Ở Trung Quốc, theo truyền thống, gia đình sẽ có sự hỗ trợ tài chính khi con cái kết hôn. Phía nhà trai, cha mẹ chú rể được kỳ vọng sẽ đưa tiền cho nhà gái - thứ được gọi là "sính lễ" hay "giá cô dâu". Số tiền đó tượng trưng cho sự thiết lập hôn nhân cũng như một sự bù đắp cho gia đình nhà gái khi họ mất đi một người lao động.
Ở chiều ngược lại, cha mẹ cô dâu thường tặng con gái những món quà để cô mang theo về nhà chồng, được gọi là "của hồi môn". Những của hồi môn này thường bao gồm các nhu yếu phẩm thường ngày mà người phụ nữ sẽ cần khi xây dựng cuộc sống mới, đôi khi kèm theo một số tiền mặt và trang sức nhỏ.
Các mặt hàng, số lượng và giá trị cụ thể của hồi môn có sự thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, khu vực và tầng lớp xã hội. Câu hỏi về việc ai sở hữu và sử dụng của hồi môn cũng rất phức tạp.
Dù đôi khi bị coi là tàn tích của chế độ phong kiến, của hồi môn dường như đang lấy lại được đà phát triển trong xã hội Trung Quốc hiện đại, với việc cha mẹ thường chuẩn bị của hồi môn cho con gái trước nhiều tháng.
Phản ánh định kiến giới
Những món đồ hồi môn thường được mẹ cô dâu mua tại các chợ đồ dùng cưới đặc biệt và có xu hướng mang tính biểu tượng hơn là thực dụng, chủ yếu để trưng bày vào ngày cưới.
Hầu hết chúng có màu đỏ tươi và có chữ Hán với nghĩa là "song hỷ", cũng như các họa tiết truyền thống mang ý nghĩa tốt lành như vịt uyên ương, rồng, phượng hoặc hoa sen hai đầu.
Các món đồ hồi môn thường liên quan đến phục vụ công việc nhà và phản ánh những ý tưởng thông thường rằng phụ nữ là người nội trợ và chăm sóc gia đình; các biểu tượng sinh nở cũng rất phổ biến, chẳng hạn chậu rửa mặt cho trẻ sơ sinh. Các vật phẩm khác được chuẩn bị đặc biệt để những cô con dâu ngoan ngoãn đem tặng cho bố mẹ chồng mới cưới, chẳng hạn tất chân màu đỏ thêu chữ "hạnh phúc".
Nhiều người trẻ Trung Quốc hiện đại coi giá cô dâu và của hồi môn là những tàn tích của chế độ phong kiến, cố gắng gạt bỏ chúng khỏi đám cưới của mình. Ảnh: VCG. |
Cô dâu và mẹ của họ rất hiểu các chuẩn mực giới tính truyền thống mà những đồ vật này đang đại diện và củng cố. Nhiều cô gái trẻ chán ngấy của hồi môn và không thích sự hiện diện của chúng trong đám cưới của mình.
Nhưng trong khi các cô dâu trẻ thường phản đối chuyện này, mẹ của họ khăng khăng rằng chuẩn bị hồi môn đầy đủ thể hiện nghi thức truyền thống và sự nuôi dạy tốt, điều này có thể giúp tạo tạo ấn tượng tích cực và chiếm được cảm tình của nhà chồng, để cô dâu mới có cuộc sống thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị của hồi môn không nhất thiết đồng nghĩa với việc cha mẹ cô dâu cho rằng con gái họ phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiệm vụ truyền thống của người vợ, người con dâu trong gia đình chồng.
Khi nghiên cứu thực địa, nhóm của Ji Yingchun - Giáo sư Xã hội học của ĐH Thượng Hải - đã phỏng vấn 25 phụ huynh có con gái lấy chồng. Kết quả cho thấy họ coi của hồi môn chỉ là một sự nhượng bộ trước thực tế xã hội chứ không nhằm củng cố các định kiến giới.
"Con gái tôi cho rằng mấy thứ này thật sến súa và không thể sử dụng trong tương lai. Con bé còn hỏi tôi rằng có mong đợi nó sẽ làm việc nhà mỗi ngày sau khi lấy chồng không. Tất nhiên tôi chẳng mong gì chuyện đó, nhưng hồi môn là một phần của nghi thức", một phụ huynh được phỏng vấn nói.
"Bố mẹ chồng và mọi quan khách sẽ nhìn thấy những món đồ này trong đám cưới. Nếu không có, chẳng phải gia đình chúng tôi sẽ mất mặt sao? Tôi chẳng mong con gái mình mang những món đồ này đi quanh nhà bố mẹ chồng mỗi ngày, phục vụ họ. Con bé có thể cất chúng đi sau khi đám cưới kết thúc", người này giải thích.
Ý nghĩa mới của những món hồi môn
Một điều thú vị là danh sách của hồi môn hiện đại không chỉ bao gồm hiện vật kể trên mà còn có tiền mặt. Theo truyền thống, ngoại trừ các gia đình giàu có, cha mẹ cô dâu thường không hỗ trợ tài chính. Nhưng điều đó đã thay đổi trong những năm gần đây, và phần lớn cha mẹ trung lưu được phỏng vấn đều chuẩn bị một số trang sức bằng vàng để làm hồi môn cho con gái.
Đôi khi, giá trị hồi môn còn cao hơn cả sính lễ mà nhà trai đưa cho nhà gái. Điều đó cho thấy sự hỗ trợ tài chính đáng kể mà cha mẹ dành cho cuộc sống tương lai của con gái họ, phản ánh mong muốn con gái sẽ có sự độc lập tài chính với nhà chồng và có nhiều quyền tự chủ hơn trong hôn nhân.
Với nhiều cha mẹ, trao của hồi môn là cách họ giúp con gái khẳng định vị thế, có tiếng nói hơn trong nhà chồng. Ảnh: VCG. |
Một người được phỏng vấn, tên Wenjing, cho biết bà có nhiều cảm xúc lẫn lộn về việc con gái mình, khi đó là một nghiên cứu sinh tiến sĩ, sẽ kết hôn. Bà rất vui vì con gái cuối cùng đã tìm được bạn đời, nhưng cũng lo lắng rằng cô có thể bị gia đình chồng gây áp lực phải sinh con trước khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, sẽ bị chậm trễ việc học.
Vì vậy, Wenjing quyết định tặng cho con gái một khoản hồi môn gấp đôi sinh lễ của chú rể để hỗ trợ và trao cho con mình nhiều tiếng nói hơn trong các quyết định sinh đẻ.
"Con gái tôi không có thu nhập trong khi đang học. Nếu vị hôn phu của con bé tặng một khoản sinh lễ lớn, nhà chồng có thể đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau đối với con bé, thậm chí gây áp lực bắt nó phải đẻ khi đang còn đi học. Phải mất rất nhiều thời gian mới lấy được bằng tiến sĩ, nhưng chúng tôi hy vọng con sẽ phát triển bản thân và có sự nghiệp riêng", người mẹ giải thích.
Điều đáng nói là mẹ cô dâu thường đóng vai trò chính trong quá trình chuẩn bị của hồi môn đầy căng thẳng, về cả tài chính và cảm xúc. Người mẹ không chỉ đảm nhiệm hầu hết công việc cần thiết, như xử lý và chuẩn bị các vật phẩm, mà còn phải giao tiếp để giúp con thích nghi với ý tưởng về cuộc sống hôn nhân. Những người mẹ này có khả năng đồng cảm với hoàn cảnh của con gái mình một cách tự nhiên - và đôi khi họ thậm chí sẽ thách thức các chuẩn mực gia trưởng truyền thống vì lợi ích của con gái mình.
Để chuẩn bị cho đám cưới của con gái, hai vợ chồng bà Aiyun đã đồng thuận rằng sẽ cho con gái số hồi môn bằng với sính lễ của nhà trai. Tuy nhiên, chồng và bố chồng của bà sau đó lại muốn tạm giữ lại một nửa số hồi môn và sính lễ để đem đầu tư cho việc kinh doanh của gia đình.
Phía nhà thông gia đồng ý, nhưng bà Aiyun không chấp nhận vì sợ ảnh hưởng đến con gái. Bà vẫn nhớ thái độ gay gắt của mình khi nói chuyện với chồng: "Khi con trai cả của chúng ta kết hôn, anh đã vui vẻ trả tiền căn hộ cưới và tiền sính lễ cho nhà con dâu. Em chưa từng thấy anh tỏ thái độ khó chịu. Nhưng giờ con gái sắp kết hôn, anh lại thật tàn nhẫn. Với tư cách một người cha, anh không định lấy tiền của con mình chứ?".
Sau đó, bà Aiyun đã trao cho con gái toàn bộ sính lễ, cộng với vàng bạc và đồ trang sức mà bà đã tích lũy trong nhiều năm.
Vai trò của người mẹ trong việc chuẩn bị hồi môn và bảo vệ quyền của con tạo nên sự gắn bó mạnh mẽ hơn. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy cho sự chuyển đổi từ chế độ gia trưởng, phụ hệ trong gia đình Trung Quốc sang chế độ bình đẳng hơn.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.