Tối 10/4, thầy Hồ Sỹ Đông, Phó hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết đã tìm thấy một trong hai nam sinh bị sóng biển cuốn mất tích, sau khi các em đi chụp ảnh kỷ yếu cùng lớp 12A6, trường THPT Phan Bội Châu.
"Thi thể em Trần Nguyên Chương được lực lượng cứu hộ tìm thấy lúc hơn 16h hôm nay. Gần 200 người tiếp tục tìm kiếm em Trần Văn Thành - nam sinh còn lại đang mất tích", thầy Đông cho hay.
Những vụ tai nạn đau lòng
Theo anh Nguyễn Văn Thắng, chiều 9/4, nhóm nhiếp ảnh của anh gồm 4 người nhận chụp kỷ yếu cho tập thể lớp 12A6, trường THPT Lê Hồng Phong. Khoảng 16h, một số bạn xuống tắm biển và tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Đại diện nhà trường cho biết trong cuộc họp phụ huynh, ban giám hiệu thông báo nghiêm cấm các lớp 12 tổ chức liên hoan, đi chơi xa... Sự việc lần này là do học sinh tự tổ chức.
Trước đó, khoảng 12h ngày 8/3, trên quốc lộ 7B đoạn qua thôn 4, xã Đức Sơn, Nghệ An, vụ tai nạn thương tâm xảy ra khiến 3 học sinh bị thương nặng.
Theo một số người dân, 3 em đang đi chơi 8/3, không may gặp nạn. Tại hiện trường vương vãi nhiều hoa hồng, 3 nữ sinh bị thương nặng giữa đường, bó hoa mà các em mang theo cũng dập nát.
Một tai nạn thương tâm khác xảy ra vào 9h sáng 12/3, khi học sinh đuối nước tại bãi biển Ba Động (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Nạn nhân là cháu Ngọc (đã đổi tên), học lớp 5, trường Tiểu học Lộc Hoà B, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Ngọc được nhà trường đồng ý cho tham gia chuyến đi biển cùng các bạn trường Tiểu học Lộc Hoà C (Vĩnh Long). Lúc tắm biển, nữ sinh học lớp 5 đã tử vong vì bị đuối nước.
Cư dân mạng vẫn còn nhớ thời điểm đầu năm 2015, nam sinh lớp 4, trường Tiểu học Phước Thạnh (quận 9, TP.HCM) tử vong do ngạt nước trong chuyến tham quan công viên Đầm Sen. Sự việc này một lần nữa báo động tình trạng mất an toàn của những hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức.
Tương tự, ngày 29/12/2013, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức cho 96 học sinh khối lớp 6, 7, 8, 9 và 19 giáo viên tham quan chiến khu Rừng Sác và biển Cần Giờ. Đến 11h cùng ngày, đoàn tham quan nghỉ ngơi và ăn trưa tại khu vực Phi Lao 1 (bãi biển 30/4).
Sau bữa ăn, nhóm học sinh ra tắm biển. Một lúc sau, nhiều người chạy lên bờ la lên: “Có rất nhiều bạn đã bị nước cuốn trôi”. Ngay sau đó, lực lượng bảo vệ, thầy cô giáo lao xuống biển để tìm kiếm các em mất tích nhưng bất thành.
Vụ tai nạn làm 7 nam sinh bị chết đuối. Sau nhiều ngày tìm kiếm, cơ quan chức năng lần lượt tìm thấy 7 thi thể học sinh xấu số và giao cho gia đình đưa về nhà an táng.
Những vụ tai nạn đau lòng liên quan học sinh khiến người lớn không khỏi lo lắng, nhất là vào thời điểm cuối cấp, các em thường tổ chức du lịch, chụp ảnh kỷ yếu xa nhà để chia tay thuở học trò.
Lực lượng chức năng tìm kiếm học sinh bị sóng cuốn trôi sau khi cùng lớp đi chụp ảnh kỷ yếu. Ảnh: P.H.
|
Đặt an toàn cho học sinh lên hàng đầu
Chị Nguyễn Hương Mai (40 tuổi, Hà Nội) cho hay mỗi lần trường cho con đi tham quan ngoại khóa, gia đình lại lo lắng, vì 40-50 học sinh 5 tuổi mà có hai giáo viên và một nhân viên công ty du lịch.
Chị kể tuần trước, khi cho con tham quan bảo tàng cùng trường, cô giáo gọi điện thông báo không tìm thấy cháu. Đi tìm con, chị thấy bé bị lạc sang đoàn tham quan khác. Sau lần đó, người mẹ nhất quyết không cho con tham gia chuyến đi chơi nào của trường.
Theo phụ huynh này, để đảm bảo an toàn, cha mẹ có điều kiện nên đi cùng để bảo vệ con nhỏ. Với những lớp lớn hơn, nhà trường nên kiên quyết phản đối những chuyến du lịch tự phát, hay đi chơi ở những địa điểm nguy hiểm không có người lớn quản lý.
"Tôi khẩn thiết mong ngành giáo dục nhanh chóng ban hành quy chế, quy trình về tham quan, dã ngoại của học sinh các cấp. Đừng để các trường hợp đau lòng tiếp tục xảy ra", chị Mai bày tỏ.
Thầy Chu Ngọc Thạch - hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nam - cho biết tổ chức cho học sinh tham quan, du lịch là hoạt động trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp, do Bộ GD&ĐT quy định. Không chỉ tiểu học, THCS, các trường mầm non cũng thường xuyên tổ chức dã ngoại.
Để tổ chức những chuyến đi an toàn, nhà trường phải lên kế hoạch trước đó 2 tháng. Vị hiệu trưởng này đưa ra những cách để giảm tai nạn đáng tiếc khi đưa học sinh đi tham quan, du lịch. Người lớn cần phải rèn cho các em những kỹ năng sống, thoát hiểm khi cần thiết.
Ví dụ, bố mẹ, thầy cô dạy bơi cho học sinh, chia sẻ những cách phòng tránh mối nguy hiểm, tự bảo vệ bản thân khi đi xa và biết xử lý những tình huống khẩn cấp khi bị thất lạc, sơ cứu lúc bị thương.
Thầy cô nên giáo dục học sinh tính kỷ luật cao. Học tập hay những chuyến dã ngoại, các em phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu do nhà trường, giáo viên phụ trách đề ra.
Trong quá trình đi du lịch, ngoại khóa, trưởng đoàn cần có những quyết định linh hoạt, đặt sự an toàn của các em lên trên hết. Giáo viên là những người đi theo giám sát, đảm bảo an toàn cho học trò của mình.
Chị Lại Thị Bích Loan - quản lý một trường cấp ba ở TP.HCM - cho rằng công tác tổ chức rất quan trọng.
Trước hết, nhà trường phải chọn những địa điểm tham quan du lịch phù hợp, dễ quản lý, có thể tổ chức vui chơi ngoài trời cho học sinh. Giáo viên có trách nhiệm theo sát, đảm bảo an toàn cho học trò mình phụ trách.
Theo nữ giáo viên, không nên đưa các em ra khỏi trường với số lượng quá lớn. Mỗi xe có 40 học sinh bắt buộc phải có 5 giáo viên, chưa kể đội ngũ nhân viên của công ty du lịch.
"Khi cho các em tắm biển, trường chúng tôi phải đề nghị nhân viên của công ty du lịch đứng làm hàng rào, học sinh chỉ được tắm trong vòng bảo vệ đó. Các giáo viên cũng phải xuống tắm cùng học sinh, em nào vượt khỏi ranh giới là bị nhắc nhở", cô Loan cho hay.