Về một mặt nào đó, có thể nói thời trang phát triển nhờ những “ảo tưởng” về sự đẹp mắt, xa hoa và lộng lẫy mà nó tạo ra. Người ta thường mặc định những con người làm việc trong ngành công nghiệp này đang sống một cuộc sống vô cùng hào nhoáng và rực rỡ, xoay quanh hàng hiệu, những bữa tiệc đắt tiền và khách hàng giàu có.
Tuy nhiên, giống như mọi ngành nghề khác, giới thời trang cũng có những góc khuất và mặt trái của nó mà dĩ nhiên, không hề thú vị và lấp lánh. Chắc chắn, những câu chuyện có thật dưới đây, được thu thập lại bởi trang web whowhatwear, lạ lùng và có phần hài hước, sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn về làng thời trang thế giới.
Làng thời trang không phải lúc nào cũng hào nhoáng như mọi người nghĩ. |
1. "Khi còn đang làm thực tập sinh trong mảng biên tập ở một nhà xuất bản rất nổi tiếng, tôi được lệnh đi lấy đồ đã được giặt khô của tổng biên tập mà không ai biết là ở cửa hàng giặt là nào.
Tôi được dặn cứ tìm kiếm cho khi nào thấy nó thì thôi. Đáp trả vẻ mặt ngạc nhiên cùng bối rối của tôi, vị tổng biên tập đáng kính chỉ hất tóc và ném cho tôi cái nhìn vô cùng coi thường. Sau một tiếng dạo quanh phố phường trong cái nóng hầm hập của tháng 8, thật may mắn, tôi đã tìm thấy nó".
2. “Chụp ảnh thời trang hoàn toàn chẳng rực rỡ và lộng lẫy, thật đấy. Rất lâu trước đây, tôi làm trợ lý cho shoot hình chụp một nam diễn viên cho tạp chí thời trang danh tiếng. Khi cho anh ta thử đồ lần đầu tiên, chúng tôi bàng hoàng khi nhận ra chẳng có cái quần nào vừa size vì cậu ta đột nhiên tăng cân.
Để giải quyết vấn đề, chúng tôi phải cắt hết chỉ quần phía sau mông của cậu ta để nhìn từ phía trước thì mọi thứ vẫn vừa vặn và hoàn hảo. Cả ngày hôm đó, nam diễn viên phải chụp hình với chiếc quần hở đằng sau".
3. “Tôi viết bài cho website của một blogger rất nổi tiếng nhưng thay vì post bài của tôi đầy đủ kèm theo credit thì cô ta chỉ copy những đoạn thích nhất rồi “xào nấu” nó thành bài của chính mình.
Tôi cảm thấy cực kỳ tệ, bởi tôi biết mình chẳng thể làm gì để bảo vệ công sức của chính mình, khi mà cô ta có một lượng fan khổng lồ, còn tôi chẳng là ai cả. Từ lúc đó, tôi nhận ra điều này cũng từng xảy ra với rất nhiều người khác".
Có thể bạn sẽ gặp phải bà sếp khắc nghiệt. |
4. “Tôi từng có lần làm việc liên tiếp trong 21 ngày cho tuần lễ thời trang và cuối cùng phải nhập viện cấp cứu vì kiệt sức khi sự kiện kết thúc. Tôi phụ trách mảng PR cho một nhãn hiệu, làm việc một mình nên tôi có hàng đống thứ phải giải quyết. Giờ thì tôi có thể thoải mái mà cười đùa về việc đó rồi, nhưng khi đó thì mọi thứ thật căng thẳng và khủng khiếp".
5. “Tất cả những điều tôi muốn nói là làm nhân viên cấp thấp trong một nhãn hiệu thời trang mới ra mắt không khác gì một người làm lao động chân tay cả. Phải cẩn thận với mọi loại hợp đồng mà bạn định đặt bút ký vào".
6. “Tôi mới tốt nghiệp đại học và sếp của tôi chẳng khác gì bà sếp khắc nghiệt trong The Devil Wears Prada (Yêu nữ diện hàng hiệu). Bà ta quát vào mặt tôi vì tôi không biết C2 nghĩa là gì (C2: vị trí đắt tiền nhất trong tờ tạp chí mà một nhà quảng cáo có thể sở hữu) và vì tôi không biết TOC là viết tắt của cái gì (TOC: Table of Contents - mục lục).
Bà ta nói với tôi đây phải là công việc dành cho tôi và tôi sẽ chẳng làm được cái quái gì đâu. Tôi cũng đã từng tính tới chuyện bỏ việc. Nhưng thật may mắn, một nhà xuất bản khác đã thấy được tài năng của tôi và tôi được cộng tác với một vị biên tập khác cực kỳ tuyệt vời. Người trợ lý mới của sếp cũ của tôi khóc suốt ngày vì bà ta. Cuối cùng, sau 6 tháng, bà ta đã bị cho thôi việc vì cư xử thô lỗ với các nhân viên còn tôi thì được thăng chức tới một vị trí tương đương với bà ta trước đây".
7. "Là trợ lý cho một biên tập viên quan trọng, tôi thường phải gọi điện và nài nỉ các nhãn hiệu cho cô ta được ngồi hàng đầu trong tuần lễ thời trang, nếu không cô ta sẽ chẳng thèm xuất hiện. Tôi cảm thấy xấu hổ và nhục nhã thay cô ta luôn".
8. “Là một hairstylist chuyên nghiệp thường làm việc phía sau cánh gà tại các show thời trang, tôi từng bắt gặp hàng loạt những người mẫu nữ ngất đi vì kiệt sức và rên rỉ vì đói. Họ chỉ được ăn vài miếng hoa quả, sau đó thì vội vàng nói với người xung quanh rằng họ đã đủ no để bước trên sàn runway. Điều này không dễ chịu chút nào, nhưng càng khó coi hơn khi mọi người nghĩ rằng đây không phải việc gì to tát cả".
Là trợ lý cho một biên tập viên quan trọng, tôi thường phải gọi điện và nài nỉ các nhãn hiệu cho cô ta được ngồi hàng đầu trong tuần lễ thời trang. |
9. "Một lần, tôi phải nói dối và yêu cầu được cung cấp một chiếc túi đắt tiền để chụp hình (mặc dù chẳng có buổi chụp hình nào cả) bởi vì sếp tôi muốn tặng nó cho một người bạn của bà ta mà không phải trả tiền.
Khi chiếc túi đến nơi, bà sếp cảm thấy một vài chi tiết tua rua trên chiếc túi có vẻ “không liên quan” và tôi phải tìm cho bà ta một phiên bản khác của nó. Tôi đành phải làm theo. Sau đó thì không cần phải nói, nhãn hiệu túi đó ghét tôi luôn".
10. "Khi còn làm việc cho bộ phận quảng cáo của một tạp chí thời trang nổi tiếng, tôi phải đi cùng người phụ trách xuất bản tới nhà của vị tổng biên tập để bàn công việc. Cô ta đang trong bồn tắm, ngực nổi lềnh bềnh trên mặt nước, trong khi chúng tôi ngồi bên rìa chiếc bồn và cả ba cùng thảo luận về chiến lược phát triển ở châu Âu".