Đạo diễn Lê Dân qua đời vào trưa 26/2 tại nhà riêng sau gần một tháng chống chọi với bệnh tật. Trước đó, ông được người thân đưa vào bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM hôm 9/2 sau khi bị ngất trong căn phòng nhỏ ở nghĩa trang Bình Dương. Ông rơi vào trạng thái hôn mê sâu vì bị đột quỵ và tiểu đường. Các bác sĩ tại bệnh viện không thể tiến hành phẫu thuật vì sức khỏe của đạo diễn nổi tiếng đã yếu, lại thêm nhiều bệnh tái phát nên sợ không qua khỏi trên bàn mổ.
Do đó, bệnh viện đã khuyên người nhà nên đưa ông về nghỉ ngơi. Nghe tin cha khó qua khỏi, 2 con trai của đạo diễn Lê Dân đang định cư ở Pháp và Đức đã nhanh chóng về Việt Nam để chăm sóc ông những ngày cuối đời. Khi về nhà riêng hơn 3 tiếng đồng hồ, ông đã trút hơi thở cuối cùng trong sự thanh thản.
Trước đó, tại bệnh viện, cố đạo diễn có dấu hiệu không qua khỏi nên người thân cũng đã chuẩn bị tinh thần. Trong đám tang sáng 29/2, mọi người đều dành cho ông sự thương tiếc và yêu mến vì tâm huyết của ông với nền điện ảnh Việt.
Ông Đinh Duy Ngọc chụp ảnh cùng cố đạo diễn Lê Dân vào hôm 10/1 tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương. Ảnh: NVCC |
Theo lời kể của phóng viên kiêm nhà điều hành sản xuất phim Đinh Duy Ngọc, người sát cánh cùng cố đạo diễn Lê Dân trong cuộc sống và công việc, bức chân dung về đạo diễn tiên phong của nền điện ảnh Việt được khắc họa rõ nét hơn.
Đạo diễn Lê Dân và vợ vốn theo học ngành luật sư tại Pháp vào thời điểm trước giải phóng. Ông làm việc trong lĩnh vực luật khoảng 3 năm thì bỏ nghề để theo học điện ảnh cũng tại thủ đô hoa lệ. Ông là một trong những đạo diễn đầu tiên của Việt Nam, người góp công lớn vào thành công của các diễn viên tên tuổi như Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Túy Hồng…
Sau giải phóng, ông tiếp tục cống hiến tài năng thông qua các bộ phim Dòng sông mơ ước, Ông cố vấn… Đặc biệt, ông là người phát hiện và đưa Việt Trinh đến với màn ảnh rộng. Nhờ phim Xương rồng đen của đạo diễn Lê Dân, “người đẹp Tây Đô” sau đó một bước trở thành sao. Hay như NSƯT Thanh Thúy cũng từng được ông mời đóng Võ Thị Sáu.
Những bức thư từ Sơn Mỹ được đạo diễn Lê Dân bỏ tiền túi đầu tư vào năm 2010 với hơn 7,5 tỷ đồng và đây cũng là phim cuối cùng của ông. Ông đã cầm cố nhà riêng cho ngân hàng để có tiền làm phim. Nhưng có một sự cố là phim chỉ được chiếu ở vài nơi. Doanh thu không thấm là bao so với công sức của cố đạo diễn. Vì thế, ông phải bán nhà để trả nợ, sau đó về sống trong căn phòng nhỏ ở nghĩa trang Bình Dương. Thời điểm này, sức khỏe của ông cũng đã yếu. Một vài nơi hứa hẹn sẽ mời ông về làm phim, tuy nhiên, họ chỉ hứa suông vì lo sợ đạo diễn Lê Dân không đủ sức để chinh chiến trên phim trường.
Ông Đinh Duy Ngọc (áo xám đeo cà vạt) làm chung phim với đạo diễn Lê Dân (ngoài cùng bên phải) trong năm 2003, từ đó họ gắn bó với nhau từ trong công việc đến cuộc sống. Ảnh: NVCC. |
Không chỉ làm phim, cố đạo diễn còn mang nặng tâm huyết với nghề. Khi tuổi đã lớn, ông bắt đầu nảy ra sáng kiến thành lập trung tâm điện ảnh để truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ mai sau. Đạo diễn Lê Dân từng lắng nghe tâm sự của nhiều người trẻ, họ muốn được làm phim vô tư, không vụ lợi nhưng lại không có cơ hội để tiếp cận với nghề. Năm 2006, đạo diễn và ông Đinh Duy Ngọc cùng làm việc ở công ty của Hoa hậu đền Hùng Giáng My với vai trò cố vấn.
Đến năm 2007, cố đạo diễn thành lập trung tâm Unesco Điện ảnh đa truyền thông Việt Nam dưới sự phò tá của ông Đinh Duy Ngọc. Tại đây, ông giảng dạy nhiều lớp học về đạo diễn, biên kịch…, đồng thời cho phát hành tờ báo chuyên về điện ảnh. Tuy nhiên, ông chỉ in ấn gửi tặng, không bán nên bị thua lỗ. Hàng tháng, cố đạo diễn phải bỏ tiền túi 30 triệu đồng để duy trì việc phát hành. Vài năm sau, ông không có điều kiện để duy trì nên tờ báo ngừng hoạt động. Sau khi ông mất, ông Đinh Duy Ngọc được giao vị trí Phó giám đốc để tiếp quản, điều phối trung tâm.
Ông Đinh Duy Ngọc (ngoài cùng bên phải) cùng cố đạo diễn (thứ 3 từ trái sang) tham dự lễ kỷ niệm một năm thành lập kênh truyền hình vào năm 2006. Ảnh: NVCC |
Những năm tháng cuối đời của đạo diễn Lê Dân tại Bình Dương, ông Đỗ Duy Ngọc đều đặn đến thăm người chú, người thầy đáng kính. Vì vợ cố đạo diễn đã mất, 2 người con lại định cư ở nước ngoài nên ông được người thân, học trò cũ chăm sóc. Trong đám tang của ông tổ chức sáng 29/2, toàn bộ các học trò đã đến đưa tiến người thầy tài hoa về nơi an nghỉ cuối cùng.
Cố đạo diễn được nghỉ ngơi bên vợ của ông tại nghĩa trang Bình Dương. Theo đúng điều luật, nghệ sĩ Lê Dân được một phần mộ tại đây. Tuy nhiên, sau khi xem xét, giám đốc Hoa viên nghĩa trang Bình Dương quyết định dành tặng gia đình ông 2 phần mộ vì vợ của đạo diễn Lê Dân từng làm việc ở Viện phim Trung ương.