Trưa ngày 30/4/1975, Hoàng Văn Cường là một trong số ít phóng viên quốc tế được chứng kiến xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử.
|
Ông Hoàng Văn Cường còn lưu giữ hình ảnh chụp nhà báo Kyoichi Sawada (1936-1970) - người Nhật Bản làm việc cùng ông ở Hãng thông tấn UPI. Ngày 6/9/1965, Kyoichi Sawada chụp bức ảnh Escape for safe (lánh nạn) của 5 mẹ con tại làng Lộc Thượng (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định). Năm sau, tác phẩm này đoạt giải Pulitzer, một trong những giải thưởng uy tín, danh giá trong lĩnh vực báo chí.
|
|
Kyoichi Sawada nhận ông Cường làm em nuôi, cho tiền đi học tiếng Anh, học cameraman ở Hội Việt - Mỹ và khuyến khích ông vào con đường phóng viên ảnh chiến trường. Trong thời điểm khoảnh khắc lịch sử 41 năm trước, ông là một trong số ít phóng viên quốc tế chứng kiến xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập.
|
|
Trước khi bước vào làm phóng viên, ông Cường từng làm đủ thứ nghề và thành công khi chỉ mới 15-16 tuổi. Có điều kiện về kinh tế và niềm đam mê với các món đồ cổ, đến nay ông nổi tiếng với mệnh danh "vua đồ cổ" Sài Gòn. Trong căn nhà 3 gác trên đường Đông Du, quận 1, ông trưng bày hơn 2.000 món đồ cổ đủ loại có xuất xứ từ nhiều thế kỷ trước khiến ai cũng choáng ngợp.
|
|
Nhiều năm qua, căn nhà ông Cường như một địa chỉ du lịch không chỉ báo giới quốc tế mà du khách nước ngoài hay tìm đến để hỏi về chiến tranh. Đặc biệt, năm 2000, ông vinh dự được đón ông Bill Clinton, lúc đó là đương kim Tổng thống Mỹ ghé thăm kho đồ cổ của mình khi đến TP HCM.
|
|
Một số bức ảnh trong chiến dịch mùa xuân 1975 mà ông Cường lưu giữ được: Cuộc di tản khi quân giải phóng tiến vào Buôn Mê Thuột vào cuối tháng 3/1975, trước thời điểm Sài Gòn được giải phóng một tháng. |
|
Trước thời điểm lịch sử 30/4/1975 một tuần, phóng viên Cường trở về Sài Gòn và trở thành một chứng nhân lịch sử của thời khắc lịch sử tại dinh Độc Lập. Trong ảnh: Quân giải phóng vẫy cờ trước thềm dinh Độc Lập trưa ngày 30/4. |
|
Cựu nhà báo kể lại, sau khi nhận được tin từ tòa soạn ở Mỹ, vào sáng sớm 30/4/1975, ông lập tức lái xe cá nhân ra ngoại ô Sài Gòn để đưa tin và chạy xuống tận Biên Hòa. Trong ảnh: Quân giải phóng vỗ tay vẫy chào sau khi cắm cờ trên nóc dinh tổng thống trưa 30/4/1975.
|
|
5h sáng tới ngã ba Vũng Tàu (Đồng Nai) ông thấy đoàn xe tăng của quân giải phóng đang gầm rú tiến vào Sài Gòn. Sợ bị bắn lầm, ông bỏ xe, vứt mũ sắt, cởi áo chống đạn, đeo 4 chiếc máy ảnh trước ngực, đeo băng đỏ có dòng chữ Press (báo chí) bên cánh tay, rồi ông vẫy tay chặn đoàn xe tăng và xin quá giang trở lại Sài Gòn. Trong ảnh: Những giờ đầu tiên quân giải phóng có mặt tại khu vực cầu thang dinh Độc Lập.
|
|
Ngồi trên chiếc xe tăng chạy đầu tiên, ông không nói là người Việt Nam mà đánh lạc hướng giới thiệu là phóng viên người Nhật và nói tiếng Anh để đề phòng bất trắc trong thời điểm lộn xộn. Trong ảnh: Thời điểm trưa ngày 30/4/1975, trước thềm dinh tổng thống, quân giải phóng đang vẫy cờ.
|
|
Ông trở thành người dẫn đường cho xe tăng quân giải phóng tiến vào trung tâm Sài Gòn qua ngã tư Hàng Xanh, cầu Thị Nghè, sở thú và tiến vào dinh Độc Lập. Trong ảnh: Nội các Tổng thống Dương Văn Minh chờ đợi làm việc với đại diện quân giải phóng ngày 30/4/1975.
|
|
"Thời điểm cùng đoàn xe tăng tiến vào trung tâm, hai bên vẫn bắn nhau. Đường sá đầy chướng ngại vật. Tôi nghĩ trước mắt mình chắc là chết, nhưng số tôi vẫn còn may mắn", ông Cương chia sẻ. Trong ảnh: Ba chiến sĩ giải phóng quân vui vẻ ngồi nghỉ ngơi, hút thuốc trong văn phòng Tổng thống vào ngày 30/4/1975.
|
|
Nhà báo Hoàng Văn Cường cho biết, xe tăng ông ngồi cùng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập là chiếc xe húc cổng dinh đầu tiên nhưng bị đứt bánh xích nên phải dừng lại. Sau khi xuống xe, ông lao vào bên trong dinh để chụp nhiều khoảnh khắc thời điểm lịch sử. Trong ảnh: Bên ngoài, quân giải phóng gom những binh lính Việt Nam Cộng hòa xung quanh dinh để kiểm soát trong ngày 30/4/1975.
|
|
Sau khi vào bên trong dinh, ông thấy nội các Tổng thống Dương Văn Minh đang ngồi chờ, ông chụp tất cả nội các, một số hình chiến sĩ quân giải phóng và vội vàng chạy về văn phòng để đánh tin gửi gấp sang UPI gần nhất ở Hong Kong. Trong ảnh: Một chiến sĩ quân giải phóng canh những binh lính bảo vệ dinh tổng thống sau khi được gom lại trước thảm cỏ dinh vào trưa 30/4/1975.
|
|
Nhà báo Hoàng Văng Cường trong khuôn viên dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975, thời điểm đó ông mới 27 tuổi. Bức ảnh ông chú thích: Tác giả Hoàng Văn Cường một chứng nhân lịch sử 30/4/1975, cùng câu thơ "Một phút chốc anh làm nên Lịch Sử. Tên anh viết bằng chữ Trăng Sao". |
|
Ngày 19/51975, trong lễ ra mắt Quân quản Sài Gòn-Gia Định, nhà báo Hoàng Văn Cường cũng có mặt để đưa tin sự kiện này. |
Từ năm 1966, ông Hoàng Văn Cường (SN 1949 ở Huế) là phóng viên của Hãng thông tấn UPI tại Sài Gòn được giao nhiệm vụ tường thuật chiến tranh Việt Nam. Ông đã có mặt ở những chiến trường khốc liệt như thành cổ Quảng Trị, đồi 719, Khe Sanh, cánh Đồng Chum hạ Lào và cả Campuchia. Trong đợt tổng tiến công mùa xuân năm 1975 của quân giải phóng, từ cuối tháng 3/1975 ông có mặt ở chiến trường Buôn Mê Thuột đưa tin.
Đến năm 1978, sau 3 năm giải phóng, Hãng UPI đóng cửa văn phòng tại Sài Gòn và muốn được bảo lãnh ông qua Mỹ. Ông đã từ chối vì muốn được sống trên quê hương mình ngay cả khi thất nghiệp và không còn được làm cái nghề mà ông rất đam mê.