Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cái chết cô độc ở Singapore

Trong bối cảnh xã hội già hóa, ngày càng nhiều cư dân lớn tuổi tại đảo quốc sư tử sống lặng lẽ và qua đời mà không ai hay biết.

Tỷ lệ người lớn tuổi chết trong cô độc đang tăng cao tại Singapore. Ảnh minh họa: The New Paper.

Ngày 24/4, thi thể đang phân hủy của một phụ nữ 68 tuổi người Singapore được hàng xóm phát hiện trong căn hộ riêng. Họ chỉ nhận ra vấn đề khi mùi hôi trở nên nghiêm trọng.

Hồi tháng 3, một cụ bà 80 tuổi sống một mình cũng được tìm thấy trong tình trạng tương tự.

“Tôi không gặp bà ấy suốt một tuần. Đèn không bật lên vào buổi tối, tôi còn nghĩ bà đi đâu khỏi thành phố”, hàng xóm nói với Strait Times.

Đây được xem là 2 trường hợp may mắn, bởi những ca khác từng được phát hiện sau khi nạn nhân đã qua đời trong thời gian dài. Năm 2020, hài cốt của người phụ nữ lớn tuổi và chó cưng chỉ được tìm thấy sau khi thư từ chất thành nhiều đống to trước cửa nhà.

Những cái chết như trên ngày càng trở nên đáng báo động, khi dân số đảo quốc sư tử già đi nhanh chóng kết hợp với sự thu hẹp của quy mô hộ gia đình.

Tình hình đáng báo động

Dù Bộ Y tế Singapore không theo dõi số lượng người già chết một mình tại nhà, báo cáo từ Cơ quan Khoa học y tế (HSA) cho thấy họ luôn xử lý gần 100 thi thể vô thừa nhận mỗi năm.

Trong năm 2020, số cư dân từ 65 tuổi trở lên tăng gần gấp đôi so với 2010, chạm mốc 614.000 người. Số người sống một mình chiếm 10,2% vào năm 2020, trong khi số liệu 10 năm trước là 8,2%.

Dân số già, đơn độc này là điều đã sớm trở nên quen thuộc với một số nước châu Á khác. Chẳng hạn, Nhật Bản có khái niệm “kodokushi”, Hàn Quốc có hiện tượng “godoksa” để nói về cái chết cô độc của những người sống một mình, đột nhiên biến mất và chỉ được phát hiện rất lâu sau khi qua đời.

cai chet co doc anh 1

Hiện tượng người lớn tuổi qua đời trong cô độc đã khá phổ biến tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Ảnh minh họa: Korea Bizwire.

Theo các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Duke-NUS (Singapore) và Đại học Nihon (Nhật Bản), những người ở độ tuổi 60 cảm thấy mình cô đơn thường sống ít hơn từ 3 đến 5 năm so với nhóm cùng tuổi nhưng được quan tâm, chăm sóc.

Những cái chết cô đơn, đặc biệt là ở các thành phố của Trung Quốc, Nhật Bản đã trở thành vấn đề đáng lo ngại những năm gần đây. Những người ngoài 50, 60 tuổi sống một mình đã bắt đầu lo về việc dành tiền làm tang lễ vì không muốn hoặc không thể cậy nhờ con cái.

Áp lực cuộc sống và sự đa dạng hóa các phương thức giải trí khiến không ít người ngày càng sẵn sàng khép mình với xã hội và có xu hướng sống cô đơn, lẻ loi, điều này cũng tạo ra “cơ hội” cho cái chết cô độc.

Với sự phát triển của công nghệ, nhu cầu về các mối quan hệ giữa cá nhân với nhau không còn quá mạnh mẽ. Dù chủ động hay bị động, họ đều chọn cách sống một mình, nhưng kiểu kiểm soát cuộc sống này sớm muộn gì cũng sẽ bị bệnh tật và cái chết đánh bại, The Paper nhận định.

Giải pháp

Dưới góc nhìn của ông R. Jai Prakash, cố vấn của công ty tư vấn thay đổi xã hội Soci.Train, trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi có thể được mở rộng thay vì dồn lên con cái của họ.

“Các gia đình nên nhờ những người thân khác, thậm chí cả bạn bè, thay phiên nhau chăm sóc người già. Xây dựng mối quan hệ tốt với láng giềng cũng rất quan trọng”, ông bày tỏ.

Các gia đình cũng cần lưu tâm đến tần suất liên lạc. Ví dụ, thành viên trong nhà có thể nhắn tin cho người lớn tuổi vài lần trong ngày. Nếu họ không trả lời trong một thời gian dài, đó sẽ là dấu hiệu đáng lo lắng.

Ngoài ra, hỗ trợ cộng đồng và xã hội là yếu tố bảo vệ chính cho người lớn tuổi, giúp họ chống lại các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống.

cai chet co doc anh 2

Nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng cường mức độ quan tâm cho nhóm cư dân cao niên. Ảnh: Kua Chee Siong/Strait Times.

Phó Giáo sư Corinne Ghoh (thuộc Khoa Công tác xã hội của Đại học quốc gia Singapore) cho rằng hàng xóm, bạn bè và các nhóm sinh hoạt theo sở thích cũng là điểm tựa tinh thần cho nhóm cư dân già.

Đối với những người cao tuổi ở nhà không thể tự mua hoặc chuẩn bị bữa ăn cho mình, Cơ quan chăm sóc tích hợp (AIC) và các tổ chức từ thiện khác nhau cung cấp dịch vụ giao đồ ăn hỗ trợ.

Một số hình thức của chương trình “quan sát khu phố” đã tồn tại ở các quốc gia khác cũng cần được cân nhắc. Tại Hàn Quốc, cộng đồng đến thăm, theo sát tình hình đời sống của hộ gia đình độc thân thuộc khu vực dễ bị tổn thương như căn hộ tầng hầm và nhà ở chia nhỏ.

Mặt khác, các nhà quan sát nhấn mạnh rằng người cao tuổi sống một mình không phải là điều xấu.

“Chúng tôi cho rằng những người lớn tuổi không chung sống với ai sẽ rất cô đơn. Song, phần lớn hài lòng với cuộc sống này,” ông Sng Hock Lin, Giám đốc văn phòng trực thuộc AIC Singapore nói.

cai chet co doc anh 3

Dân số Singapore già đi nhanh chóng trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa: AseanToday.

Phó Giáo sư Angelique Chan, CEO Trung tâm nghiên cứu và giáo dục người cao tuổi tại Trường Y Duke-NUS, cho biết họ đã dành nhiều thời gian hơn trong lực lượng lao động và có những kỳ vọng khác nhau.

Vấn đề đáng quan tâm hơn là nhiều người không chuẩn bị trước cho cách họ muốn sống khi về già.

“Một khi người lớn tuổi sống một mình trong tình trạng sức khỏe kém và ít được hỗ trợ, thì gần như đã quá muộn. Do đó, từ khi còn trẻ, mọi người cần duy trì các mối quan hệ xã hội, chăm sóc sức khỏe và chuẩn bị tài chính cho tương lai”, bà nói.

Theo Giáo sư Chan, văn hóa quan tâm phát triển theo thời gian và sự đồng cảm với người khác bắt đầu ở trường học. Cuối cùng, mọi cư dân đều có trách nhiệm quan tâm đến những người cao niên quanh họ.

“Nếu phát hiện một người già yếu đuối, gặp khó khi di chuyển hoặc thư từ chất thành đống trước nhà họ, đã tới lúc gõ cửa hoặc báo chính quyền. Hành động kịp thời của bạn có thể cứu sống ai đó”, bà Chan chia sẻ thêm.

Những phụ nữ Hàn Quốc khác xa phim ảnh

Phim truyền hình xứ kim chi đã tự "đóng khung" các nhân vật nữ nước mình, gây ra nhiều hiểu lầm cho khán giả toàn cầu.

Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội

Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.

Hoàng Kỳ

Bạn có thể quan tâm