Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cha mẹ 3 năm mới được gặp con

Sau thời gian xa cách vì dịch Covid-19 và các hạn chế đi lại, nhiều bậc cha mẹ đi làm ăn ở các thành phố lớn Trung Quốc mới được gặp lại con cái ở quê nhà.

Nhiều trẻ em Trung Quốc "bị bỏ lại" quê khi bố mẹ đi làm việc ở thành phố lớn. Ảnh minh họa: VSI/VCG.

Dịp nghỉ lễ vừa qua, nhiều người lao động di cư Trung Quốc trở về nhà lần đầu tiên sau 3 năm. Đối với một số người, đây cũng là lần đầu tiên họ nhìn thấy con mình kể từ năm 2020.

Hoàn cảnh của "những đứa trẻ bị bỏ lại" ở quốc gia tỷ dân không phải chủ đề mới. Số dân di cư ở Trung Quốc còn lớn hơn tổng dân số của Mỹ. Con cái của họ đi về đâu, liệu chúng có được phép lớn lên bên cha mẹ hay không là một vấn đề nóng bỏng trong nhiều thập kỷ, theo Sixth Tone.

Những đứa trẻ bị bỏ lại

Tin tốt là tỷ lệ các gia đình di cư có trẻ em bị bỏ lại đã giảm dần trong thập kỷ qua, từ khoảng 70% năm 2010 xuống còn 50% vào năm 2020. Kể từ năm 2015, chính phủ Trung Quốc công bố loạt chính sách nhằm thúc đẩy đô thị hóa và hợp pháp hóa tình trạng của người di cư.

Chính sách đăng ký hộ khẩu đã dần được nới lỏng, đặc biệt ở các thành phố vừa và nhỏ, và các gia đình nông thôn chuyển đến khu vực thành thị. Điều này dẫn đến số lượng trẻ em có thể đi cùng cha mẹ di cư tăng lên và giảm tương ứng về số trẻ em bị bỏ lại ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên dữ liệu từ 3 năm qua không quá khả quan. Dù khó có số liệu thống kê đáng tin cậy, nhưng các số liệu về giáo dục cho thấy đại dịch Covid-19 đã đảo ngược một số tiến bộ trong thập kỷ qua và khiến một số lượng lớn trẻ em bị tách khỏi những cha mẹ đi làm ăn ở thành phố lớn.

tre em di cu anh 1

Đại dịch khiến nhiều trẻ em trong các gia đình di cư phải quay lại nông thôn. Ảnh minh họa: Luo Binhao/People Visual.

Dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến tổng thể phát triển kinh tế và thay đổi dân số, nhưng số dân di cư của Trung Quốc tăng lên vào năm 2020 và 2021. Dữ liệu từ cơ quan giáo dục quốc gia Trung Quốc lại cho thấy số trẻ em chuyển đến thành phố cùng bố mẹ trong độ tuổi đi học bắt buộc - 6 đến 14 tuổi - giảm đáng kể, từ 14,3 triệu vào năm 2020 còn 13,7 triệu vào năm 2021. Sự sụt giảm đặc biệt đáng chú ý ở độ tuổi học sinh tiểu học.

Có một số lời giải thích cho hiện trạng này, không phải tất cả đều liên quan trực tiếp đến đại dịch. Đầu tiên, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách sinh con thứ 2 từ năm 2016, mức sinh tăng vọt trong một thời gian ngắn. Những đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ này hiện bắt đầu đi học.

Tuy nhiên do số lượng quá nhiều, trước tình trạng siết chặt tuyển sinh, con cái các gia đình di cư thường là đối tượng bị loại đầu tiên. Dù chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đối với trẻ em di cư, số học sinh di cư nhập học các trường tiểu học ở thành thị năm 2021 vẫn giảm 75.300 em so với năm 2020.

Thứ hai, đại dịch đã khiến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động di cư giảm xuống, buộc nhiều gia đình phải gửi con cái về quê.

tre em di cu anh 2

Việc học của nhiều trẻ em Trung Quốc bị ảnh hưởng trong đại dịch. Ảnh minh họa: Liu Feiyue.

Thứ 3, chiến dịch hạn chế các cơ sở giáo dục tư thục phục vụ học sinh tiểu học và trung học cơ sở cũng ảnh hưởng đến các trẻ em di cư. Một chính sách mới của Bộ Giáo dục Trung Quốc quy định tỷ lệ học sinh trong độ tuổi giáo dục bắt buộc đăng ký vào các chương trình giáo dục tư thục ở các tỉnh không được vượt quá 5%.

Vì hộ khẩu của các trẻ em di cư không được đăng ký tại thành phố nơi cha mẹ làm việc, nhiều em không thể tiếp cận hệ thống trường công lập địa phương. Dù chính quyền ở các thành phố như Quảng Châu đã tăng số suất tại các trường công lập cho nhóm trẻ này trong những năm gần đây, cầu vẫn vượt xa cung, đặc biệt là sau khi nhiều trường tư bị đóng cửa hoặc hạn chế tuyển sinh bắt đầu từ năm 2021.

Số trẻ em di cư đăng ký học tại các trường tiểu học tư vào năm 2021 ít hơn 281.000 em so với năm 2020, giảm 13,25%.

Cuối cùng, nhiều gia đình di cư không thể cho con học ở trường trung học tại thành phố sinh sống. Điều này khiến nhiều trẻ phải trở lại hệ thống trường học ở quê hương để học cấp 2 và những năm cuối tiểu học. Ví dụ, vào năm 2021, số trẻ di cư đăng ký học lớp 6 thấp hơn 195.000 em so với số học sinh lớp 5 vào năm 2020.

Tương lai mông lung

Hiện, đại dịch phần nào qua đi và các hạn chế được dỡ bỏ, sự phát triển kinh tế, xã hội và sự di chuyển của dân cư bắt đầu phục hồi.

Tuy nhiên, đối với con em của những người di cư đã trở về quê trong 3 năm qua, việc trở lại thành phố không dễ. Cần nhiều suất linh hoạt trong trường học hơn để đáp ứng nhu cầu khi các em quay lại.

Cuối cùng, mức tăng đột biến hiện nay về số trẻ em nhập học do chính sách 2 con gây ra sẽ chững lại. Đến năm 2025, số trẻ em có hộ khẩu thành thị đăng ký nhập học dự kiến giảm và các suất có sẵn cho trẻ di cư sẽ tăng lên. Khi đó, điều kiện nhập học của trẻ di cư có thể sẽ hạ xuống.

tre em di cu anh 3

Trẻ em các gia đình di cư trở lại thành phố học tập không dễ dàng. Ảnh minh họa: Li Xiangbo/People Visual.

Nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề giáo dục cho trẻ di cư sẽ được giải quyết. Các vấn đề như tiếp cận chăm sóc trẻ em và chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm.

Sau chiến dịch "giảm kép" nhằm giảm bớt gánh nặng của việc học thêm bên ngoài trường học cho học sinh vào năm 2021, các dịch vụ cộng đồng dành cho gia đình di cư có con đã giảm đáng kể, bao gồm các chương trình chăm sóc trẻ và chương trình sau giờ học.

So với các gia đình thành thị, cha mẹ của trẻ em di cư thường phải làm việc nhiều giờ hơn và ít có khả năng chia sẻ công việc nuôi dạy con cái hơn. Để có thể sống cùng con cái, các gia đình này cần nhiều nguồn lực hỗ trợ chăm sóc trẻ hơn.

Những 'cha mẹ trực thăng' ở Hàn Quốc

Lo sợ con có thể gặp nguy hiểm, không thoải mái trong các chuyến đi với trường lớp, nhiều phụ huynh Hàn Quốc không ngại bám theo, can thiệp vào việc quản lý của giáo viên.

Sự bùng nổ của webtoon

Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.

Mai An

Bạn có thể quan tâm