Giữa tháng 10, đợt mưa lớn gây ngập diện rộng tại Đà Nẵng, nhiều ôtô, xe máy chết máy nằm la liệt trên nhiều tuyến phố. Nghe tin, đội sửa xe khoảng 10 người từ huyện Nông Sơn và huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) quyết định đóng cửa hàng, nghỉ làm để chạy ra Đà Nẵng hỗ trợ sửa miễn phí cho bà con. "Vừa đến nơi, nhiều người biết tin đã mang xe nhờ khởi động lại. Số lượng đông khiến tôi cũng không nhớ chính xác đã làm cho khoảng bao nhiêu người", một thành viên của đội nói với Zing. Không chỉ nhóm thợ Quảng Nam, hình ảnh nhiều chủ cửa hàng xe, thợ sửa có kỹ năng xắn tay hỗ trợ người dân cũng được lan tỏa trên nhiều trang mạng. Ảnh: Tin tức Thăng Bình. |
Cũng trong đợt mưa lịch sử ở Đà Nẵng, anh Hồ Ngọc Thanh, CLB Chuyến Xe Vạn Tình 0 Đồng TP Đà Nẵng và nhiều mạnh thường quân trắng đêm đi cứu hộ, mang đồ ăn cho bà con bị ảnh hưởng. Theo đó, từ 16h chiều 14/10, ngay khi nhận được thông tin, anh Thanh cùng nhóm dùng xe bán tải hỗ trợ chở người dân bị ngập xe máy ra khỏi vùng nước xoáy. Tới 23h, họ tiếp tục tham gia cứu hộ đến mức hỏng xe. Sau đó, CLB tiếp tục chia thành 2 tốp, một túc trực xe cứu thương để hỗ trợ bệnh nhi chuyển viện mổ tim cùng các ca xuất viện hoặc tử vong về nhà, một dùng xe bán tải di chuyển đến những nhà dân cần hỗ trợ. Ảnh: NVCC. |
Trong khi đó, nhóm của chị Võ Quảng Việt cùng nhiều người chung tay đi kêu gọi quyên góp và mua đồ nấu ăn cho bà con. Chị Việt cho biết chương trình nấu liên tục cả nghìn suất rất vất vả, nhưng đó là sự chung tay từ các nhà hảo tâm, tình nguyện viên nên ai nấy đều không thấy mệt. Ảnh: NVCC. |
Hồi tháng 9, khi bão Noru đổ bộ, Quang Huy (sinh năm 1995), chủ khách sạn tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng) tận dụng 8 phòng khách sạn của gia đình làm nơi trú ẩn cho người dân địa phương. Ngoài chỗ ở, khách sạn cũng chuẩn bị một số thực phẩm như mì tôm, nước, bánh ngọt để những vị khách đặc biệt sử dụng và đều miễn phí. Tại quận Liên Chiểu, club của anh Ngọc Sơn cũng được tận dụng làm nơi lánh nạn miễn phí. Anh cùng nhân viên trải sẵn chiếu, chăn mỏng ra mặt sàn cho người dân ngủ tạm. Quầy bar cũng được chất đầy sữa tươi, mì tôm, trứng, xúc xích và nước nóng để mọi người sử dụng. Ảnh: Ngọc Sơn. |
Một trong những hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Noru là vợ chồng anh Hoàng Tiến (sinh năm 1980) và chị Ngô Thị Hải Yến (sinh năm 1986), chủ tiệm vàng Phước Thịnh tại chợ Cửa Việt. Trận lốc xoáy hôm 27/9 đã cuốn đi khoảng 10 cây vàng tây và 60 triệu đồng tiền mặt. Nhà riêng của anh chị ở khu phố 3, thị trấn Cửa Việt cũng bị đánh tan tác. Vì cố níu lại các tấm kính, vợ chồng anh Tiến đều bị thương ở tay và phải nhập viện. Nghe tin, một số người dân xung quanh giúp cặp vợ chồng tìm, gom nhặt, số vàng, trang sức bị gió cuốn và cho hai người ở nhờ đến khi ổn định tình hình. |
Từ tháng 3, khi giá xăng dầu tăng kéo theo nhiều nguyên vật liệu đội lên, quán bún của Huỳnh Văn Minh (41 tuổi, TP.HCM) gây ấn tượng với thông báo "Quán mình sẻ chia, không tăng giá". Chia sẻ với Zing, chủ quán bún mắm cho biết đây là cách anh sẻ chia phần nào gánh nặng tiền bạc với người dân TP.HCM. “Đây không phải lần đầu tôi viết tâm thư như thế này. Hồi 2019, khi giá xăng tăng đột ngột, quán từng đặt bảng xin phép bớt một con tôm trong phần ăn và được thực khách ủng hộ. Ai cũng gặp áp lực trong thời buổi vật giá leo thang, tôi cố gắng không tăng giá để bà con vẫn mua tô bún với giá cũ”, anh Minh bày tỏ. Ảnh: Hồng Anh. |
Sáng 12/4, Nguyễn Luân (sinh năm 1999), đội phó của Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel, nhận được tin có nạn nhân bị tụt huyết áp, nằm co giật giữa ngã năm Phan Chu Trinh - Lò Đúc (Hà Nội). Đến nơi, anh bất ngờ khi thấy một số người dân đã cầm áo mưa, đứng che cho người gặp nạn. "Trong khi đeo găng tay, tôi nhờ người xung quanh chịu khó giúp che mưa thêm một lúc để mình có thể sơ cứu cho nạn nhân. Mọi người bảo là cứ yên tâm tập trung làm việc thôi, đừng lo gì cả. Lúc đó, tôi rất xúc động vì sự tử tế, nhiệt tình của người dân", anh kể với Zing. Vì chỉ đi một mình, sau khi sơ cứu xong, anh tiếp tục được người dân khiêng giúp một đầu cáng, đưa nạn nhân lên xe, chở tới bệnh viện. Ảnh: NVCC. |
Cuối tháng 2, Ngô Thị Ngọc Quỳnh (sinh năm 1999), thuê trọ tại quận Tây Hồ (Hà Nội), phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Sau khi báo tin cho chủ nhà là anh Đinh Trọng Nghĩa, Quỳnh liên tiếp nhận được những tin nhắn hỏi thăm, hỗ trợ. Anh cũng chủ động mua thực phẩm như rau củ, sả, chanh, xúc xích tiếp tế cho Quỳnh và không lấy tiền. Thuê trọ tại đây từ tháng 10/2020, Ngọc Quỳnh cho biết trong đợt Hà Nội giãn cách xã hội, cô cũng được giảm tiền nhà, miễn phí điện, nước. Bên cạnh đó, sau dịp Tết Nguyên đán, mỗi phòng trọ cũng được anh Nghĩa lì xì 200.000 đồng, trừ vào tiền thuê. Ảnh: NVCC. |
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.