Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cái chết thương tâm của trẻ em Hàn Quốc

Người dân Hàn Quốc tỏ ra thất vọng khi cả một hệ thống từ cảnh sát cho đến các dịch vụ xã hội, chăm sóc y tế hoàn toàn thất bại trong việc bảo vệ trẻ em.

Mẹ nuôi của một bé gái tên Jung-in, đứa trẻ qua đời vào tháng 10 năm ngoái, đã phải hầu tòa với tội danh giết người và ngược đãi trẻ em. Người mẹ họ Jang đã không nhận tội trong phiên xét xử đầu tiên. Phiên tòa tiếp theo diễn ra vào tháng tới.

Người dân Hàn Quốc đã thực sự thất vọng khi cả một hệ thống từ cảnh sát, cho đến các dịch vụ xã hội, chăm sóc trẻ em hoàn toàn thất bại trong việc bảo vệ Jung-in. Sự tiếc thương của công chúng lớn đến mức vào đầu năm, hashtag #SorryJungin đứng ở vị trí thứ nhất trên top thịnh hành toàn cầu.

Sự đau buồn và cả phẫn nộ chắc chắn sẽ dẫn đến những cải cách nghiêm túc hơn trong pháp luật và dịch vụ bảo vệ trẻ em ở Hàn Quốc.

Thế nhưng, Jung-in chắc chắn không phải đứa trẻ duy nhất mất mạng trong lúc chờ đợi quá trình cải cách. Hai cái chết đau lòng khác liên quan đến trẻ sơ sinh cũng đã khiến dư luận xứ kim chi dậy sóng vào năm ngoái.

bao hanh tre em han quoc anh 1

Hình ảnh của Jung-in, một cô bé 16 tháng tuổi đã chết sau khi bị cha mẹ nuôi bạo hành. Ảnh: Yonhap.

Một phụ nữ Việt Nam đã cùng con nhảy từ tầng 8 của một tòa chung cư ở Gimhae, tỉnh Nam Gyeongsang, vào khoảng 17h, ngày 2/1/2020. Em bé đã chết vì chấn thương đầu nghiêm trọng. Người mẹ sống sót với vết thương nặng, Korea Times đưa tin.

Câu chuyện thứ hai cũng kinh khủng không kém. Một phụ nữ Thái Lan đã một mình sinh con vào khoảng 20h, ngày 29/3/2020, ở quận Gwanak, Seoul. Đứa trẻ đã chết khoảng hai giờ sau đó khi bị mẹ bỏ mặc mà không được chăm sóc y tế đầy đủ.

Trong câu chuyện của người phụ nữ Thái Lan, báo cáo viết rằng người mẹ đã ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp. Do lo sợ việc lưu trú bất hợp pháp bị bại lộ, người này đã không liên lạc với cảnh sát cũng như đưa đứa bé đi cấp cứu.

"Cô ấy cũng nói rằng mình không thể đến bệnh viện vì không nói được tiếng Hàn”, báo cáo tiết lộ.

Về phía người phụ nữ Việt Nam, cô đã đi khám tại một bệnh viện địa phương, nơi cô được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm sau sinh và được xác định là có nguy cơ tự tử. Tuy nhiên, các bác sĩ chỉ kê đơn thuốc chống trầm cảm và từ chối cho cô gái nhập viện vì không có thông dịch viên.

Cả hai người mẹ đều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Không có lời biện minh nào cho việc giết người và thực tế họ đều đã bị tòa án kết án.

Thế nhưng, theo tiến sĩ Scott Shepherd, một học giả người Mỹ gốc Anh đang là trợ lý giáo sư tiếng Anh tại Đại học Chongshin, Seoul, suy cho cùng họ vẫn chỉ là nạn nhân.

“Xã hội đã thất bại trong việc bảo vệ hai người phụ nữ này và những đứa con của họ, cũng giống như trường hợp của Jung-in. Những thảm kịch này có thể ngăn ngừa được. Đáng lẽ chúng không nên xảy ra và chắc chắn không được lặp lại.

Sau cái chết của Jung-in, các nhà lập pháp và quan chức chắc chắn phải cải cách các cách thức bảo vệ trẻ sơ sinh. Họ phải xem xét các cách để bảo vệ tất cả trẻ em ở Hàn Quốc, cho dù cha mẹ của chúng đang sinh sống hợp pháp hay bất hợp pháp, cho dù chúng chỉ mới ra đời vài tuần hay được nhận nuôi trong vòng vài năm”, tiến sĩ Shepherd nói.

Ngành công nghiệp buôn bán, xuất khẩu con nuôi ở Hàn Quốc

Sau vụ bé gái 16 tháng tuổi bị cha mẹ nuôi bạo hành đến chết, các vấn đề liên quan quy trình, thủ tục và quá trình giám sát việc nhận con nuôi ở Hàn Quốc tiếp tục bị đem ra mổ xẻ.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm