Ngày 16/3, nhà sản xuất Kong: Skull island - bộ phim Hollywood đang quay tại Việt Nam - gửi tâm thư tới truyền thông Việt, đề nghị hạn chế đưa thông tin nhằm đảm bảo tính bảo mật cũng như bất ngờ của bộ phim khi ra mắt.
Chia sẻ của một studio lớn đến từ kinh đô điện ảnh ngay lập tức gây xôn xao cộng đồng Việt. Không ít người chỉ trích báo giới đã quá tọc mạch, gây trở ngại khiến đoàn làm phim Kong: Skull island khó chịu và có thể làm các nhà sản xuất Hollywood e dè trong tương lai.
Jordan Vogt-Roberts - đạo diễn Kong: Skull island - trên phim trường tại Ninh Bình. Ảnh: Instagram nhân vật |
Trên thực tế, vấn đề lộ hay không lộ vẫn chủ đề gây tranh cãi từ nhiều năm nay của các hãng phim Hollywood.
Trong khi có những người quyết tâm giữ đứa con tinh thần trị giá hàng chục thậm chí hàng trăm triệu USD như một thứ "tối mật" thì cũng có những người nhìn nhận sự quan tâm của đám đông như một cơ hội PR.
Trong cuộc phỏng vấn với trang web chuyên về phim ảnh Screen slam, Kathleen Kennedy - nhà sản xuất Star wars: Episode VII - phát biểu: "Bảo mật luôn là vấn đề hấp dẫn mỗi khi chúng tôi bắt tay vào làm một bộ phim. Nếu bạn quay bất kỳ thứ gì ở ngoài kia, sẽ không thể ngăn mọi thứ ngừng xuất hiện trên Internet. Vì vậy, tôi cho là bạn cần phải nắm lấy cơ hội đó. Bạn cần nhận ra rằng đó là một thứ quan trọng trong quá trình thực hiện và có những thứ bạn sẽ muốn cho người hâm mộ biết".
Hollywood có rất nhiều cách để giữ bí mật về bộ phim sắp ra mắt.
Với kịch bản - thứ quan trọng nhất cần bảo vệ, các hãng phim đều đặt ra rất nhiều quy định. Đầu tiên là danh sách hạn chế những người được tiếp cận kịch bản.
Chẳng hạn, với Interstellar (2014), kịch bản được để ở một căn phòng trong studio. Để được xem kịch bản, những người liên quan tới bộ phim phải đi qua cổng an ninh, có tên trong danh sách. Sau đó, họ được đưa vào căn phòng, nơi mọi ghi chép, chụp ảnh đều không được phép. Bởi mỗi bản copy ở đây đều trị giá hàng triệu USD.
Việc quy định kịch bản chỉ được hé lộ trong căn phòng đó nhằm tránh những sai sót mang tính con người. Năm 2012, một bản copy kịch bản tập Nightmare in silver của series phim truyền hình yêu thích Doctor Who bị bỏ quên ở ghế sau xe taxi. May mắn là một sinh viên vô tình nhặt được đã trả lại cho BBC mà không hề đọc qua hay hé lộ điều gì trên Internet.
Công ty Bad Robot của đạo diễn lừng danh J.J. Abrams cũng áp dụng hình thức này. Để được ngó qua kịch bản phim, dàn diễn viên của phim Star Trek into darkness phải đến văn phòng Bad Robot ở Santa Monica (Mỹ). Kịch bản cũng được in trên giấy đỏ - loại giấy rất khó photocopy.
Deadpool từng lộ kịch bản. Ảnh: Marvel |
Một số vụ lộ kịch bản gần đây có Deadpool, Teenage mutant ninja turtles và một phần The Avengers do bị ăn trộm từ bộ nhớ máy in nhưng cũng may mắn hủy được khi kẻ trộm mới trong quá trình đàm phán bán cho các trang tin.
Trong khi đó, The Hunger Games có một cách bảo mật khác. Mỗi một bản kịch bản phát ra sẽ có một số từ khác nhau, vì vậy, khi kịch bản bị lộ, họ sẽ biết chính xác rò rỉ từ nguồn nào.
Đoàn làm phim Pacific Rim lại buộc các thành viên liên quan đọc kịch bản trên một ứng dụng đặc biệt dành cho iPad. Văn bản trên ứng dụng này sẽ tự hủy sau vài giờ nhận được.
Một cách bảo mật khác được Hollywood sử dụng là đặt tựa phim giả trong quá trình sản xuất. Mục đích chính là đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng gần địa điểm quay.
Hơn 30 năm trước, fan Star Wars không hề biết Return of the Jedi đang được quay ngay bên cạnh họ bởi nó được gọi là Blue harvest. Ngày nay, quy tắc này vẫn được áp dụng. Chắc chắn sẽ chẳng ai có thể ngồi yên nếu biết Christopher Nolan đang quay The Dark Knight rises ngay trong thành phố, vì vậy, bộ phim được gọi là Magnus Rex.
Trong quá trình sản xuất, Captain America: The winter soldier và The amazing spider-man 2 lần lượt có tên là Freezer burn và London calling.
Trên phim trường, họ cũng sẽ thiết lập vòng tròn an ninh nhằm hạn chế tối đa sự tò mò của người ngoài.
Kong: Skull island đã không áp dụng triệt để những quy tắc này.
Bộ phim có tên giả Titan nhưng khi đến Việt Nam, đoàn làm phim tổ chức họp báo với cái tên chính thức. Với một quốc gia nhỏ như Việt Nam, những sự kiện điện ảnh như thế không diễn ra thường xuyên. Chính vì thế, Kong: Skull island được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ và truyền thông là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, Kong: Skull island và Hollywood còn có vũ khí giữ bí mật tốt nhất, đó chính là kỹ xảo. Với một bộ phim phải sử dụng nhiều kỹ xảo như Kong: Skull island, một vài hình ảnh sơ sài mà người hâm mộ được nhìn thấy chắc chắn sẽ khác xa với những gì xuất hiện trên màn ảnh rộng khi bộ phim ra mắt vào tháng 3/2017.
Hình ảnh phim Far from the madding crowd trước (trái) và sau khi xử lý kỹ xảo. Ảnh: Union VisualEffects |
Bên cạnh đó, không chỉ có các hãng phim, bản thân các tín đồ phim ảnh cũng có mâu thuẫn. Một mặt họ háo hức với những thông tin bị rò rỉ, một mặt họ cũng muốn các hãng phim giữ được bí mật. Bởi lẽ, khó ai có thể có được tâm trạng bất ngờ và thỏa mãn khi xem một bộ phim mà họ đã biết trước nội dung.
Do đó, khi truyền thông đi quá đà, họ mới chính là người chịu thiệt thòi khi phải chịu phản ứng ngược của người hâm mộ.