Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cái chết do văn hóa 'ppalli-ppalli' ở Hàn Quốc

Hàng nghìn vụ tai nạn xe buýt, sự cố trên tàu điện ngầm, thang cuốn đều liên quan đến sự vội vàng, gấp rút mọi lúc mọi nơi của người dân xứ kim chi.

Tháng 1/2021, Kim Jung-eun, 21 tuổi, thiệt mạng do một tai nạn giao thông đáng tiếc. Khi xuống xe buýt, cô bị kẹt tay ở cửa. Nữ hành khách bị kéo lê hơn 10 m trước khi ngã và bị chiếc xe cán qua người.

Tài xế 62 tuổi cuối cùng bị buộc tội vô tình giết người do sơ suất chuyên môn.

Theo luật sư Jung Kyung-il, các hình phạt đối với tài xế xe buýt chạy ẩu dẫn đến tai nạn gây tử vong thường chỉ là một án tù dưới hai năm, hoặc phạt hành chính.

Theo luật hiện hành, người lái xe buýt liên quan đến cái chết của Kim phải đối mặt với án tù tối đa 5 năm hoặc mức phạt tối đa 20 triệu won (17.500 USD).

van hoa gap rut cua nguoi han anh 1

Văn hóa vội vàng ăn sâu trong tư tưởng, lối sống của người Hàn. Ảnh: dreamstime.

Cái chết của Kim còn tạo ra cuộc tranh luận về văn hóa “ppalli-ppalli” (nhanh lên trong tiếng Hàn). Văn hóa gấp rút, làm mọi thứ trong tâm thế vội vàng đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc nhưng lại không hoàn toàn vô hại.

Ppalli-ppalli tạo ra văn hóa doanh nghiệp khét tiếng đối với những nhân viên làm việc quá sức, cũng như những sinh viên căng thẳng chạy đua để theo kịp giờ học. Nó cũng gây ra không ít thiệt hại cho người tham gia giao thông, đặc biệt là những hành khách xe buýt.

Tài xế không bao giờ chờ đợi

Với nhiều người Hàn, cái chết của Kim một lần nữa nêu lên thực trạng đáng báo động bấy lâu nay. Mặc dù hành khách được khuyến cáo chỉ đứng dậy sau khi xe buýt dừng hẳn, nhưng đa số vẫn bước ra cửa trong khi xe đang chạy vì tài xế thường không cho họ nhiều thời gian lên xuống xe.

Han Sang-jin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Giao thông Hàn Quốc, cho biết hầu hết tài xế xe buýt đều tăng tốc ngay sau khi hành khách lên hoặc vừa bước xuống xe.

Tai nạn tương tự đã xảy ra vào năm 2017 khi áo khoác của một phụ nữ bị kẹt giữa cửa xe buýt trong khi cô bước xuống.

Nạn nhân bị kéo lê trên đường khi xe bắt đầu tăng tốc. May mắn, nữ hành khách chỉ bị thương ngoài da. Chỉ sau khi gia đình nạn nhân này làm đơn khiếu nại, công ty xe buýt mới chính thức thừa nhận lỗi do tài xế.

van hoa gap rut cua nguoi han anh 2

Nhiều tai nạn giao thông xảy ra do sự vội vàng, thiếu cẩn trọng của tài xế. Ảnh: New York Times.

Trong khi tai nạn và thương tích trên xe buýt do lỗi của tài xế đã giảm từ năm 2003 đến năm 2019, Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc chỉ ra rằng hơn một nửa số vụ tai nạn xảy ra do phanh gấp, 13% do cửa xe đóng sớm và 9% do xe buýt chạy quá tốc độ.

Theo số liệu công bố năm ngoái của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, 60% vụ tai nạn xe buýt trong năm 2019 xảy ra do “tài xế xe buýt không lái xe an toàn”.

Không chỉ trên xe buýt, sự vội vàng cũng khiến người Hàn gặp rắc rối trong nhiều trường hợp khác.

Tại Seoul, từ năm 2010 đến năm 2014, đã có hơn 1.000 vụ tai nạn liên quan đến cửa trong hệ thống tàu điện ngầm, do hành khách thò tay hoặc các bộ phận cơ thể khác vào trong khi cửa đang đóng.

Ngoài ra còn có 553 vụ tai nạn thang cuốn, 339 vụ ngã cầu thang bên trong ga tàu điện ngầm do khách chạy nhảy.

Ám ảnh "làm nhanh sống vội"

Văn hóa Ppalli-ppalli xuất hiện khi Hàn Quốc bước ra khỏi tro tàn của cuộc chiến tranh Triều Tiên và gấp rút bắt kịp các quốc gia phát triển phương Tây.

Chương trình phục hồi nền kinh tế trong những năm 1960, các phòng khám tiên phong đối phó Covid-19 và tốc độ Internet đẳng cấp thế giới có thể truy cập từ hầu hết mọi nơi đều được xem là kết quả của tinh thần “làm nhanh sống vội” của người Hàn.

Sự vội vàng gần như ăn sâu và ám ảnh người dân xứ kim chi từ tác phong, hành động cho đến lời nói. “Ở Hàn Quốc, chúng tôi đã nghe từ ppalli-ppalli nhiều đến mức tưởng nó là một lời chào, giống như ‘Hello’”, Rick Ruffin, Giám đốc điều hành của Oxy-Clean Korea, một công ty sản xuất các sản phẩm tẩy rửa gia đình, nói.

Với bất kỳ động từ nào, người Hàn cũng sẽ thêm từ ppalli ở trước để thể hiện sự cấp bách hoặc đơn giản đó chỉ là do thói quen: ppalli wa (đến nhanh), Ppalli sseuseyo (viết nhanh lên)...

“Tính nhanh nhẹn, không lề mề được khắc sâu vào tâm trí người dân như một giá trị cơ bản. Nhờ văn hóa này, Hàn Quốc có thể đạt được tiến bộ kinh tế to lớn và hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa trong thời gian ngắn”, nhà nhân chủng học Kim Choong-soon viết trong tác phẩm Way Back into Korea.

van hoa gap rut cua nguoi han anh 3

Người Hàn kêu gọi thay đổi văn hóa ppalli-ppalli. Ảnh: Stock Image.

Tuy nhiên, khi số vụ tai nạn gia tăng, nhiều người kêu gọi thay đổi văn hóa ppalli-ppalli. Viện Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết hiện có những quy định mới của chính phủ nhằm lưu giữ hồ sơ về tần suất các vụ lái xe quá tốc độ và phanh gấp.

Kể từ năm 2018, các doanh nghiệp có hơn 300 nhân viên đã được yêu cầu giới hạn thời gian làm việc trong tuần là 52 giờ.

Tuy nhiên, độ tuổi trung bình của tài xế xe buýt trên cả nước là trên 50, và theo ông Han thuộc Viện Giao thông vận tải Hàn Quốc, nhóm người này thường không muốn thay đổi.

“Nhiều người trong số những tài xế xe buýt này không thích việc mọi người đang cố gắng thay đổi cách họ làm việc trong suốt những năm qua. Họ không nghĩ rằng cách lái xe của họ là vấn đề.

Các quy định về an toàn trên xe buýt cần được tăng cường, nhưng áp lực này không thể chỉ nhắm vào các tài xế. Chúng ta nên hỏi xem liệu đã có đủ các điều khoản để đảm bảo rằng tài xế xe buýt làm việc trong một môi trường đề cao tính an toàn hay chưa”, ông Han nói.

Câu hỏi ám ảnh với dân Hàn: 'Bạn bao nhiêu tuổi?'

Ở Hàn Quốc, việc hỏi tuổi của một người mới gặp lần đầu là hoàn toàn bình thường, mặc dù điều đó được coi là bất lịch sự ở các nền văn hóa khác.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm