu đỏ như một chỉ dấu về nơi an nghỉ của bà sau khi qua đời. Con gái nuôi của bà chỉ thỉnh thoảng gửi thiệp hoặc ghé qua vào ngày lễ. Vào ngày 24/7 hàng tháng, bà Ito sẽ rời nhà vào sáng sớm để mua hoa tới thăm phần mộ của gia đình. Bà dọn dẹp ngôi mộ, trò chuyện với con gái và người chồng đã mất.
Căn hộ của ông Kinoshita được các tình nguyện viên để mắt đến vì những người đàn ông sống một mình là những người dễ bị tổn thương nhất. Đối với các lãnh đạo khu nhà ở tập thể này, thứ mùi nồng nặc trộn giữa mồ hôi, nước tiểu, thức ăn cũ và rác thải đến từ căn hộ của những người như ông Kinoshita là mùi của sự sống, chính xác hơn là mùi của người đang níu kéo sự sống. Đó là thứ mùi trên người ông Kinoshita mỗi khi ông ra ngoài.
Ông Kinoshita tham gia sự kiện âm nhạc của một cửa hàng sửa chữa máy tính. Đây là sự kiện hiếm hoi mà ông tham dự hàng tháng. Dù có mặt thường xuyên nhưng ông ít được những người khác trong sự kiện biết đến. Ông ngồi lặng lẽ trong góc với chai whiskey khi mọi người trò chuyện và cùng ăn uống quanh chiếc bàn lớn. Không còn liên hệ với con người, những người như ông Kinoshita sống vật vờ như những bóng ma vô nghĩa.
Mùa hè là mùa nguy hiểm nhất cho những cái chết cô độc. Những khía cạnh cuộc sống trong các khu liên hợp nhà ở của chính phủ trên khắp Nhật Bản, hay còn được gọi là danchi, đã được truyền thông mổ xẻ trong những năm gần đây. Các căn phòng trống và xác người nằm rải rác khắp nơi. Bà Ito từng nhìn thấy người chết trên cầu thang bên ngoài căn hộ của bà. Một thi thể khác nằm trước cửa nhà ông Kinoshita.
Toyoko Sakai, 83 tuổi, sống tại căn hộ ở tầng trệt trong tòa nhà đối diện nơi ở của bà Ito. Bà Ito nhờ bà Sakai ngó qua cửa sổ mỗi ngày để kiểm tra cửa sổ phòng mình ở tầng 3. Mỗi tối vào khoảng 6h, bà Ito sẽ kéo tấm màn giấy ở cửa sổ xuống. Vào buổi sáng, sau khi tỉnh dậy lúc 5h40, bà sẽ kéo tấm màn lên. "Nếu nó đóng thì nghĩa là tôi đã chết", bà nói với người hàng xóm. Bà Ito cảm thấy an tâm vì người hàng xóm đồng ý giúp đỡ. Bà thường gửi quà và lê mùa hè tới để cảm ơn bà Sakai đã để mắt tới mình.
"Cho dù họ khắc tên tôi trên bia mộ thì cũng chẳng có ai đến thăm mộ của tôi", ông Kinoshita nói với New York Times. Ông đã đăng ký hiến tặng cơ thể cho một trường y khoa sau khi chết. Nhà trường sẽ lo liệu mọi thứ, bao gồm việc dọn dẹp căn hộ của ông. Mỗi mùa thu, họ sẽ tổ chức lễ tưởng niệm tại chùa cho ông Kinoshita và những người hiến tặng khác. Ông chỉ lo lắng sẽ chết cô độc. "Nếu anh bảo họ đến lấy thi thể đã thối rữa để nghiên cứu thì họ sẽ không đến đâu", ông nói.
Điệu nhảy Bon của khu tập thể Tokiwadaira vào tháng 8. Sự kiện này trở thành hoạt động thường niên của Tokiwadaira trong nhiều thập kỷ để tưởng nhớ những người đã khuất theo nghi lễ Phật giáo. Vài ngày trước buổi biểu diễn, bà Ito nhận được điện thoại từ ông Kinoshita, họ quen biết nhau qua các bữa trưa tập thể trong khu chung cư. Cả hai hẹn nhau tới xem buổi biểu diễn lúc chiều tối. Bà Ito đã ngừng tham gia sự kiện này từ nhiều năm trước, sau khi con cái bà đã lớn.
Tấm màn giấy ở cửa sổ chờ được bà Ito kéo lên vào sáng hôm sau. Theo giao hẹn, bà Sakai sẽ thông báo cho chính quyền nếu thấy tấm màn không được kéo lên vào ban ngày. Những việc còn lại đã được chuẩn bị. Vào sinh nhật thứ 90, bà Ito đã để lại di chúc để lo liệu việc hậu sự cho mình. Việc làm phổ biến này giúp những người già ở Nhật Bản được an táng tử tế và chu đáo. Bà Ito đã quyết định cho đi những đồ vật quý giá nhất trong nhà và để lại tiền để dọn dẹp căn hộ sau khi bà qua đời.
Chính phủ Nhật Bản sử dụng 2 chiếc Boeing 747 được gọi là Air Force One/Two Nhật Bản phục vụ đưa đón các lãnh đạo cấp cao nhưng không sử dụng cho mục đích cá nhân.