Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cái cúi đầu hổ thẹn của ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản

Những bê bối liên tiếp trong năm qua khiến nhiều người nghi ngại về chất lượng của những chiếc ôtô Nhật Bản.

Trong văn hóa Nhật Bản, cúi đầu thường được sử dụng khi chào, cảm ơn ai đó, nhưng cũng là hành động để bày tỏ sự xin lỗi. Gần đây, lãnh đạo các công ty trong ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản liên tiếp phải cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng, sau hàng loạt vụ lùm xùm tai tiếng, gây nghi ngờ về chất lượng của những chiếc xe.

Theo Bloomberg, hôm 30/10, hãng ôtô Nhật Bản Subaru đã công khai kế hoạch triệu hồi khoảng 255.000 xe đã bán ra thị trường. Trả lời báo giới, Atsushi Osaki - Phó giám đốc chất lượng của Subaru - cho biết có những sai sót trong quá trình kiểm tra chất lượng xe do hãng sản xuất. Vụ triệu hồi này sẽ khiến hãng tốn khoảng 44 triệu USD, trong đó 17% thuộc về công ty Toyota.

Vụ lùm xùm này ngay lập tức khiến giá trị của Subaru giảm 2,6% trên sàn chứng khoán, là đợt giảm lớn nhất kể từ ngày 5/6, trong bối cảnh chỉ số Nikkei 225 tăng 1,2%.

oto Nhat Ban chat luong thap anh 1
Yasuyuki Yoshinaga - Chủ tịch Subaru - cúi đầu xin lỗi trước truyền thông về vụ lùm xùm liên quan đến chất lượng sản phẩm. Ảnh: Bloomberg

Cũng trong buổi trả lời báo giới, Chủ tịch Yasuyuki Yoshinaga cho biết Subaru đã để những nhân viên không đủ trình độ kiểm tra các sản phẩm trước khi xuất xưởng. Đây là những công nhân tại nhà máy chính của Subaru ở Gunma, cả 3 dây chuyền sản xuất đều chịu ảnh hưởng. 

"Quá trình kiểm tra cuối cùng rất quan trọng và chúng tôi đã không đạt quy chuẩn trong khâu này. Chúng tôi đã áp dụng quy trình không đúng yêu cầu của nhà nước trong hơn 30 năm qua", vị chủ tịch Subaru cho biết và cúi đầu nhận lỗi.

Subaru đã dừng ngay lập tức quy trình kiểm tra cuối cùng này khi phát hiện ra sự việc vào hôm 3/10. Công ty này sẽ xem xét lại toàn bộ quy trình kiểm tra chất lượng.

Năm ngoái, Subaru đã sản xuất tổng cộng 727.741 xe tại Nhật Bản, trong đó xuất khẩu 582.708 xe. Doanh số bán nội địa của Subaru đã giảm năm thứ 3 liên tiếp, do nhu cầu thấp ở phân khúc xe cỡ nhỏ. Đợt triệu hồi này của Subaru liên quan cả đến những dòng xe sản xuất cho Toyota.

oto Nhat Ban chat luong thap anh 2
Những nhà lãnh đạo của hãng thép Kobe cúi đầu xin lỗi về vụ cung cấp vật liệu giả chất lượng cho các hãng xe. Ảnh: CNNmoney.

Như vậy, Subaru là hãng xe mới nhất kéo dài chuỗi lùm xùm của ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản, liên quan đến chất lượng sản phẩm.

Trước đó, ngày 19/10, Nissan cũng đã công bố dừng sản xuất tại 6 nhà máy ở Nhật Bản trong vòng 2 tuần, với sản lượng trung bình 1.000 xe/ngày, khi phát hiện nhân viên không đủ trình độ thực hiện khẩu kiểm soát chất lượng cuối cùng. Đây là những sản phẩm dành cho thị trường nội địa, trong khi sản phẩm xuất khẩu không chịu ảnh hưởng. 

Nissan lên kế hoạch triệu hồi khoảng 1,16 triệu xe sản xuất từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay đối với các sản phẩm nội địa. Vụ triệu hồi này sẽ tiêu tốn khoảng 222 triệu USD của Nissan. Hãng xe này đang lên kế hoạch chỉnh sửa lại quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Không trực tiếp tham gia sản xuất xe, nhưng hãng thép Kobe của Nhật mới đây cũng gây ra tai tiếng cho ngành công nghiệp này. Theo Bloomberg, Kobe Steel đã làm giả dữ liệu chất lượng thép, nhôm và đồng cung cấp cho các hãng ôtô như Toyota, Honda, Nissan... để sản xuất một số bộ phận trên xe.

Trong khoảng một năm, từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017, hãng thép Kobe đã giao khoảng 4% vật liệu giả chất lượng cho các hãng xe lớn Toyota, Honda, Nissan, Subaru... để sản xuất xe. Thông tin này cũng được lãnh đạo của Toyota, Honda xác nhận.

Trước đó, công ty chuyên sản xuất túi khí Takata của Nhật đã phải tuyên bố phá sản khi sản phẩm của hãng làm 11 người chết, khiến hàng chục triệu chiếc ôtô của nhiều hãng phải triệu hồi. 

Những lùm xùm liên quan đến các hãng xe về quy trình kiểm định sản phẩm được áp dụng cho các sản phẩm bán nội địa, do đó không ảnh hưởng đến các sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã dấy lên những nghi ngại về chất lượng sản phẩm của quốc gia này. 

Bê bối thép Kobe Steel Toyota, Honda, Nissan... đều mua vật liệu giả chất lượng từ Kobe Steel để sản xuất xe.

Ngọc Tuấn

Bạn có thể quan tâm