Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những câu chuyện kể bên bờ đông Melaka

Bên bờ đông sông Melaka, thành phố trở thành điểm đến của nhiều du khách bởi vô số công trình kiến trúc có tuổi đời hàng trăm năm mang phong cách châu Âu cổ kính.

Nổi bật ngay trung tâm phố cổ là quảng trường Hà Lan với tòa thị chính Stadthuys và nhà thờ đỏ cùng với tháp đồng hồ, đài phun nước, cối xay gió. Điểm đến cuốn hút bởi các công trình này đều được sơn màu hồng đỏ bắt mắt.

Bờ đông - dấu ấn châu Âu

Tòa thị chính Stadthuys là công trình kiến trúc lâu đời nhất ở phương Đông của người Hà Lan với các cánh cửa to lớn vững chãi và những ô cửa sổ có mái che điển hình, được xây dựng vào khoảng những năm 1641-1660.

Trong vòng 300 năm, Stadthuys luôn được sử dụng làm tổng hành dinh quyền lực của chính quyền thành phố, đến năm 1982 mới chuyển đổi thành một bảo tàng lịch sử.

Nhà thờ đỏ Melaka được xây hoàn toàn bằng gạch đỏ mang sang từ vùng Zeeland của Hà Lan với thiết kế đơn giản nhưng xinh xắn. Bên trong xếp những băng ghế dài màu tối, không gian ấm cúng và việc thiếu một chút ánh sáng lại khiến những bức tranh kính trên cửa sổ trở nên nổi bật và bí ẩn.

Nhà thờ đỏ Christ Church Melaka. Ảnh: Thủy Trần.
Nhà thờ đỏ Christ Church Melaka. Ảnh: Thủy Trần.

Xung quanh khu vực quảng trường luôn có rất nhiều xe xích lô được trang hoàng rực rỡ vừa khoa trương hào nhoáng, vừa mộc mạc đáng yêu trong tiếng nhạc rộn ràng.

Ngay gần đài phun nước mang phong cách châu Âu là tháp đồng hồ Tang Beng Swee được xây bởi một người Trung Quốc có tên là Tan Jiak Kim thuộc thế hệ thứ ba của một gia đình giàu có lâu đời tại Melaka.

Vào thế kỷ 16 (năm 1511) các hạm đội Bồ Đào Nha dưới sự chỉ huy của Alfonso Albuquerquer đã tiến đánh và xâm lược thành công vương quốc Hồi giáo Malacca.

Để củng cố lợi ích và chống lại sự xâm lược từ bên ngoài, Alfonso đã sử dụng 1.500 nô lệ để xây dựng pháo đài A Famosa như một thành trì xung quanh một ngọn đồi gần biển.

Năm 1641 người Hà Lan giành quyền kiểm soát Malacca và đến năm 1795 nó lại rơi vào tay người Anh.

Sự biến động qua các cuộc chiến đã xóa sổ phần lớn công trình kiến trúc của A Famosa, chỉ còn sót lại một tháp canh đổ nát dưới chân đồi đặt nhà thờ thánh Paul, những khẩu pháo thần công cổ xưa và bức tường thành loang lổ.

Di tích nhà thờ thánh Paul cũng là một nơi gắn bó với nhiều lịch sử biến động của thành phố. Trước khi người Bồ Đào Nha tới, đây chỉ là một ngọn đồi mang tên thành phố. Năm 1521, Duarte Coelho đã xây dựng trên đỉnh đồi một nhà nguyện thánh mẫu nhỏ.

Nhà thờ thánh Paul - Ảnh: Thủy Trần
Nhà thờ thánh Paul. Ảnh: Thủy Trần.

Francis Xavier - một tu sĩ Công giáo tiên phong ở phương Đông - từng được chôn cất tại giáo đường này trong chín tháng trước khi được đưa về lưu giữ ở Goa (Ấn Độ).

Năm 1952, một bức tượng của Francis Xavier đã được xây dựng để tưởng nhớ sự ra đi của vị thánh, nhưng vào buổi sáng sau ngày thánh hiến, một cành cây rơi xuống đã làm gãy bàn tay phải của tượng và người ta quyết định để nguyên bức tượng với một chiếc tay bị cắt cụt.

Khi người Hà Lan chiếm được Malacca, họ đã sửa chữa nhà nguyện thánh mẫu kể trên, đổi tên thành nhà thờ St. Paul và biến thành nhà thờ của mình trong vòng hơn 100 năm cho đến khi họ tự xây dựng riêng nhà thờ đỏ Christ Church dưới chân đồi.

Nhà thờ St. Paul đã bị lãng quên và mất tháp canh cho tới khi người Anh đến và biến nó thành kho thuốc súng, thêm vào phía trước một ngọn hải đăng thay vì dùng nó theo đúng chức năng. 

Tôi ghé qua nghĩa trang người Hà Lan, nơi thực tế chỉ có 5 ngôi mộ người Hà Lan và 33 ngôi mộ khác thuộc về người Anh.

Trong số các phần mộ hiện tại, đáng chú ý nhất là ngôi mộ có một cột tròn rất cao khác biệt. Đây là phần mộ mai táng hai quân nhân người Anh đã bị giết trong cuộc chiến giữa người Anh và Naning (1831-1832).

Nhà thờ thánh Francis Xavier được xây dựng  năm 1856 bởi linh mục người Pháp, cha Farve để vinh danh việc truyền đạo của Thánh Francis Xavier.

Trải qua hơn một thế kỷ, nhà thờ có xu thế nghiêng về bên trái nhưng vẫn luôn nổi bật trên bầu trời Melaka với kiến trúc gothic và hai mái chóp trên nóc nhà nhưng lại khá khiêm tốn thu mình nơi góc đường Jalan Laksamana.

Nằm cách cụm di tích châu Âu không xa về phía cửa sông là bảo tàng hàng hải với kiến trúc một con tàu nguyên vẹn, bản sao của “Flora De La Mar” từng bị chìm ngoài biển khơi.

Bảo tàng được đặt ở khu Quayside, cao 34m, rộng 8m và dài 36m, là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, cổ vật của Melaka qua các thời kỳ.

Bản giao hưởng sắc màu

Từ trên đỉnh đồi St. Paul, du khách có thể hướng tầm mắt về phía biển. Thành phố dưới chân phồn hoa và rực rỡ. Tháp quay Taming Tari cao 110m xoay vòng 360 độ đưa du khách lên cao dần và ngắm nhìn toàn cảnh Melaka bên bờ eo biển cùng tên lừng danh.

Malacca Sultanate Palace - Bảo tàng Văn hóa Melaka
Malacca Sultanate Palace - Bảo tàng Văn hóa Melaka. Ảnh: Thủy Trần.

Ngoài những di tích mang đậm nét châu Âu, bờ đông của Melaka cũng có nhiều công trình kiến trúc thuộc về châu Á như cung điện hoàng gia Malacca và khu phố của người Hoa - Bukit China.

Malacca Sultanate Palace là một tuyệt tác của kiến trúc Mã Lai và là bản sao cung điện vương triều Malacca trong quá khứ.

Cung điện được làm hoàn toàn bằng gỗ với kiến trúc mái phức tạp và độc đáo, bên trong là nơi trưng bày hiện vật lịch sử của Bảo tàng Văn hóa Malacca.

Hai ngày để "mẹ la cà" ở Melaka không thể nào là đủ. Mới chỉ dạo bước bên bờ sông ngắm những quán cà phê nhập nhòa trong chiều muộn, chưa kịp khám phá những bức tranh tường nghệ thuật và sống động ẩn nấp đâu đó trên nóc nhà, bờ tường, ô cửa của thị trấn cổ.

Mới chỉ tận hưởng một sáng mai an bình trên khu phố Hoa kiều với những người già trong nhà, ngoài phố lặng lẽ và chậm chạp. Chưa kịp ngồi trên quảng trường đỏ, đọc sách và viết đôi dòng lưu bút về một miền đất chưa kịp thấu hiểu đã phải rời đi...

Thế giới ngầm lạ lẫm Coober Pedy

Theo nhận định của giới du lịch, Coober Pedy là nơi lý tưởng để bạn tìm kiếm một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt ở Australia, nơi có hơn phân nửa dân số sống ngầm dưới đất.

http://dulich.tuoitre.vn/tin/20150529/bo-dong-melaka-dau-an-chau-au/754005.html

Theo Thủy Trần / Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm