BSCKI Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ hơn 10 năm gắn bó với nghề y, làm trong phòng cấp cứu, hơn ai hết anh hiểu rất rõ về các bệnh nghề nghiệp mà các nhân viên y tế mắc phải.
Đau dạ dày
Theo bác sĩ Hậu, do tính chất công việc, nhân viên cấp cứu thường xuyên ăn uống thất thường, nhiều khi phải nhịn đói trong suốt ca. Thức khuya và những căng thẳng trong công việc làm không ít y bác sĩ trẻ bị căng thẳng, dẫn đến đau dạ dày.
“Có nhân viên đang trong ca trực bị đau bụng do viêm dạ dày, phải nghỉ việc, nhờ đồng nghiệp khám, tiêm thuốc”, bác sĩ Hậu kể.
BSCKII Hoàng Danh Tấn, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đặc thù công việc căng thẳng, làm việc trái với đồng hồ sinh học, ăn uống thất thường, nhiều cán bộ y tế bị viêm loét dạ dày tá tràng.
Để cải thiện tình trạng, bác sĩ Tấn khuyên các đồng nghiệp nên ăn sáng đầy đủ, tránh bỏ bữa, khi đến bữa mà không thể ăn thì dùng tạm một ít thực phẩm mềm, dễ tiêu như sữa, bánh ngọt và không quên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi thư giãn.
Viêm xoang
GS.TS.BS. Phạm Kiên Hữu, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết viêm mũi xoang là hiện tượng phù nề niêm mạc tắc lỗ thông, có thể xảy ra do viêm nhiễm, không khí lạnh, môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại. Những người làm trong môi trường y tế được xem là yếu tố thuận lợi cho bệnh viêm xoang tiến triển.
Bệnh xảy ra khi có các yếu tố bất lợi xảy ra ở vùng mũi xoang. Nếu không được điều trị kịp thời hoặc khi cơ thể phải tiếp xúc với các yếu tố bất lợi, lặp đi lặp lại, bệnh sẽ tiến triển thành viêm xoang mạn tính.
Đặc biệt là các bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên khám và điều trị cho người bệnh bị viêm đường hô hấp trên, khi phản ứng viêm xảy ra, các niêm mạc sưng lên, lỗ thông bị hẹp lại, dịch ứ đọng, gây phản ứng viêm.
Nhân viên y tế đang đối diện với hàng loạt bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với người bệnh. Ảnh: N.P. |
Theo ông, để phòng bệnh, các nhân viên y tế nên giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, tăng cường hệ thống miễn dịch bằng việc ăn rau quả, trái cây, chích ngừa đầy đủ và tập thể dục đều đặn.
Suy giãn tĩnh mạch do phẫu thuật trong thời gian dài
ThS.BS. Lê Quang Đình, khoa Lồng ngực mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bác sĩ ngoại khoa, điều dưỡng phòng mổ là những người có nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch cao.
Vì vậy, theo bác sĩ này, các đồng nghiệp có thể phòng bệnh bằng việc thay đổi tư thế trong khi mổ, mang vớ y khoa khi thực hiện ca phẫu thuật kéo dài. Nhân viên y tế không nên mang giày cao gót hoặc mặc quần áo quá chật, thường xuyên thay đổi tư thế ngồi, vận động tại chỗ.
Mắc bệnh truyền nhiễm
Thức đêm, thường xuyên tiếp xúc với người mắc bệnh lây nhiễm, như cúm, thủy đậu, viêm phổi, viêm gan siêu vi B, C, HIV, các nhân viên y tế cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
PGS.TS BS. Lê Tiến Dũng, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khuyên các đồng nghiệp nên hạn chế rượu bia, hút thuốc lá, giữ ấm cơ thể, tiêm vắc xin phòng cúm, vệ sinh tay chân, răng miệng, uống nước đầy đủ và bổ sung dinh dưỡng hợp lý, quản lý, điều trị tốt các bệnh mạn tính và suy giảm hệ miễn dịch.