Chấn thương thời thơ ấu có thể khiến trẻ cảm thấy bị cô lập. Ảnh: Bayview Recovery. |
Chia sẻ với HealthShots, bác sĩ nhi khoa và trẻ sơ sinh Lakshmy Menon đã kể lại cuộc gặp gỡ với một bé gái 10 tuổi. Bệnh nhi này thường xuyên kêu đau bụng và phải nghỉ học nên phụ huynh rất lo lắng.
Sau hàng loạt câu hỏi xung quanh cơn đau, tuổi dậy thì, bà Menon yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với bé gái thì mới biết em đã chuyển từ nơi học cũ đến một thành phố mới và gặp nhiều khó khăn. Bố thường xuyên vắng nhà, mẹ lại luôn phải làm việc quá sức, nên em không muốn ở cùng bố mẹ và bị tổn thương về mặt tình cảm.
Bà Menon cho biết chấn thương thời thơ ấu xuất hiện theo những cách khác nhau. Nhưng đó là vấn đề nhạy cảm phải được xử lý cẩn thận. Những trải nghiệm tiêu cực của cuộc sống có thể để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong tâm trí trẻ thơ. Cuối cùng, chúng sẽ định hình cách đứa trẻ cư xử, phản ứng với các tình huống khi còn nhỏ, thậm chí cả lúc trưởng thành.
"Thời thơ ấu là giai đoạn dễ bị tổn thương vì có rất nhiều kết nối thần kinh và mạng lưới hình thành trong não thông qua những trải nghiệm khác nhau của trẻ", bà Menon nói.
Các loại chấn thương thời thơ ấu
Chấn thương thể chất
Đây là loại chấn thương đặc biệt dễ thấy ở những gia đình rối loạn chức năng với mối quan hệ căng thẳng giữa bố mẹ. Những phụ huynh đang trải qua các vấn đề về tâm lý hoặc sức khỏe tâm thần có khả năng hành hạ đứa con ở nhà.
Chấn thương thể chất có thể bao gồm chấn thương não, đầu, gãy tay/chân hoặc chấn thương mô mềm ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Những vết thương này có thể hiện ra rõ ràng hoặc nằm ở các vùng khó nhìn thấy.
Chấn thương tình dục
Chấn thương tình dục xảy ra khi đứa trẻ bị người lớn, người già hoặc người có vai vế cao hơn thực hiện hành vi tình dục để nhằm mục đích thỏa mãn của người lớn hoặc các mục đích bất chính khác.
Những đứa trẻ bị xâm hại sẽ thể hiện các đặc điểm "tình dục hóa" sớm hoặc trở nên thu mình hơn, chẳng hạn như khó ngủ, đái dầm, rối loạn ăn uống và hành vi trốn tránh.
Sang chấn tâm lý
Trẻ có thể bị sang chấn tâm lý khi gặp những hành động gây ra cảm giác bất an như bị bỏ rơi, bị người thân làm hại, nghi ngờ về bản thân, bị mắng mỏ và xúc phạm trước mặt người khác.
Bỏ bê cũng là một hình thức đe dọa khi những nhu cầu cơ bản của trẻ không được chăm sóc. Việc để trẻ một mình trong thời gian dài có thể dẫn đến loại chấn thương thời thơ ấu này.
Trẻ có tiền sử chấn thương thường bị đau đầu kinh niên. Ảnh: Shutterstock. |
Dấu hiệu và ảnh hưởng của chấn thương thời thơ ấu
Khi trẻ phải đối mặt với căng thẳng nhưng được mọi người yêu thương và quan tâm, khả năng đối phó với cảm xúc tiêu cực của trẻ sẽ dễ dàng hơn.
Thông thường trẻ em luôn tin tưởng những người chăm sóc mình, tuy nhiên khi niềm tin đó bị phá vỡ do bạo hành, trẻ sẽ nghĩ thế giới này không an toàn và quá khủng khiếp. Dần dần, trẻ bị mắc các vấn đề về gắn bó mọi người và gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc. Ví dụ, trẻ có thể phản ứng thái quá với các tình huống và có xu hướng dễ bị căng thẳng hơn khi trưởng thành.
Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng chấn thương thời thơ ấu dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần và thể chất về sau. Cụ thể, nó có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các rối loạn tâm thần nghiêm trọng bao gồm trầm cảm, lo lắng và rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Những vấn đề thể chất mạn tính như viêm khớp dạng thấp, bệnh tim mạch, bệnh phổi cũng cao hơn ở người bị chấn thương thời thơ ấu.
Ngoài ra, chấn thương thời thơ ấu còn dẫn đến các rối loạn sức khỏe tâm thần khác nhau. Khi gặp căng thẳng, trẻ có thể thở gấp, nhịp tim nhanh, cảm giác "đông cứng" và không thể đối phó được.
Trẻ có tiền sử chấn thương thường nhức đầu kinh niên, mệt mỏi, đau bụng, rối loạn ăn uống. Các em có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh phản ứng trước các tình huống và thường rất cảnh giác, coi nhiều tình huống trong cuộc sống là nguy hiểm.
Một số trẻ sẽ phản ứng ngược lại là tự làm hại mình. Ngoài ra, các triệu chứng trầm cảm có thể bám theo trẻ đến tuổi trưởng thành.
Khi bị chấn thương trong thời thơ ấu, trẻ còn có thể gặp các vấn đề về nhận thức, xử lý và suy luận vấn đề. Các em lớn lên dưới sự đe dọa sinh tồn thường xuyên nên khả năng tinh thần cũng bị ảnh hưởng theo. Trẻ sẽ gặp khó khăn với ngôn ngữ, lý luận trừu tượng và cần giúp đỡ trong học tập.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.