Bill Skarsgård đảo mắt trong IT (2017): Trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết kinh dị của Stephen King, gã hề Pennywise do Bill Skarsgård đã khiến khán giả rùng mình bởi khuôn mặt với nụ cười tà ác và hai con ngươi mắt lệch lạc. Chuyển động nhãn cầu khó tin ấy không phải sản phẩm của công nghệ vi tính. Nó chỉ là một trong những tài lẻ của Skarsgård. Ảnh: Warner Bros. |
Tom Cruise nhảy lên máy bay trong Rogue Nation (2015): Trong Mission: Impossible - Rogue Nation, nhân vật Ethan Hunt do Tom Cruise thủ vai đã thực hiện một cuộc đột nhập thót tim vào bên trong chiếc máy bay đang cất cánh. Cảnh hành động gây ấn tượng không chỉ vì cảm giác giật gân, hồi hộp nó mang lại mà còn bởi Tom Cruise đã tự mình thực hiện pha nguy hiểm. Ảnh: Paramount. |
Zoe Bell treo người trên ca-pô xe trong Death Proof (2007): Zoe Bell là một diễn viên đóng thế có kinh nghiệm trước khi góp mặt trong bộ phim kinh dị Death Proof của Quentin Tarantino. Trong cảnh cao trào của tác phẩm, nhân vật do cô thủ vai đã bám trên ca-pô một chiếc xe hơi đang di chuyển với tốc độ cao. Tài xế - tên giết người hàng loạt do Kurt Russell thủ vai - liên tục đánh lái, nhằm hất cô ngã xuống. Cảnh quay nghẹt thở hoàn toàn không có sự trợ giúp của CGI. Ảnh: Dimension Films. |
Tobey Maguire đỡ khay đồ ăn trong Spider-Man (2002): Một tác phẩm thuộc dòng phim siêu anh hùng như Spider-Man sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu CGI. Tuy nhiên, cảnh Peter Parker (Tobey Maguire) một tay đỡ Mary Jane (Kristen Dunst) trong khi tay kia cầm khay hứng gọn thức ăn đang rơi xuống lại là một cảnh thật, tốn 156 lần thử thất bại trước đó để thành công. Ảnh: Sony. |
Kurt Russell ném bóng trúng rổ trong Escape from L.A (1996): Kurt Russell thủ vai Snake Plissken, một cựu binh lão làng. Dù bộ phim đầy những cảnh được xử lý CGI vụng về, nhưng khoảnh khắc Plissken đứng ở nửa sân bên này, vung tay ném bóng trúng bảng rổ ở cuối sân bên kia được quay thật từ đầu chí cuối. Để chuẩn bị cho khoảnh khắc ấy, Kurt Russell đã phải tập bóng rổ liên tục trong khoảng nghỉ giữa các cảnh phim. Ảnh: Paramount. |
Con ngài trong phim Hocus Pocus (1993) không phải đạo cụ giả: Trong bộ phim của Disney, Doug Jones vào vai Billy, một xác ướp thân thiện. Trong cảnh Billy mở miệng lần đầu tiên sau một thế kỷ, từ miệng nhân vật, người xem có thể thấy một vài con ngài đã bay ra cùng bụi. Trên phim trường, Doug Jones đã phải ngậm vài con ngài sống trong miệng để có được cảnh quay chân thực nhất. Ảnh: Disney. |
Michelle Pfeiffer thực sự ngậm chim sống trong Batman Returns (1992): Trong cuộc gặp gỡ ác nhân Penguin (Danny DeVito), Catwoman của Pfeiffer đã nhét một chú chim sống vào miệng, giữ nó một lúc trước khi thả tự do cho con thú. Michelle Pfeiffer thừa nhận ban đầu bà lo lắng về những bệnh truyền nhiễm có thể mắc phải, nhưng cuối cùng đã vượt qua và mang đến cho khán giả một cảnh phim vô cùng ấn tượng. Ảnh: Warner Bros. |
Cảnh phẫu thuật não của T-800 trong Terminator 2 (1991): Cảnh phim này không xuất hiện trong bản chiếu rạp của Judgment Day. Trong đó, Sarah Connor đã mở hộp sọ T-800 (Arnold Schwarzenegger) để khởi động lại CPU. Quá trình đòi hỏi cô phải thọc tay vào bên trong hộp sọ của con robot. Điểm thú vị của cảnh quay nằm ở chỗ nó được thực hiện mà không có sự can thiệp của CGI. Đoàn phim đã kỳ công dàn dựng không gian với nhiều lớp cảnh xa gần kết hợp với gương để tạo ảo giác ba nhân vật cùng đứng tại một vị trí. Ảnh: TriStar. |
Máu giả phun từ cái hố trên giường trong A Nightmare on Elm Street (1984): Cảnh phim Glen (Johnny Depp) bị Freddy kéo xuống cái lỗ giữa giường, tiếp đó máu phun lên trong A Nightmare on Elm Street được dàn dựng thủ công trên phim trường. Theo tiết lộ từ đoàn phim, bộ phận thiết kế mỹ thuật đã lật ngược toàn bộ căn phòng, đổ máu giả từ trên xuống. Cảnh phim sẽ được lật lại một lần nữa trên bàn dựng, tạo thành hiệu ứng máu phun như những gì khán giả đã thấy. Ảnh: New Line Cinema. |
Thành phố ảo trong Escape from New York (1981): Thời điểm Escape From New York được thực hiện, CGI vẫn là công nghệ vô cùng đắt đỏ. Do đó, hình ảnh thành phố ảo hiển thị trên màn hình vi tính của nhân vật Snake Plissken thực chất là mô hình được dựng theo tỷ lệ thu nhỏ. Đội ngũ thiết kế mỹ thuật đã dựng sa bàn thành phố New York, phủ sơn sơn đen, rồi viền cạnh các tòa nhà bằng băng dính màu xanh neon. Tiếp đến, họ quay mô hình này từ trên xuống, tạo ra ấn tượng về một thành phố ảo mà kịch bản yêu cầu. Ảnh: AVCO Embassy Pictures. |