Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cảnh cận chiến máu lửa trên màn ảnh một thập kỷ qua

“Diệp Vấn”, “The Raid”, “13 Assassins” hay “Captain America: The Winter Soldier” là các bộ phim đem lại nhiều màn giao đấu cận chiến máu lửa trên màn ảnh trong 10 năm qua.

Diệp Vấn (Chân Tử Đan) đấu 10 võ sinh karate trong Diệp Vấn (2008)

Trích đoạn 1 đấu 10 trong 'Diệp Vấn' (2008) Tập phim mở đầu chuỗi tác phẩm bán tiểu sử về Diệp Vấn do Chân Tử Đan thủ vai.

Sự nghiệp của Chân Tử Đan có nhiều tác phẩm đáng nhớ, nhưng điểm sáng nổi bật nhất phải kể đến loạt phim bán tiểu sử Diệp Vấn mà anh thủ vai chính. Trải qua 3 tập, chuỗi tác phẩm không chỉ vẽ nên bức tranh toàn cảnh thú vị về cuộc đời tông sư Diệp Vấn, mà còn đem đến nhiều màn giao đấu đặc sắc.

Trong đó, trường đoạn đáng nhớ nhất phải kể đến màn khiêu chiến 1 chọi 10 giữa Diệp Vấn và các võ sinh karate. Phẫn nộ khi chứng kiến người bằng hữu bị sát hại, nhân vật dồn toàn bộ lòng căm thù vào đối thủ. Các đòn đánh của Chân Tử Đan đều rất nhanh, chuẩn và hiểm, với mục đích triệt hạ đối phương nhanh gọn.

Góc máy ổn định, dễ theo dõi, không sử dụng hiệu ứng quay phim đặc biệt, âm thanh đanh gọn, kết hợp với phần nhạc nền kịch tính, tất cả tạo nên trường đoạn “xả giận” vô cùng nghẹt thở. Lần đầu tiên, khán giả có cơ hội cảm nhận sự đáng sợ của Vịnh Xuân quyền trên màn ảnh.

Liên Hạo Long (Hồng Kim Bảo) đấu Lạc Thiên Hồng (Ngô Kinh) trong Đoạt soái (2008)

Trích đoạn hành động trong 'Đoạt soái' (2008) Bộ phim hình sự - xã hội đen có sự tham gia của Ngô Kinh và Hồng Kim Bảo.

Đoạt soái không phải là điểm nhấn nổi bật trong sự nghiệp của cả Hồng Kim Bảo lẫn Ngô Kinh, bởi bộ phim sở hữu mô-típ xã hội đen tranh giành quyền lực nội bộ khuôn mẫu, không có nhiều đột phá. Song, tác phẩm vẫn mang lại một số trường đoạn hành động đáng nhớ.

Trong đó, phân cảnh đáng giá nhất là trận tử chiến giữa ông trùm Liên Hạo Long của Hồng Kim Bảo với đệ tử Lạc Thiên Hồng do Ngô Kinh thủ diễn ở cuối phim. Không phải là trận đấu tay không thường thấy, hai ngôi sao thi đấu bằng binh khí: một gậy, một kiếm.

Bộ phim áp dụng phong cách chỉ đạo hành động điển hình của Hong Kong: các nhân vật đấu võ với tốc độ cao, quay phim sử dụng chủ yếu góc máy trung cận đặt ngang thân, hạn chế tối thiểu hiệu ứng quay chậm, cắt và chuyển cảnh.

Cộng thêm phần âm thanh thể hiện tính chân thực mỗi khi binh khí va chạm, trường đoạn hành động của Đoạt soái vô cùng chân thực, đẹp mắt, kỹ thuật và không kém phần kịch tính. Nó giúp tái khẳng định trình độ chỉ đạo hành động võ thuật đỉnh cao của người Hong Kong.

Tien (Tony Jaa) đấu lại các chiến binh của lãnh chúa Rajasena trong Ong Bak 2 (2008)

Trích đoạn cuối phim 'Ong Bak 2' (2008) Bộ phim võ thuật lấy bối cảnh thế kỷ XV tại nước Xiêm của Tony Jaa.

Sự nghiệp của Tony Jaa trải qua rất nhiều thăng trầm trong khoảng hơn 10 năm qua bởi nhiều vấn đề liên quan đến đời tư và mối quan hệ với nhà sản xuất. Song, anh vẫn kịp đem lại cho người hâm mộ hình ảnh thuở hoàng kim thông qua Ong Bak 2.

Lấy bối cảnh vương quốc Siam thế kỷ XV, Ong Bak 2 là tác phẩm hành động cổ trang độc đáo, với phần hành động được xây dựng công phu, sáng tạo và chân thực. Nhân vật chính không chỉ tinh thông quyền cước, mà còn thuần thục đủ loại binh khí.

Nhờ đó, Tony Jaa có cơ hội thể hiện phong cách hành động đa dạng hơn, không bị gò bó trong các đòn thế quen thuộc của Muay Thái như ở Ong Bak (2003) hay Tom Yum Goong (2005). Cũng khác với các bộ phim trước, Tony Jaa tỏ ra vất vả, trầy trật chiến đấu một cách thực tế hơn, chứ không còn là người hùng bất khả bại.

Đỉnh cao của Ong Bak 2 là trường đoạn nhân vật chính Tien đơn thương độc mã chống lại các chiến binh của lãnh chúa Rajasena (Sarunyoo Wongkrachang) ở cuối phim. Với thời lượng dài hơi cùng hàng loạt màn giao chiến diễn ra liên tục, khán giả được chiêm ngưỡng trình độ võ thuật ở mức thượng thừa của ngôi sao người Thái Lan.

Cha Tae-sik (Won Bin) tiêu diệt băng đảng buôn ma túy trong The Man from Nowhere (2010)

Đoạn kết 'The Man from Nowhere' (2010) Bộ phim hành động đáng nhớ trong sự nghiệp của tài tử Won Bin.

Cùng sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc, dòng phim hành động xứ kim chi ngày một được nâng tầm. Trong đó, The Man from Nowhere có thể coi là đại diện tiêu biểu nhất.

Tuy sở hữu cốt truyện không mới mẻ, nhưng kịch bản phim có lối phát triển thuyết phục, thể hiện rõ chất đen tối, tàn nhẫn đặc trưng trong các bộ phim Hàn.

Các cảnh hành động trong phim được thực hiện theo phong cách thực chiến, thiên về hiệu quả triệt hạ đối phương hơn là các đòn thế phô diễn kỹ thuật. Và đỉnh điểm chính là trường đoạn hành động tàn bạo ở cuối phim khi nhân vật chính Cha Tae-sik của Won Bin ra tay tiêu diệt từng tên một của băng đảng buôn bán ma túy.

Giống như Diệp Vấn, anh ra tay với sự phẫn nộ lên đến đỉnh điểm, và tất cả trở thành mục tiêu để anh trút hết nộ khí. Với súng và dao găm, màn trình diễn của Tae-sik trở nên đẫm máu và có phần tàn độc hơn. Nhân vật không ngại nổ súng, đâm cắt thẳng tay một cách nhanh gọn.

Trận đại chiến cuối phim trong 13 Assassins (2010)

Trích đoạn bộ phim '13 Assassins' (2010) Tác phẩm hành động - cổ trang đỉnh cao của đạo diễn Takashi Miike với trường đoạn hành động kéo dài hơn 40 phút ở cuối phim.

Siêu phẩm hành động, cổ trang của đạo diễn kỳ cựu Takashi Miike không dành cho khán giả “yếu tim”. 90 phút đầu tiên diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt khi bộ phim vạch trần sự tàn bạo, vô đạo của lãnh chúa Matsudaira Naritsugu (Gorō Inagaki), cũng như hành trình xây dựng lực lượng phản kháng đầy khó khăn của các samurai.

Nhưng sau đó, 13 Assassins bèn chuyển sang thể loại hành động với trường đoạn đại chiến nghẹt thở kéo dài liên tục gần… 40 phút. Tác phẩm đã tái hiện thành công phong cách hành động tiêu biểu của các bộ phim thuộc dòng cổ trang Jidai-geki: nhiều màn đấu kiếm mạnh mẽ, chân thực, với các chiêu thức nhanh, gọn, dứt khoát nhằm hạ gục đối phương.

Xuyên suốt trường đoạn này là hàng loạt trận chiến nhỏ lẻ đầy kịch tính, bạo lực, không hề khoan nhượng. Điều đó giúp 13 Assassins trở thành đại diện tiêu biểu của dòng phim Jidai-geki hiện đại, và khẳng định đẳng cấp của nền điện ảnh xứ sở mặt trời mọc.

Bất cứ cảnh hành động nào trong 2 phần phim The Raid (2011, 2014)

Một trích đoạn hành động từ 'The Raid' (2011) Hai tập phim "The Raid" được coi là niềm tự hào của điện ảnh Indonesia với hàng loạt pha hành động võ thuật không khoan nhượng.

Đến từ Indonesia - một nền điện ảnh chưa để lại nhiều dấu ấn trên bản đồ quốc tế, nhưng hai tập The Raid của đạo diễn Gareth Evans nhanh chóng được xếp vào hàng kinh điển của thể loại, giúp tái định nghĩa nhiều chuẩn mực cho dòng hành động, và khiến các cường quốc phim ảnh cũng phải kính nể.

Thật khó để loại bỏ bất cứ phân cảnh hành động nào hoặc chỉ chọn ra một đại diện tiêu biểu từ The Raid. Bởi chất lượng của tất cả đều vượt chuẩn thông thường và xứng đáng với nhiều lời khen ngợi.

Từ cách dàn dựng đến thực hiện, The Raid The Raid 2: Berandal thực sự là những bữa tiệc hành động mãn nhãn, phấn khích. Không phải tự nhiên mà nhiều diễn viên của loạt phim có cơ hội tìm đến Hollywood, thậm chí là loạt Star Wars, sau thành công của hai tập The Raid.

John (Scott Adkins) đấu Magnus (Andrei Arlovski) trong Universal Soldier: Day of Reckoning (2012)

Trích đoạn từ 'Universal Soldier: Day of Reckoning' (2012) Tập phim gần nhất của loạt "Universal Soldier" với Scott Adkins trong vai chính.

Universal Soldier là loạt phim hành động, giả tưởng gắn liền với tên tuổi của Jean-Claude Van Damme. Dù không thực sự nổi bật về mặt chất lượng hay doanh thu, thương hiệu thi thoảng vẫn được “gọi hồn” bằng các phần tiếp theo có kinh phí thấp, giúp nhà sản xuất kiếm chác một chút từ danh tiếng quá khứ.

Tuy nhiên, các tác phẩm thuộc dạng “ăn mày dĩ vãng” ấy thi thoảng lại đem lại những điểm sáng hiếm thấy. Trong phần mới nhất Day of Reckoning (2012), nhân vật chính John (Scott Adkins) bị siêu chiến binh Magnus (Andrei Arlovski) truy sát. Sau đó, cả hai quyết định dứt điểm bằng trận chiến sống còn tại một… cửa hàng đồ thể thao.

Scott Adkins không khiến khán giả phải thất vọng. Màn giao chiến giữa anh và nhà cựu vô địch UFC hạng nặng người Belarus diễn ra đầy tàn bạo với nhiều đòn đánh dứt khoát, lạnh lùng nhằm hạ gục đối phương nhanh chóng.

Cả hai nhân vật vốn là những siêu chiến binh có sức mạnh lớn hơn người thường, nên màn giao chiến giữa họ kéo dài và vô cùng kịch tính. Khán giả sẽ phải nín thở theo dõi trận chiến giữa “những con quái vật” trong bầu không khí đầy phấn khích.

Casey Bowman (Scott Adkins) đấu Nakabara (Kane Kosugi) trong Ninja: Shadow of a Tear (2013)

Trích đoạn chiến đấu trong Ninja: Shadow of a Tear (2013) Bộ phim hành động võ thuật giúp Scott Adkins thêm củng cố tên tuổi trong thể loại hành động.

Scott Adkins chưa bao giờ là siêu sao đích thực tại Hollywood, nhưng anh thực tế là cái tên không hề xa lạ đối với người hâm mộ phim hành động.

Là võ sĩ có khả năng thực chiến và sở hữu hình thể lý tưởng, tài tử vốn có một sự nghiệp đồ sộ, dù các tác phẩm mà Adkins tham gia chủ yếu là phim hạng B hoặc phát hành trực tiếp dưới dạng băng đĩa.

Được biết đến nhiều nhất qua hình tượng võ sĩ Yuri Boyka ở loạt Undisputed, nhưng Scott Adkins còn ghi dấu ấn với loạt phim hai phần Ninja. Trong phần hai mang tên Ninja: Shadow of a Tear (2013), anh đem đến cho khán giả nhiều màn giao chiến ấn tượng và đẹp mắt được thực hiện theo phong cách hành động cổ điển.

Các diễn viên trong phim đều là võ sĩ thực thụ với nhiều đòn thế được thực hiện rõ ràng, mạnh mẽ ở tốc độ cao. Họ luôn hạn chế tối thiểu các thủ thuật quay phim nhằm đem đến phần hình ảnh mộc mạc, chân thực nhất.

Bên cạnh trường đoạn một mình Scott Adkins xử lý đám du côn trong quán bar, thì trận chiến cuối cùng giữa anh và nhân vật của Kane Kosugi xứng đáng là màn trình diễn khẳng định rõ nhất đẳng cấp võ thuật của ngôi sao.

Cuộc đấu dài hơi giữa bộ đôi ngang cơ khiến khán giả cảm thấy mãn nhãn, và hy vọng hai diễn viên sẽ có thêm cơ hội ở các tác phẩm lớn hơn trong tương lai.

Himura Kenshin (Takeru Satoh) đấu Soujiro Seta (Ryunosuke Kamiki) trong Rurouni Kenshin: The Legend Ends (2014)

Trích đoạn từ 'Rurouni Kenshin: The Legend Ends' (2014) Cuộc tái đấu giữa hai nhân vật Kenshin và Soujiro Seta trong phiên bản live-action chuyển thể từ bộ manga cùng tên.

Rurouni Kenshin là loạt phim chuyển thể từ manga hiếm hoi thành công, không bị fan của nguyên tác “ném đá”. Bộ ba phim nhận nhiều lời khen nhờ phần nội dung trung thành với nguyên tác. Tạo hình và diễn xuất của các nhân vật đều thuyết phục, còn các cảnh hành động được thực hiện công phu, bài bản.

Xuyên suốt trilogy, khán giả có cơ hội thưởng thức nhiều trường đoạn hành động mãn nhãn. Tiêu biểu trong số đó là màn ác chiến giữa nhân vật chính Himura Kenshin (Takeru Satoh) cùng sát thủ có tốc độ ra đòn chớp nhoáng - “Thiên kiếm” Soujiro Seta (Ryunosuke Kamiki) - diễn ra ở gần cuối phần ba.

Trường đoạn hành động thể hiện trung thành và rõ rệt phong cách hành động đậm chất võ hiệp của các nhân vật ở nguyên tác. Trận chiến diễn ra khẩn trương, kịch tính, với hàng loạt chiêu kiếm được tung ra liên tục ở tốc độ cao, linh hoạt và đầy dứt khoát.

Captain America (Chris Evans) đấu Winter Soldier (Sebastian Stan) trong Captain America: The Winter Soldier (2014)

Trích đoạn cận chiến từ 'Captain America: The Winter Soldier' (2014) Phần phim riêng thứ hai về Captain America luôn giành được nhiều tình cảm từ người hâm mộ.

Trải qua 10 năm phát triển của MCU, đến nay, không ít khán giả vẫn cho rằng Captain America: The Winter Soldier là tác phẩm hay nhất của vũ trụ điện ảnh. Cân bằng tốt giữa cốt truyện hấp dẫn cùng phần hành động mãn nhãn, bộ phim tạo ra chuẩn mực mới cho các phim sau này của MCU.

Điểm nhấn hành động của Captain America: The Winter Soldier là màn đối đầu giữa Captain America (Chris Evans) và người bạn cũ Bucky Barnes (Sebastian Stan) nay đã trở thành kẻ thù bên kia chiến tuyến với mật danh Winter Soldier.

Dù có thời lượng không quá dài, cũng như còn lạm dụng thủ thuật rung lắc máy quay và cắt cảnh nhanh, đây vẫn là trường đoạn cận chiến đáng nhớ, thể hiện rõ ràng sức mạnh và trình độ của cả hai nhân vật “siêu chiến binh” ngang tài ngang sức. Hy vọng rằng trong tương lai, dòng phim siêu anh hùng sẽ có thêm các pha hành động mang phong cách tương tự.

Hai trường đoạn hành động mở đầu và kết thúc The Villainess (2017)

Trường đoạn mở đầu phim 'The Villainess' Bộ phim hành động điên rồ của điện ảnh Hàn Quốc với nhân vật chính là phái đẹp.

Xét về tổng thể, The Villainess chưa thể tạo ra ấn tượng cũng như tiếng vang tầm cỡ quốc tế như The Man from Nowhere. Nhưng bộ phim vẫn đủ khiến các khán giả tại liên hoan phim Cannes lần thứ 70 phải choáng váng và vỗ tay tán dương sau khi kết thúc.

Sở hữu phần kịch bản rối rắm cùng diễn xuất còn hạn chế của diễn viên chính Kim Ok-bin, The Villainess chủ yếu khiến người ta nhớ tới bởi phần hành động vô tiền khoáng hậu trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Nổi bật hơn cả là hai trường đoạn hành động điên cuồng và đẫm máu ở đầu và cuối phim.

Đạo diễn Jung Byung-gil đã áp dụng hàng loạt thủ thuật quay phim tân thời vào tác phẩm hành động để đời của mình như quay ở góc nhìn thứ nhất (của nhân vật chính), rung lắc máy quay (shaky cam), giả lập toàn bộ trường đoạn vào một cú máy duy nhất (one long take)…

Kết hợp với phong cách hành động đẫm máu quen thuộc thường thấy của điện ảnh Hàn Quốc, The Villainess đem đến 7 phút mở đầu và 10 phút hạ màn nghẹt thở, mãn nhãn. Điều khiến chúng trở nên càng đặc biệt hơn là việc trung tâm các cảnh hành động là một nhân vật nữ.

‘Ác nữ báo thù’: Phim hành động đẫm máu 18+ của xứ kim chi

Bộ phim “The Villainess” gây ấn tượng mạnh bởi những trường đoạn hành động đẫm máu, qua đó giúp khán giả phần nào quên đi sự tham lam và rời rạc của nội dung kịch bản.

Lorraine Broughton (Charlize Theron) đấu nhóm sát thủ KGB trong Atomic Blonde (2017)

Trích đoạn hành động từ 'Atomic Blonde' (2017) Bộ phim điệp viên có Charlize Theron trong vai chính chứa đựng phân cảnh hành động kéo dài đáng nhớ tại một cầu thang.

Atomic Blonde thực tế mang hơi hướm của các tác phẩm hình sự - điệp viên truyền thống, với những nhiệm vụ kín đáo được thực hiện bằng nghiệp vụ khai thác thông tin, gài bẫy hoặc phản gián. So với các loạt phim điệp viên đình đám như 007 hay Mission: Impossible, kinh phí, quy mô và thời lượng hành động của bộ phim rõ ràng là hạn chế hơn.

Tuy nhiên, “nhỏ nhưng có võ”, từng phân cảnh hành động của Atomic Blonde đều rất công phu, chất lượng. Chúng hầu hết là các màn giao đấu tay đôi với mức độ chân thực rất thực cao. Trong đó, nổi bật nhất là lúc nữ điệp viên Lorraine Broughton đối đầu với nhóm sát thủ KGB để bảo vệ cựu nhân viên Stasi mang mật danh Spyglass (Eddie Marsan).

Toàn bộ trường đoạn dài hơi được các nhà làm phim khéo léo cắt dựng để giả lập thành một cú máy dài liên tục không có cắt cảnh hay chuyển cảnh. Kết quả là gần 10 phút phim đầy căng thẳng, kịch tính, với các màn giao chiến diễn ra liên tục trong khung hình rõ ràng, mượt mà xuyên suốt.

Điều đó giúp phong cách hành động của Atomic Blonde trở nên khác biệt so với nhiều tác phẩm cùng thể loại, đồng thời khẳng định tài năng của đội ngũ sản xuất và khả năng diễn xuất hành động ấn tượng của Charlize Theron.

‘Điệp viên báo thù’: Gay cấn, bạo lực, mãn nhãn

Tác phẩm hành động “Atomic Blonde” của đạo diễn David Leitch và ngôi sao Charlize Theron sở hữu nhiều pha hành động ấn tượng, trên nền là phần kịch bản còn rối rắm.

Khánh Hưng

Bạn có thể quan tâm