Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những câu chuyện xúc động, nhân văn trong 'Gương sáng phố phường'

Chia sẻ về sự cố xảy ra khi truy bắt băng trộm xe SH, ông Hoàng nghẹn giọng: "Đó là nỗi đau quá lớn với chúng tôi, bản thân tôi lúc đó cũng không biết mình còn sống hay không".

Sáng 12/8, tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM diễn ra chương trình giao lưu "Gương sáng phố phường" lần thứ 19, do Báo Công an TP.HCM, Cung Văn hóa Lao động và Đài truyền hình TP.HCM phối hợp tổ chức.

Chương trình được tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8), nhằm tuyên dương những tấm gương tiêu biểu trong lực lượng công an và quần chúng nhân dân tại TP.HCM có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Tại buổi giao lưu, ông Trần Văn Hoàng (sinh năm 1971, Trưởng nhóm phòng chống tội phạm quận Tân Bình) đã chia sẻ về những kinh nghiệm cũng như nguyên tắc khi làm "hiệp sĩ". Ông nhấn mạnh làm 'hiệp sĩ" là phải có đức, vì cho dù có tài mà không có đức thì cũng không làm cái nghề này được.

Theo ông Hoàng, TP.HCM nói riêng cũng như nhiều tỉnh, thành khác nói chung hiện có rất nhiều tổ nhóm tham gia làm công việc phòng chống tội phạm, mục đích chung là làm việc nghĩa. Thời gian gần đây, trên báo chí cũng xuất hiện nhiều cảnh báo một số người lợi dụng làm việc làm "hiệp sĩ" để tư lợi cá nhân, con số đó dù rất ít nhưng nó làm ảnh hưởng đến uy tín của những người "hiệp sĩ" chân chính.

Hiep si duong pho Sai Gon anh 1
Anh Hoàng ghi lại cảnh các "hiệp sĩ" vây bắt cảnh bắt băng trộm xe SH được nhóm cascadeur tái hiện tại chương trình.

"Riêng nhóm Phòng chống tội phạm quận Tân Bình chúng tôi làm việc có nội quy và nguyên tắc rất rõ ràng, minh bạch, trong sạch, không tư lợi cá nhân, không xin xỏ người được giúp đỡ. Đó là nguyên tắc. Có tài mà không có đức thì không thể làm công việc này", ông Hoàng khẳng định.

Chia sẻ về sự cố xảy ra mới đây với đồng nghiệp khi truy bắt băng trộm xe SH, ông Hoàng nghẹn giọng: "Đó là nỗi đau quá lớn với chúng tôi, bản thân tôi lúc đó cũng không biết mình có còn sống hay không. Nhưng khi biết kẻ gian đã bị cảnh sát hình sự bắt được thời gian ngắn sau đó tôi rất xúc động".

Theo ông Hoàng, sự việc xảy ra cũng là bài học xương máu cho tất cả các tổ nhóm tham gia công việc phòng chống tội phạm.

Với hơn 20 năm rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn để bắt cướp, ông Hoàng cùng đồng đội đã bắt hàng trăm tên tội phạm, góp phần cùng lực lượng Công an TP.HCM giữ gìn an ninh trật tự, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Tại chương trình, khán giả còn được nghe những chia sẻ của anh Đinh Minh Cảnh (sinh năm 1971, ngụ huyện Bình Chánh). Anh Cảnh đã đóng góp thầm lặng cho xã hội với việc chế tạo xe hút đinh để làm sạch những tuyến đường bị kẻ xấu rải đinh nhằm bẫy người đi đường trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh.

Hiep si duong pho Sai Gon anh 2
Xe hút đinh tự nguyện của anh Cảnh đem đến chương trình khiến nhiều khán giả xúc động với công việc thiện nguyện của anh.

Gia cảnh chẳng khá giả gì với nghề chạy xe ôm, nhưng mỗi ngày anh vẫn đều đặn chạy chiếc xe hút đinh của mình để mang lại sư an toàn cho người đi đường.

Khi được hỏi: "Có khi nào anh muốn bỏ công việc vất vả và nguy hiểm này không?", anh Cảnh trả lời: "Mấy lần gia đình khuyên bỏ đi, nhưng không làm được, rồi bị "đinh tặc" hăm dọa nhưng rồi tôi vẫn làm, làm khi nào không còn đinh để hút thì thôi".

Điều anh mong ước là không còn đinh để anh phải đi hút nữa.

Bên cạnh những tấm gương người dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, phải kể tới những cán bộ, chiến sĩ công an có nhiều nghĩa cử góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân.

Thượng úy Vũ Đình Nam, cán bộ Đội CSGT Tân Sơn Nhất cùng đồng đội là trung úy Đoàn Tấn Phú trong lúc làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tại giao lộ Trường Chinh - Tây Thạnh (quận Tân Phú) thì phát hiện một người mẹ chạy xe máy chở theo con nhỏ đi bệnh viện với vẻ mặt rất lo lắng vì cháu bé đang trong tình trạng nguy cấp, trong khi đó đường lại đang ùn tắc.

Ngay lập tức, thượng úy Nam nói người mẹ đưa cháu bé cho đồng đội của mình bế rồi dùng xe môtô đặc chủng cấp tốc chở cháu bé đến bệnh viện kịp thời. Hình ảnh hai chiến sĩ CSGT trên môtô đặc chủng bế một em bé vừa đi vừa dỗ dành cho bé bú bình được người dân chụp lại nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, làm ấm lòng bao người.

Thiếu úy trẻ Võ Tấn Lộc (sinh năm 1995), cảnh sát khu vực Công an phường 13, quận 6 đã phải điều trị phơi nhiễm HIV sau hai lần vây bắt tội phạm ma túy. Dù công việc nguy hiểm, nhưng người chiến sĩ trẻ vẫn luôn hết lòng với công việc, không chút nề hà và có nhiều cống hiến góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Anh cho biết sức khỏe hiện tại của mình rất tốt và anh không có ý định chuyển công tác. Anh mong muốn được cống hiến để góp phần mang lại bình yên cho nhân dân, nên dù ở địa bàn nào thì anh cũng sẽ làm việc hết sức mình.

Nơi băng trộm SH đâm chết 2 'hiệp sĩ' cách trụ sở công an phường 20 m

Bị nhóm "hiệp sĩ" truy đuổi, 4 tên trộm bất ngờ dùng vũ khí chống trả làm 2 người tử vong, nhiều người khác bị thương.


http://congan.com.vn/guong-sang/hiep-si-tran-van-hoang-co-tai-ma-khong-co-duc-thi-khong-lam-hiep-si-duoc_60227.html

Theo Ngô Đồng/ Công An TP.HCM

Bạn có thể quan tâm