Những căn nhà mà chủ nhân chọn cách sống chung với rác. Ảnh: Japan Times. |
Hana Fujiwara, biên tập viên tự do, ngoài 30 tuổi, từng sống trong một căn nhà ngập tràn rác. Hộp carton, thư chưa mở, quần áo, sách, tạp chí và túi giấy vương vãi khắp phòng của cô. Rèm cửa bị mốc và trên tường chằng chịt những tờ lịch cũ. Lòng bàn chân của cô chuyển sang màu đen vì tiếp xúc với nhiều lớp bụi bẩn và tóc rơi rụng trên sàn.
"Tôi sở hữu 27 cốc cà phê mua ở cửa hàng. Tôi không biết tại sao mình lại có nhiều như vậy trong khi không bao giờ mời bạn bè đến nhà", Fujiwara nói với Japan Times.
Trước đây, cô gái trẻ từng bị bạn trai bỏ rơi vì một lần tận mắt thấy căn hộ của cô. Anh ta thậm chí còn không muốn đặt chân vào căn nhà sau khi thấy những đống rác được chất thành chồng bên trong.
Trên thực tế, "gomi yashiki" là thuật ngữ chỉ những ngôi nhà tích trữ đầy rác khi chủ nhân không thể vứt bỏ đồ đạc dù là nhỏ nhất hay vô dụng nhất. Đây là hiện tượng dai dẳng ở Nhật Bản và đang ngày càng trầm trọng hơn.
Fujiwara biết mình cần thay đổi, nhưng lại không dám đối diện với nhiệm vụ dọn dẹp khó khăn phía trước. Đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, cô không thể tìm thấy sổ lương hưu trong tình thế cấp bách, đó là lý do thuyết phục cô sắp xếp lại cuộc sống của mình.
"Đó là lúc tôi quyết định hành động", Fujiwara nói.
Cô hiện giờ là người tán thành những ưu điểm của lối sống tối giản, có tổ chức trên blog và mạng xã hội của mình.
"Tôi nhận ra mình đã lãng phí rất nhiều thời gian quý báu để cố gắng lấy lại mọi thứ từ đống lộn xộn do bản thân tạo ra", cô nhấn mạnh.
Một số người không thể buông bỏ những đồ đạc nhỏ nhất của họ. Ảnh: Japan Times. |
Vấn nạn nhức nhối
Toru Koremura, Giám đốc điều hành Riskbenefit, một công ty dọn dẹp, có trụ sở tại Tokyo, cho biết anh và các cộng sự đã bước vào những ngôi nhà bẩn thỉu, hôi thối suốt nhiều năm.
"Chúng tôi vào những căn nhà bị hỏa hoạn, hoặc nhà kodokushi (thuật ngữ miêu tả những người chết một mình, không được phát hiện trong nhiều tuần tại nhà của họ)", anh kể lại.
Khách hàng của anh thường là các gia đình, họ tích trữ một lượng rác khổng lồ không tốt cho sức khỏe: báo cũ, lon, túi nhựa, chai lọ và giấy gói ở cửa hàng tiện lợi...
"Khoảng 70% nạn nhân của kodokushi đang sống ở những ngôi nhà ngập tràn trong rác. Có thể, bệnh tật đã ảnh hưởng đến hành vi của họ", anh chia sẻ.
Cộng sự của Toru, từng đến thăm một căn hộ theo yêu cầu của người thân. Đồ đạc và rác đã được xếp chồng cao đến trần nhà. Khi các nhân viên dọn dẹp trèo qua đống rác, họ phát hiện một người đàn ông trung niên đã chết vì suy nhược trong chính căn nhà của mình, nơi mà ông đã bị chôn vùi trong rác rưởi một khoảng thời gian.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân gây ra hành vi tích trữ đồ đạc này được giới chuyên gia đề cập. Trong đó bao gồm chủ nghĩa hoàn hảo, chấn thương tâm lý, trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý…
Ở Nhật Bản, những không gian sống quá nhỏ tại các trung tâm đô thị, cộng với thời gian làm việc quá khắt khe được xem là những nguyên nhân khiến nhiều người có thói quen tích trữ đồ đạc.
Toru cho rằng một số người làm các công việc căng thẳng, kéo dài nhiều giờ thường có xu hướng khiến nơi ở trở nên bừa bộn vì họ không còn thời gian và sức lực sau giờ làm việc để chăm sóc bản thân.
"Những phụ nữ trẻ như Fujiwara lại thuộc một nhóm người tích trữ khác. Họ thường đi mua sắm như một hình thức giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thậm chí nhiều hộ gia đình lớn tuổi, độc thân cũng tràn ngập rác", anh nói thêm.
Toru từng dọn dẹp nhà của một phụ nữ khoảng 70 tuổi, sống một mình trên tầng ba của một căn hộ cũ không có thang máy ở Shimizu. Cô ấy không thể tự mang rác xuống dưới được, vì vậy, cô ấy chất chúng đầy trong nhà của mình.
Theo Japan Times, sự xuống cấp của gia đình chỉ có hai thế hệ (cha mẹ và con), cùng với sự tập trung dân số quá đông ở các thành phố lớn đã khiến các hộ gia đình một người gia tăng trong những năm gần đây.
Theo điều tra dân số quốc gia năm 2020, hơn 1/3 số hộ gia đình ở Nhật Bản là người độc thân. Cứ 5 người từ 65 tuổi trở lên thì có 1 người sống một mình.
Song song với đó, đại dịch xuất hiện và các biện pháp phòng dịch, cách ly thời gian dài tại nhà đã khiến nhu cầu mua sắm trực tuyến và giao đồ ăn tăng cao, dẫn đến một loại hành vi tích trữ mới.
"Chúng tôi gọi họ là Amazon yashiki (những ngôi nhà của Amazon). Họ đặt hàng nhưng không bao giờ mở chúng ra. Các hộp carton cứ xếp chồng lên nhau", Toru nói, ám chỉ những người mua sắm không ngưng tay từ sàn thương mại điện tử của Mỹ.
Đại dịch đã khiến nhiều người Nhật Bản hình thành thói quen tích trữ mới. Ảnh: Japan Times. |
Tuy nhiên, khó có thể nhận ra đang có bao nhiêu "nhà rác" Nhật Bản. Nhiều người thường che giấu tình trạng thực tế của họ đằng sau những cánh cửa đóng kín, họ xấu hổ về tình trạng khó khăn của mình.
Tìm cách xử lý
Chính quyền địa phương đã gặp phải những trở ngại trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến những ngôi nhà tích trữ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều thành phố tự ban hành các sắc lệnh của riêng họ để xử lý hiện tượng này, đặc biệt là khi rác thải đang xâm phạm tài sản của người khác hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Một số ngôi nhà có rất nhiều loài gặm nhấm và côn trùng, đồng thời phát ra mùi hôi khó chịu ảnh hưởng đến hàng xóm.
Ở Tokyo, một số phường bao gồm Adachi, Arakawa, Shinjuku và Toshima... đều có hướng dẫn riêng về việc giải quyết những "nhà rác".
Takeshi Yamaguchi, một quan chức của phường Setagaya, nơi đã thực hiện sắc lệnh riêng của mình vào năm 2016, cho biết việc giải quyết những căn nhà này rất phức tạp, đặc biệt là những căn hộ cho thuê lại.
Trong khi đó, tại phường Kita, ở phía bắc Tokyo, dù chính quyền chưa ban hành quy định riêng, nhưng ở đây đã có một đường dây nóng để tiếp nhận khiếu nại từ người dân.
Những căn nhà khiến người làm dịch vụ dọn dẹp mệt mỏi. Ảnh: Japan Times. |
"Cho đến nay, phần lớn là những người lớn tuổi và những người mắc bệnh tâm thần không thể tự dọn dẹp nhà cửa. Chúng tôi luôn đề nghị giúp đỡ họ thông qua các văn phòng phúc lợi, tuy nhiên, có nhiều trường hợp sự hỗ trợ của chúng tôi cũng bị từ chối", Masanori Sano, người quản lý bộ phận môi trường của phường, cho biết.
Fujiwara là người đã tự dọn dẹp nhà cửa của mình thành công mà không cần sự giúp đỡ từ các tổ chức hay công ty dịch vụ nào khác.
Cô ấy bắt đầu bằng cách phân chia công việc với các mốc thời gian trong phần mềm Excel. Fujiwara chia chiến dịch dọn dẹp của mình thành nhiều giai đoạn, ghi lại số lượng đồ vật mà cô ấy đã vứt bỏ được và cập nhật thành tích hàng tuần vào sổ ghi chép.
Tuy nhiên, các quy tắc phân loại rác ở Nhật Bản khá phức tạp và được đánh giá là rắc rối với nhiều người. Điều này khiến động lực dọn dẹp nhà của những người như Fujiwara bị dập tắt.
"Tôi đã phải thuê một dịch vụ xe tải xử lý rác thải bao nhiêu tùy thích. Thế nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để tôi vứt bỏ tất cả những đồ đạc không cần thiết của mình” cô kể lại.
Nhìn chung, với sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, Fujiwara đã mất khoảng 3 tháng để hoàn thành công việc dọn dẹp. Đây là lần đầu tiên cô nhìn thấy màu sàn nhà sau nhiều năm đóng bụi bẩn. Từ đó, cô ấy trở nên say mê với việc giữ cho nơi ở của mình không tì vết.
Căn hộ sạch sẽ, tinh tươm hiện tại của Fujiwara. Ảnh: Hana Fujiwara |
Việc chi tiêu lãng phí cũng không còn nữa kể từ khi Fujiwara tập quản lý tài chính cá nhân. Cô gái trẻ cũng cảm thấy khỏe mạnh hơn vì không gian sống không còn ô nhiễm bởi bụi và nấm mốc.
Cô ấy có thể nằm dài trên giường và ngủ lâu hơn mà không bị đống tạp chí và quần áo dơ lấn chiếm chỗ. Cô cũng đã "dám" mở lời mời bạn bè đến thăm nhà và dùng bữa tối từ khi theo đuổi phong cách sống mới.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.