Da trắng, không tì vết, không lỗ chân lông, không một nếp nhăn kể cả ở cảnh khóc, cười. Trong nhiều phân đoạn, gương mặt của diễn viên thậm chí bị "cà" tới mất cả đường nét, nhòe đi vì chỉnh sửa.
Theo Sohu, những năm gần đây, chi phí các nhà sản xuất, diễn viên Trung Quốc bỏ ra có thêm một khoản lớn mang tên "chỉnh sửa gương mặt", sao cho càng trắng, càng mịn.
Tuy nhiên, tình trạng này sẽ sớm chấm dứt, sau khi Tổng cục Phát thanh, Truyền hình Trung Quốc vừa ra yêu cầu vào hôm 7/7, các đoàn phim cần kiên quyết tẩy chay việc lạm dụng bộ lọc để cà mặt, chỉnh sửa bộ dạng diễn viên.
Gương mặt mịn màng, không lỗ chân lông của các nữ diễn viên Trung Quốc khi lên sóng. Ảnh: China News. |
Khi việc chỉnh sửa ảnh trước khi đăng tải lên mạng đã trở nên quá phổ biến, ở cả người thường lẫn người nổi tiếng, điều này càng củng cố suy nghĩ của số đông: mọi người, nhất là phái đẹp bị phụ thuộc vào phần mềm chỉnh ảnh và chỉ có thể đẹp nhờ nó.
Lên mạng là phải đẹp
Theo nghiên cứu được trích dẫn bởi Psychology Today, các cô gái có xu hướng đăng nhiều ảnh của mình hơn bất kỳ đối tượng nào khác.
Và tất yếu, "lên mạng là phải đẹp" là lý do các app chỉnh ảnh, công cụ photoshop lại được tận dụng triệt để, thậm chí quá lố.
Cuộc khảo sát do Girlguiding thực hiện chỉ ra một phần ba trong số hơn 1.400 người tham gia sẽ không đăng ảnh selfie nếu chưa sử dụng bộ lọc giúp gương mặt không còn khuyết điểm. Số người được hỏi đều còn rất trẻ, trong độ tuổi 11-21.
"Mọi người có xu hướng chỉ chia sẻ hình ảnh của bản thân từ những góc độ nhất định, sử dụng bộ lọc làm đẹp hoặc tận dụng ánh sáng để thể hiện bản thân lý tưởng nhất có thể", T. Makana Chock, giáo sư truyền thông tại Đại học Syracuse (Mỹ), phân tích.
Với những thao tác ai cũng dễ mày mò được, người sử dụng có thể chỉnh sửa các đặc điểm trên gương mặt, cơ thể cho tới khi cảm thấy hoàn hảo.
Filter - cách nhanh nhất để các cô gái có ngoại hình đẹp trên mạng xã hội. |
Những thứ cần chỉnh đi từ những phần dễ nhìn thấy trên cơ thể người như kéo chân dài, bóp eo thon, cắt gọn mặt cho đến từng chi tiết nhỏ hơn trên gương mặt như xóa mụn, đẩy mũi cao lên, làm cho môi dày thêm, tăng độ long lanh của mắt.
Về sau, khi filter - bộ lọc hình ảnh trên các ứng dụng - ra đời, các cô gái càng thích thú hơn khi chỉ mất vài giây, họ sẽ có vô vàn kiểu make up để lựa chọn.
Với nhiều người, filter giúp họ bắt kịp các tiêu chuẩn cái đẹp ngày càng cao trên mạng xã hội.
Xoáy sâu vào sự tự ti
Khi quyết định mới của giới chức Trung Quốc được đưa ra, ngay lập tức gặp có hàng chục nghìn khán giả nước này phản đối hoặc ít nhất không đồng tình hoàn toàn. Lý do là họ thích nhìn những gương mặt đã qua chỉnh sửa và cho rằng việc này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim.
Ai cũng thích nhìn ngắm cái đẹp, song những bức hình, thước phim đã qua chỉnh sửa gương mặt người xuất hiện trong đó lại không phản ánh vẻ đẹp đúng thực tế và thay đổi hoàn toàn diện mạo của một người.
Tiêu cực hơn, chuyện này làm phụ nữ càng tự ti về ngoại hình, nghĩ mình xấu xí. Nói cách khác, những bức ảnh qua chỉnh sửa gây nguy hiểm ở chỗ chúng gây hại đến sức khỏe tâm thần của người dùng mạng xã hội.
Việc lạm dụng các app chỉnh ảnh có thể khiến vẻ ngoài của một người khác hoàn toàn với họ ngoài đời thực. Ảnh: Weibo. |
Năm 2017, Jasmine Fardouly, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Sức khỏe Cảm xúc thuộc Đại học Macquarie (Australia), đã nghiên cứu tần suất các nữ sinh viên so sánh mình với những người họ nhìn thấy trên mạng xã hội.
"Trong nghiên cứu của chúng tôi, việc so sánh với những người đẹp trên mạng xã hội đặc biệt có hại vì chúng làm tâm trạng phụ nữ trở nên tiêu cực hơn và khiến họ không hài lòng về ngoại hình của mình", Fardouly cho biết.
Cụ thể, khi thấy ảnh người nổi tiếng trên tạp chí, người xem biết rằng đằng sau họ là cả đội ngũ nghệ sĩ trang điểm, nhà tạo mẫu, nhiếp ảnh gia cũng như chỉnh sửa hậu kỳ để tạo ra sản phẩm hút mắt, "không tỳ vết" trong mắt người xem.
Song, thực tế là người xem hiếm khi nghĩ sâu xa đến những yếu tố đó. Một mặt, họ có thể coi việc sở hữu vẻ ngoài hoàn hảo giống trên mạng là khả thi, hoặc mặt khác, họ càng mặc cảm hơn về ngoại hình của mình. Cũng trong cuộc khảo sát do Girlguiding, 39% cho biết họ cảm thấy khó chịu vì gương mặt ngoài đời thực không thể giống trên mạng.
"Giới trẻ đang cố gắng vươn lên lý tưởng làm đẹp xa vời và mắc kẹt trong cảm giác tự ti về bản thân", Agnete Husebye, nữ YouTuber nổi tiếng tại Na Uy, phát biểu.
Dù thực tế ai cũng hiểu cái đẹp trên mạng đều có sự can thiệp của phần mềm chỉnh sửa, số đông lại để tâm nhiều hơn vào chuyện cố gắng để trông giống như vậy. Ảnh: NY Times. |
Chú thích đã "gọt mặt, kéo chân"
Tháng 7/2021, Na Uy ra luật bắt buộc nhóm sao mạng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội phải gắn nhãn "ảnh đã qua chỉnh sửa" tại các bài đăng thông thường lẫn bài quảng cáo.
Quy định áp dụng cho tất cả bức ảnh có bất kỳ thay đổi nào ảnh hưởng đến kích thước cơ thể, hình dạng hoặc làn da, tạo ra vẻ đẹp phi thực tế. Theo đó, những tên tuổi có đông lượt theo dõi sẽ phải tiết lộ hình ảnh gốc đã bị can thiệp như thế nào, ví dụ như dùng bộ lọc của Instagram, Snapchat hay nhờ phần mềm giúp eo thon, kéo dài chân, làm dày môi.
Trong đề xuất ban đầu trình lên quốc hội, Bộ Trẻ em và Gia đình Na Uy cho biết những người trẻ tuổi ở nước này đang chịu áp lực lớn về ngoại hình và muốn bản thân phải thật đẹp, dẫn đến chứng biếng ăn. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ ba gây tử vong ở các cô gái trẻ, theo Viện Y tế Công cộng Quốc gia.
Trong đó, các hình ảnh, video "sống ảo" do sao mạng chia sẻ rộng rãi trên Internet khiến sự ám ảnh càng trầm trọng hơn.
Trước Na Uy, một số quốc gia cũng áp dụng các biện pháp tương tự.
Tháng 2 năm ngoái, Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo của Vương quốc Anh đưa ra lệnh cấm người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sử dụng các bộ lọc làm đẹp phi thực tế trong các quảng cáo, theo Glamour.
Năm 2017, Pháp quy định bất kỳ "hình ảnh thương mại nào đã chỉnh sửa để người mẫu trông nhỏ gọn hơn sẽ bị gắn cảnh báo trên đó", theo BBC.