Ca dao em và tôi
Ca dao em và tôi là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ An Thuyên. Ca khúc chiếm trọn trái tim của người yêu nhạc Việt Nam nhờ giai điệu, ý tứ nặng lòng với quê hương.
Tứ của Ca dao em và tôi bắt nguồn từ khúc Aria Trương Chi do nhạc sĩ sáng tác riêng cho vở nhạc kịch Trương Chi vào năm 1988.
Gần 10 năm sau, nhạc sĩ An Thuyên phát triển hoàn thiện cũng như lược bớt các yếu tố kỹ thuật để bài hát Ca dao em và tôi trở nên giản dị và dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, tư tưởng chính của ca khúc vẫn là lời nhắn gửi: hãy yêu những gì xung quanh mình thay vì mãi ảo tưởng hão huyền về những điều xa vời.
Người đầu tiên thể hiện ca khúc này là NSND Thanh Hoa. Đến khi được thể hiện qua tiếng hát Quang Linh, sáng tác bắt đầu lan tỏa không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài. Sau này có nhiều ca sĩ hát lại như Thu Hiền, Hương Mơ… nhưng mỗi người đều có cách thể hiện riêng không trộn lẫn.
Em chọn lối này
Em chọn lối này được nhạc sĩ An Thuyên sáng tác vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi ông còn là chiến sĩ lên giúp đồng bào huyện Tương Dương ( Nghệ An) mở đường. Ca khúc có ca tứ gần gũi, giai điệu tươi vui, réo rắt theo phong cách dân ca Thái Nghệ An.
Nhiều ca sĩ tên tuổi từng trình diễn sáng tác này, trong đó thành công nhất phải nhắc đến giọng hát oanh vàng của NSND Thanh Hoa.
Huế thương
Ca khúc Huế thương ra đời vào năm 1992. Cũng như Ca dao em và tôi, Huế thương lay động lòng người bởi những hình ảnh giàu chất thơ trong từng lời ca, giai điệu. Lắng nghe sáng tác của nhạc sĩ, người nghe đều có cảm xúc ngọt ngào, đằm thắm.
Đây cũng là bài hát khởi đầu cho loạt các tác phẩm ca ngợi quê hương đất nước của nhạc sĩ An Thuyên.
Rất nhiều ca sĩ đã hát ca khúc này như nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền, ca sĩ Vân Khánh…
Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác
Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác được An Thuyên chắp bút khi ông vừa 24 tuổi và là một cán bộ tuyên truyền văn hóa Nghệ An. Lúc đó, Bác ra đi được 5-7 năm và chính sự mất mát ấy lay động trái tim ông để viết bài hát chỉ trong 1 đêm.
Trong không gian văn hóa làng quê xứ Nghệ, tác giả đã khắc họa hình ảnh bậc vĩ nhân lớn lên cùng câu hò, điệu ví, với tiếng lòng của nhân dân lao động.
Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm âm nhạc viết về Bác Hồ như thanh xướng kịch Người đi tìm nhịp trống, Chuyện bên lán Nà Lừa, Hành khúc theo chân Bác… nhưng sự ảnh hưởng của Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác đến nay vẫn mạnh mẽ hơn cả.
Ca khúc đậm chất dân ca được ca sĩ Lệ Thanh ở đoàn văn nghệ xung kích tỉnh đội Nghệ An thể hiện, sau đó đến với công chúng cả nước qua giọng hát của NSND Thanh Hoa, trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Neo đậu bến quê
Trong những ca khúc chủ đề quê hương của nhạc sĩ An Thuyên, Neo đậu bến quê được cho là nổi tiếng nhất.
Ca khúc ra đời năm 1993, khi nhạc sĩ bắt đầu trải nghiệm những cay đắng của cuộc đời, chỉ khao khát được neo đậu vào bến quê. Ca khúc ấm áp tình quê, tình người. Với những người con xa quê, đó còn là tiếng lòng chung dù chọn neo đậu ở một bến nào đó, cuối cùng vẫn mong mỏi bến quê làm nơi neo đậu.
Đây cũng là một trong 3 lần ông viết nhạc trong nước mắt, trước đó là Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác và sau này có Mẹ Việt Nam anh hùng.
Các ca sĩ góp phần đem ca khúc này đến gần người yêu nhạc đều là những giọng ca của dòng nhạc quê hương như Quang Lê, Quang Linh, Vân Khánh, Thu Hiền, Hương Mơ, Phạm Phương Thảo.