Tại thông tư số 01/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/6, Bộ Y tế quy định nhiều nguyên tắc đặt tên thuốc. Theo đó, tên thuốc không được có tính chất quảng cáo; không gây hiểu lầm về thành phần, xuất xứ của thuốc; không gây hiểu lầm hoặc mô tả quá mức về tác dụng, hiệu quả, chỉ định của thuốc.
Tên thuốc không trùng hoặc tương tự với tên thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành của cơ sở đăng ký khác; không được đặt tên thuốc giống nhau nếu thuốc có thành phần hoạt chất khác nhau…
Thông tư này cũng quy định, tên thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc và phải có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc…
TP.HCM tăng phí đỗ ôtô ở lòng đường
Cũng có hiệu lực từ 1/6, Nghị quyết 01/2018 của HĐND TP.HCM quy định áp dụng mức phí mới đối với ôtô đỗ dưới lòng đường.
Cụ thể, mức phí đỗ ôtô dưới lòng đường với xe đến 9 chỗ tại khu vực quận 1, quận 3, quận 5: 25.000-35.000 đồng/h; khu vực quận 10 và quận 11 từ 20.000-30.000 đồng/giờ. Mức phí với ôtô từ 10 chỗ đến 16 chỗ tại khu vực quận 1, quận 3, quận 5 từ 30.000 đến 40.000 đồng/giờ; khu vực quận 10 và quận 11 là 25.000-35.000 đồng/giờ.
Phí đỗ ôtô trên lòng đường ở TP.HCM tăng 4-8 lần. Ảnh: Phước Tuần. |
Mức phí này tăng 4-8 lần so với trước đây. Người đỗ xe thanh toán qua các hình thức: Nhắn tin trừ tiền trong tài khoản điện thoại, thẻ thanh toán quốc tế, thẻ thanh toán nội địa, không sử dụng tiền mặt để thanh toán...
Hỗ trợ đến 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo
Nghị định 58/2018 của Chính phủ quy định các nhóm đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, gồm: cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau); vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm); nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra).
Trường hợp nuôi, trồng các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản nêu trên, cá nhân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Cá nhân không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 5/6.
Chủ đầu tư công trình sai phép phải trả phí phá dỡ
Có hiệu lực từ 12/6, thông tư 03/2018 của Bộ Xây dựng quy định với công trình thi công sai phép, hoặc không có giấy phép mà đang xây dựng thì phải dừng thi công kể từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính...
Chủ công trình sai phép có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí việc cưỡng chế, phá dỡ. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Cá nhân, tổ chức, chủ đầu tư xây dựng công trình sai phép bị xử phạt vi phạm hành chính và bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.
Chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Khi bị cưỡng chế, phá dỡ, chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan.
Chậm giải quyết thủ tục hành chính phải xin lỗi dân
Đây là nội dung được đề cập về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo Nghị định 61/2018 của Chính phủ.
Nghị định nêu rõ khi chậm giải quyết thủ tục hành chính, trong thời hạn chậm nhất một ngày trước ngày hết hạn, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho bộ phận một cửa, gửi văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân. Trong đó ghi rõ lý do quá hạn, thời gian đề nghị gia hạn trả kết quả. Việc hẹn lại ngày trả kết quả được thực hiện không quá một lần.
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phạt đến 60 triệu đồng. Ảnh: Thắng Quang. |
Ngoài ra, quy định này khuyến khích trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trước thời hạn. Trường hợp trả trước thời hạn, bộ phận một cửa phải thông báo cho tổ chức, cá nhân biết trước qua tin nhắn, thư điện tử, điện thoại hoặc qua mạng xã hội. Nghị định có hiệu lực từ ngày 21/6.
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phạt 60 triệu
Từ ngày 22/6, Nghị định 64/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản sẽ được áp dụng.
Theo đó, hành vi buôn bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản hết hạn sử dụng, tùy theo giá trị của hàng hóa bị phạt 200.000- 40.000.000 đồng.
Cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản để chung thức ăn chăn nuôi, thủy sản với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoặc các hóa chất độc hại khác bị phạt 3-5 triệu đồng; phạt 50-60 triệu đồng khi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.