Trong lịch sử văn học Trung Quốc, có 4 tác phẩm được liệt vào danh sách Tứ đại danh tác, bao gồm Hồng lâu mộng, Tây du ký, Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử. Những năm 80 của thế kỷ 20, các đài truyền hình Trung Quốc quyết định chuyển thể các bộ tiểu thuyết nổi tiếng này thành các bộ phim truyền hình.
Vào thời điểm đó, giữa rất nhiều những khó khăn về tài chính và hạn chế về kỹ thuật, cả 4 bộ phim vẫn lần lượt được lên sóng, chiếm trọn cảm tình của người xem và trở thành những tác phẩm kinh điển mà nhiều năm sau, chưa có phiên bản nào có thể vượt qua được.
Góp phần làm nên thành công cho những bộ phim này là những ca khúc nhạc phim sống mãi cùng thời gian.
Đoàn làm phim Tây du ký 1986. |
Trong đó, Tây du ký là bộ phim sở hữu nhiều ca khúc đặc sắc, được cho là phù hợp với bối cảnh, tình huống và nhân vật. Nhạc phim có tất cả 17 bài, chưa kể đến những đoạn nhạc tình huống và nhạc nền. Đặc biệt, các ca khúc như Dám hỏi đường tại nơi nao (Cản vấn lộ tại hà phương), Đại thánh ca, 500 năm bể dâu, Tình nhi nữ, Tương kiến nan biệt diệc nan, Thiên Trúc thiếu nữ… đều là những bài hát nổi tiếng với âm hưởng, ca từ đã được coi là kinh điển trong lòng công chúng.
Ca khúc mở đầu
Mở đầu Tây du ký là một giai điệu không lời, nhưng đầy khí thế, hào hùng, thể hiện được toàn bộ tinh thần của phim. Nhạc do Hứa Kỉnh Thanh sáng tác đã trở thành giai điệu quen thuộc với khán giả.
Dám hỏi đường tại nơi nao
Cảm vấn lộ tại hà phương (Dám hỏi đường tại nơi nào) là ca khúc được sử dụng xuyên suốt trong phim Tây du ký 1986, lần đầu tiên xuất hiện vào tập Thu thập Trư Bát Giới.
Ca khúc này được ca sĩ Tương Đại Vy thể hiện, truyền tải xuất sắc tinh thần không chùn bước trước khó khăn của 4 thầy trò, nhưng cũng thể hiện rõ những xúc cảm, bồi hồi của những con người rong ruổi trên đường vạn lý. “Đây hành lý anh mang, tôi cầm cương dắt ngựa. Nhìn ngắm trời cao chập chùng lòng bồi hồi, đường thỉnh kinh thật xa không màng hiểm nguy chân bước…”.
Nhiều năm qua, bao thế hệ đã trường thành cùng ca khúc này, và đến nay, Cảm vấn lộ tại hà phương vẫn giữ nguyên giá trị của nó.
Chỉ muốn làm cây cỏ
Ca khúc này lần đầu tiên được tấu lên trong Tây du ký khi Tôn Ngộ Không bị Phật tổ giam dưới Ngũ Hành Sơn trong 500 năm. Lời nhạc dịu dàng, nhẹ nhàng, với những ca từ như “Chỉ muốn được làm cây cỏ, một màu xanh giữa đất trời; chỉ muốn được vút bay lên trời cao, chen mình qua những áng mây hồng…”, nói lên khát khao được tự do của Ngộ Không khi phải chịu hình phạt dưới núi.
500 năm ruộng dâu biển cạn
Ca khúc 500 năm ruộng dâu biển cạn được viết lời dựa trên nền nhạc của ca khúc Chỉ muốn làm cây cỏ, nhưng do giọng ca nam thể hiện, với dai điệu buồn và da diết hơn. "Ruộng dâu biển cạn" là một thành ngữ nói về sự thay đổi của cuộc sống, thế sự, thời cuộc trong khoảng thời gian dài. Qua đó, nói lên nỗi buồn và sự cô đơn vô hạn của nhân vật Tôn Ngộ Không khi bị đè dưới núi, chứng kiến vạn vật đổi thay mà không thể có được sự tự do của mình.
Tình nhi nữ
Không phải nói quá nhiều về ca khúc Tình nhi nữ được phát trong tập 16 Tây lương nữ quốc, bởi khúc tình ca này đã khiến rất nhiều thế hệ khán giả phải động lòng. Ca khúc nói về xúc cảm ngọt ngào, dịu dàng đầy tình ý mà nàng Tây Lương nữ quốc vương dành cho Đường Tăng.
“Lặng hỏi thánh tăng, nhi nữ có đẹp hay không, tình nhi nữ có đẹp hay không…” trong điệu nhạc trầm buồn, nhưng không kém phần đắm say, khiến người nghe không khỏi bồi hồi. Qua ca khúc này, không ít người thầm mong Đường Ngự Đệ và Tây Lương nữ quốc vương có thể nên duyên cầm sắt, dù vẫn biết đây là chuyện không thể.
Ca khúc do Hứa Kỉnh Thanh viết nhạc, đích thân đạo diễn Dương Khiết viết lời và được thể hiện bởi giọng ca Ngô Tĩnh.
Gặp nhau khó, biệt ly càng khó
Gặp nhau khó, biệt ly càng khó (Tương kiến nan, biệt diệc nan) là ca khúc được viết lời mới và phối lại nhạc từ bản gốc Tình nhi nữ, được lồng vào phần cuối tập 16, khi nàng Nữ vương lưu luyến tiễn Đường Tăng ra đi. So với Tình nhi nữ dịu dàng, đằm thắm, ca khúc này được thể hiện mạnh mẽ hơn, phần nào thể hiện ý chí của người ra đi và sự dằn lòng của người ở lại.
Hà tất Tây Thiên vạn lý dao?
Hà tất Tây Thiên vạn lý dao (Cần gì phải vạn dặm đến Tây Thiên) là ca khúc được sử dụng trong tập 19 của Tây du ký, khi Đường Tăng lọt vào động không đáy, thưởng hoa, thường trà với các tiên cây và lọt vào mắt xanh của một cô gái vốn là một loài hoa tu thành. Cô gái này đã dùng ca khúc đáng yêu, đầy tình ý Hà tất Tây thiên vạn lý dao, hỏi Đường Tăng cần chi phải khổ cực vượt muôn ngàn dặm trường, chi bằng cứ ở lại sống trong cảnh bồng lai? Ca khúc cũng được thể hiện bởi giọng ca Ngô Tĩnh.
Thiên Trúc thiếu nữ
Thiên Trúc thiếu nữ (Thiếu nữ Thiên Trúc) là ca khúc vui tươi, ngọt ngào, rộn ràng với ca từ đơn giản, trong sáng, nói về tình yêu đầu của nàng công chúa xinh đẹp nước Thiên Trúc (do Thỏ Ngọc biến thành) mà nàng dành cho phò mã Đường Tăng của mình: “Là ai, là ai đã đưa chàng đến bên thiếp? Là ánh trăng tròn trên cao, là tiếng suối chảy róc rách. Thiếp như đóa hoa điểm thêm giọt sương mai, ngày ngày quấn quít bên chàng không rời xa...”.
Âm hưởng của âm nhạc Ấn Độ cũng được lồng ghép khéo léo trong ca khúc này. Thiên Trúc thiếu nữ do giọng ca Lý Linh Ngọc thể hiện. Cô cũng là diễn viên thể hiện vai công chúa nước Thiên Trúc.
Thủ kinh hồi lai
Thủ kinh hồi lai (Lấy chân kinh trở về) là ca khúc được phát vào những giây phúc cuối cùng của Tây du ký 1986, khi thầy trò Đường Tăng trở về Đại Đường sau nhiều năm gian nan vất vả.