Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ca khúc thiếu nhi về Bác Hồ được thích nhất

Không chỉ là vị cha già, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Hồ Chủ tịch còn là người luôn yêu thương thế hệ mầm non đất nước.

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng là một trong những bài hát thiếu nhi hay nhất về đề tài Bác Hồ với tuổi thơ. Ra đời vào cuối năm 1945, sáng tác của nhạc sĩ Phong Nhã vẫn luôn ghi dấu trong trái tim của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam suốt gần 70 năm lịch sử. 

Ca từ trong sáng, giản dị nhưng toát lên hình ảnh vị Chủ tịch kính yêu như một người ông, người cha thân thương và gần gũi - "Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh, mắt như sao, râu hơi dài". Giai điệu bài hát như theo mãi với tuổi thơ mỗi người, để rồi khi lớn lên, họ lại hát cho thế hệ sau nghe, truyền lòng kính yêu đối với Bác cho những mầm non của Tổ quốc. Ca khúc đã đóng góp một phần quan trọng để hình ảnh Bác trường tồn trong lòng mỗi người dân Việt từ thế hệ này qua thế hệ khác.  

Nhạc sĩ Phong Nhã tâm sự về kỷ niệm khi sáng tác ca khúc này: “Thấy đàn cháu đứng reo lên Hồ Chí Minh muôn năm, Bác nhoài người ra vẫy tay bằng cả hai tay, thân thiết như người ông thân yêu của đàn cháu. Giây phút ấy tôi cảm động lắm vì Bác là Chủ tịch nước, một lãnh tụ cách mạng lớn mà đối với các cháu thân mật thương yêu đến như vậy. Từ đó tôi thấy cần phải có một bài hát về Bác”.

Em mơ gặp Bác Hồ

Ca khúc Em mơ gặp Bác Hồ được Xuân Giao viết vào năm 1969 - ngay sau khi Bác Hồ mất ít ngày. Sự hụt hẫng của người Việt Nam khi hay tin Bác qua đời mang tới niềm xúc động mạnh trong lòng người nhạc sĩ nay đã bước qua tuổi bát tuần. Theo Xuân Giao, bên cạnh nỗi đau mất mát của hàng triệu người dân Việt Nam, bài hát còn là sự cộng hưởng bởi một câu chuyện "đẹp như trong mơ" vào năm 1946. Khi ấy, ông mới 15 tuổi và đã có dịp gặp Bác Hồ trong một chuyến công tác tới Hải Phòng.

Trải qua 45 mùa xuân, giai điệu của ca khúc Em mơ gặp Bác Hồ vẫn văng vẳng trong tâm thức của nhiều thế hệ, nhớ về Bác bằng cái đẹp của nụ cười, ánh mắt cùng một cách sống bình dị, chan hòa. Hình tượng Bác Hồ bên các cháu thiếu niên nhi đồng được khắc họa giản dị, tha thiết: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ Râu Bác dài tóc Bác bạc phơ/ Em âu yếm hôn đôi má Bác/ Vui bên Bác là em múa hát…”. 

Bác Hồ người cho em tất cả

Bác Hồ người cho em tất cả do hai anh em nhạc sĩ sinh đôi Hoàng Long - Hoàng Lân viết năm 1975, lấy cảm hứng từ những xúc cảm trong trẻo của trẻ thơ: "Cho ánh nắng ban mai là những sớm bình minh/ Cho những đêm trăng đẹp là chị Hằng tươi xinh/ Cây cho trái và cho hoa, sông cho tôm và cho cá",... Để rồi kết lại của những chuỗi tình cảm trong ấy chính là hình ảnh Bác Hồ - "người cho em tất cả", người đã mang lại cuộc đời mới đầy tươi sáng, ước mơ.

Không chỉ yêu thương thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ còn khẳng định vai trò quan trọng của các mầm non đối với tương lai mai sau của đất nước. Trong đó, Bác từng viết rằng: "Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân". 

Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác

Sau ca khúc Bác Hồ người cho em tất cả, vào năm 1978, hai anh em nhạc sĩ Hoàng Long - Hoàng Lân viết thêm ca khúc Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác, gửi gắm nhiều xúc cảm trong một lần viếng thăm lăng Hồ Chủ Tịch trên quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Từ những miền xa xôi của Tổ quốc, bước qua bao núi, đèo, những em nhỏ háo hức được một ngày về Thủ đô thân yêu và ghé thăm Lăng Bác Hồ để bày tỏ lòng kính yêu. 

Với thiếu nhi, Bác là người luôn yêu thương, đùm bọc. Suốt cuộc đời cách mạng của mình, Bác đã hết lòng chăm sóc, dạy dỗ lớp mầm non của Tổ quốc, kể cả đến khi sắp qua đời, Bác còn để lại cho các cháu "muôn vàn tình thương yêu". Trong bài thơ viết vào dịp Trung thu, Bác từng bộc bạch tình cảm chân thành: "Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung".

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng là ca khúc nằm trong tuyển tập 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ VN, Ban Khoa học giáo dục VTV, Ban Âm nhạc Đài tiếng nói VN tổ chức 1999-2000.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc này trong vỏn vẹn 2 tiếng vào đêm ngày 28/4/1975 và thu âm ngay trong chiều 30/4 để phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt 17h cùng ngày của Đài tiếng nói Việt Nam. Nói về bài hát của mình, nhạc sĩ từng tâm sự: "Lời bài hát như là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu mình mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang khúc ca này. Và cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là tôi thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra nó".

Với giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích, cả nhan đề và lời chưa đến 60 từ chính vì vậy bài hát được phổ biến một cách rộng rãi ở Việt Nam, được rất nhiều người dân biết đến và hát trong những ngày lễ, kỉ niệm lớn hay trong những dịp đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng. Bài hát cũng đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam để lan tỏa ở nhiều nước như Nga, Đức, Cuba,... Đặc biệt từ năm 1979, Hội Âm nhạc Lao động Nhật Bản đã dịch bài hát ra tiếng Nhật và in phổ biến xuống tận 49 tỉnh thành, tờ Lettre du CAEF của Pháp cũng đã in nguyên bản tác phẩm. 

Hoàng Ca (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm