Năm 2003, Chang Dexiu về làm dâu tại một ngôi làng xa xôi ở phía Tây Nam Trung Quốc. Vài ngày sau, Chang tỉnh dậy giữa đêm vì tiếng pháo nổ hai lần.
Ở làng Ganmi (Tứ Xuyên, Trung Quốc), đây là phong tục nhằm thông báo có người trong làng vừa mới qua đời. Khi đó, Chang hỏi chồng về những cái chết. Câu trả lời khiến cuộc sống của cô gái hoàn toàn thay đổi.
Số phận của những người góa phụ
Tiếng pháo báo tang gắn liền với nỗi ám ảnh của dân làng về bệnh bụi phổi silic. Đó là lần đầu tiên Chang (hiện đã 43 tuổi) nghe về căn bệnh. Chính gia đình Chang cũng là nạn nhân khi chồng cô, anh Zhong Zhong cũng bị căn bệnh này đeo bám.
Chang không biết chồng mắc bệnh vào thời điểm cả hai được mai mối cho nhau. Ngay cả khi nghe tin, cô vẫn nghĩ căn bệnh có thể chữa khỏi. Sau khi kết hôn, Zhong cũng chuyển sang làm tài xế taxi thay vì công nhân mỏ nhằm ổn định cuộc sống.
Sau khi bệnh bụi phổi silic cướp đi sinh mạng của chồng, Chang Dexiu và con trai sống chật vật tại Ganmi (Tứ Xuyên). Ảnh: SCMP. |
Nhưng đến năm 2017, anh Zhong bị cảm lạnh và qua đời. Chang trở thành góa phụ với hai đứa con trai và gánh nặng nợ nần đè nặng trên vai. Đứa con lớn quyết định lên thành phố kiếm việc làm, còn cậu con út 11 tuổi vẫn đi học.
Trong suốt những thập kỷ Chang sống ở Ganmi, bệnh bụi phổi silic đã cướp đi sinh mạng của 15 người đàn ông khác trong làng, trong đó có ba người anh em của cô. Theo Chang, phần lớn đàn ông trong làng mắc bệnh do làm việc tại những mỏ kẽm và chì. Dần dần, Ganmi, ngôi làng với khoảng 1,000 cư dân, được biết đến với cái tên “làng góa phụ”.
Câu chuyện về ngôi làng góa phụ lan nhanh, những người phụ nữ không chồng thu hút sự tò mò của truyền thông. Năm 2018, số điện thoại của Chang vô tình bị tung lên mạng vì một blogger làm rò rỉ thông tin.
Ngôi làng Ganmi trở thành làng góa phụ với 16 người đàn ông chết vì bụi phổi trong 16 năm. Ảnh: SCMP. |
Ngay lập tức, cô bị hàng loạt người đàn ông xa lạ quấy rối, buông lời tán tỉnh. Nhiều phụ nữ khác đã tái hôn, trong đó có cả chị dâu của Chang. Nhưng mỗi khi nghĩ về người chồng quá cố, Chang chỉ mong mỏi có một người sẵn sàng cùng cô chia sẻ gánh nặng nợ nần. Bởi hai mẹ con Chang đang sống nhờ tiền của họ hàng, gạo và dầu trợ cấp từ chương trình xóa đói giảm nghèo địa phương.
Những cái chết không báo trước
Bệnh bụi phổi silic là căn bệnh thường gặp ở những người lao động trong các ngành công nghiệp. Các công nhân khai thác dầu mỏ có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 5 lần người khác. Theo thời gian, silica trong bụi tích tụ ở phổi, ống thở, dẫn đến các vết sẹo cản trở hô hấp. Ngoại trừ ghép phổi, bệnh nhân không có cách nào để kéo dài sự sống.
Năm 2002, Trung Quốc đã thông qua luật yêu cầu chủ lao động cung cấp các vật dụng hỗ trợ y tế và sinh hoạt cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp. Các tổ chức y tế ước tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc có 975.000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp và 90% trong số đó (tương đương 873.000) là ca mắc bụi phổi silic.
Thực tế, theo nhóm nghiên cứu Daai Qingchen cho biết con số thật còn cao hơn gấp nhiều lần. Có ít nhất 6 triệu công nhân phải đối mặt với căn bệnh không thể chữa trị này.
Năm 2014, chính phủ Hanyuan bắt đầu chi trả các hóa đơn y tế và cấp trợ cấp sinh hoạt hàng tháng (100 NDT/tháng) cho những người được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp sau khi làm việc tại các hầm mỏ. Nhưng không phải công nhân bị ảnh hưởng nào cũng được hưởng trợ cấp này. Nếu không ký hợp đồng hoặc chứng minh rằng mình làm việc tại các hầm mỏ, họ sẽ bị từ chối chi trả.
Trường hợp của Luo Qingyu chính là như vậy. Năm 1991, khi Luo 19 tuổi, anh muốn tìm một công việc để mua nhà và lấy vợ. Giống như nhiều người bạn khác, Lou làm việc tại mỏ chì kẽm Wusihe. Các công trường bụi đến nỗi mọi người không thể nhìn rõ khuôn mặt nhau khi tan ca. Mũi của những người thợ mỏ còn không thở được vì các hạt bụi.
Luo Qingyu (phải) làm việc trong các hầm mỏ vào đầu những năm 1990 mà không hề có biện pháp bảo hộ lao động nào. Ảnh: SCMP. |
Họ không hiểu được sức khỏe của mình đang bị đe dọa. Vì vậy, những người công nhân chỉ che chắn bằng một chiếc khăn mỏng. Vài năm sau, cư dân hầm mỏ trong làng bắt đầu thấy các triệu chứng như ho dai dẳng, sốt cao, đau ngực. Họ không được chi trả viện phí vì không có hồ sơ làm việc hợp lý.
Cách đây ít ngày, Luo qua đời trong một bệnh viện. Trước khi tạm biệt cuộc sống, ông đã phải nằm viện suốt một thời gian dài và thở bằng máy một cách khó nhọc.
Sau cái chết của Luo, bà Zhu Zhongfen, vợ ông, nói rằng điều ước duy nhất của bà là các hóa đơn y tế và chi phí sinh hoạt được chính phủ chi trả vì số tiền quá lớn với điều kiện kinh tế của gia đình.