Đời sống
Từ 19h, tiếng nhạc rộn ràng đã vang lên trên khắp các quán bar, pub ở đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM). Càng về đêm, khu vực này càng nhộn nhịp, đông đúc.
Nhiều người đã thoải mái cởi bỏ khẩu trang để tận hưởng bữa tiệc âm nhạc, trong khi một số khác vẫn khá dè chừng, chỉ dừng lại một lúc rồi đi.
"Từ sau đợt dịch năm ngoái, lâu rồi mới thấy Sài Gòn lại sôi động về đêm như thế này. Cảnh tượng không khác gì Phuket ở Thái Lan hay phố Itaewon của Hàn Quốc”, Phương Thúy (24 tuổi, ngụ quận 8), nhân viên văn phòng, chia sẻ với Zing.
Trước dịch, cô gái và bạn bè thường ghé qua Bùi Viện 2-3 lần/tuần để ăn uống, giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, gần đây cô chỉ đến vào cuối tuần hoặc dịp đặc biệt do ngại lây nhiễm.
Phố Tây Bùi Viện (TP.HCM) sôi động với nhiều hoạt động giải trí. |
“Tôi tiêm 3 mũi vaccine nên đi chơi cũng thoải mái hơn. Nhưng dạo này số ca F0 tăng trở lại, tôi cũng hạn chế xuống phố, sợ nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng đến công việc. Nếu hôm nào đi bar, tôi thường ‘quẩy’ từ 10h đến 1h hôm sau”, Thúy nói thêm.
Sau khi dùng bữa xong, Thúy và nhóm bạn sẽ đến quán bar quen thuộc để tận hưởng nốt ngày nghỉ phép cuối cùng.
Theo ghi nhận của Zing, ngành nightlife dần khởi sắc sau 2 năm chật vật với dịch Covid-19. Tại TP.HCM và Hà Nội, nhiều hàng quán đã đưa hoạt động kinh doanh trở lại guồng quay cũ.
Ngành nightlife ở TP.HCM lấy lại năng lượng
Tại Sài Gòn, khi màn đêm buông xuống, cuộc vui của người trẻ mới chính thức bắt đầu. Hòa theo dòng xe hối hả với những tòa nhà cao tầng rực rỡ đèn màu, nhiều địa điểm ăn uống, giải trí trở nên náo nhiệt khi thực khách ra vào tấp nập.
Theo quan sát của anh Hà Thanh Luân (sinh năm 1989), chủ quán Cozy Eatery & Bar (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3), ngành nightlife dần lấy lại năng lượng sau thời gian dài “ngủ đông” do dịch.
Các chủ doanh nghiệp phải xoay xở bằng nhiều cách khác nhau, thậm chí chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với thời thế.
Mức độ phục hồi còn phụ thuộc vào từng giai đoạn, quy mô và chất lượng phục vụ của mỗi quán.
Chẳng hạn, tính từ thời điểm bar, karaoke được chính thức mở cửa trở lại vào tháng 11-12 năm ngoái, nhiều hàng quán có thể đón lượng khách khá lớn khiến doanh thu nhảy vọt do nhu cầu vui chơi tăng cao.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa cũng diễn ra với những quán mới khai trương.
Hàng nghìn người đổ về Bùi Viện vui chơi. |
“Do tác động của dịch, không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí khó bám trụ, thậm chí phải đóng cửa vĩnh viễn. Sau giãn cách xã hội, khách hàng có xu hướng đến nhưng quán quen, nơi có dịch vụ tốt, đã đi nhiều lần hoặc được bạn bè gợi ý.
Tôi thấy phần lớn vẫn chưa sẵn sàng để trải nghiệm chỗ mới lạ. Có thể điều đó khiến quán mới mở sẽ gặp khó khăn ở giai đoạn này”, anh nói.
“Quán mở từ 17h đến 1h hôm sau. Lượng khách ngồi lại từ 10h trở đi khoảng 20-30%, giảm một ít so với trước dịch. Do tình hình dịch đang ‘thả nổi’, tỷ lệ khách hàng đặt bàn xong rồi hủy khá nhiều vì là F1, F0.
Đó cũng là trở ngại mà không chỉ bên tôi, khá nhiều quán khác cũng đang gặp phải”, anh Luân nói thêm.
Phố ăn chơi ở Hà Nội dần hồi sinh
"Trước khi có quy định được hoạt động sau 21h, quán xá ở Tạ Hiện vẫn bày bán nhưng ảm đạm, đìu hiu. Vốn nổi tiếng nhờ đông vui, mình chỉ muốn lên đây chơi khi không khí náo nhiệt trở lại”, Phạm Phương (27 tuổi, Long Biên), nói với Zing trong lúc cụng bia cùng bạn bè.
Theo Phương, cảnh tượng ồn ào, hòa trộn đủ loại âm thanh của tiếng còi xe, tiếng chào mời khách, tiếng nhạc bật công suất lớn mới đúng đặc trưng của khu ăn chơi này.
Sau hai năm đảo lộn vì dịch bệnh, các “con phố không ngủ” nổi tiếng như Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Tống Duy Tân lần đầu “thức giấc”.
Phố Tống Duy Tân (Hà Nội) nhộn nhịp người đến vui chơi, dùng bữa. |
Với Vũ Hoàng - chủ quán ăn trên phố Lương Ngọc Quyến, cuộc sống về đêm ở Tạ Hiện hồi sinh là tín hiệu đáng mừng cho việc kinh doanh.
Trong 15 tháng qua, việc làm ăn diễn ra cầm chừng. Chủ quán phải bỏ tiền túi ra để bù đắp các chi phí.
“Cả chủ cả khách đều mừng khi nới lỏng thời gian hoạt động. Sắp tới, khi khách Tây trở lại, khu vực Tạ Hiện chắc chắn đông vui thêm”, anh Hoàng bày tỏ.
Sau gần 1 tuần hàng quán được phép hoạt động sau 21h, số giờ làm việc của anh Đào Xuân Trường - quản lý cửa hàng cà phê trên phố Tống Duy Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cũng kéo dài thêm, có hôm lên đến 12-13 tiếng/ngày.
Mở cửa 24/24, khung giờ đông khách nhất của quán thường rơi vào 21h tối hôm trước đến 2h sáng hôm sau.
Đối tượng khách của quán chủ yếu là người trẻ. Ngoài hội đi chơi đêm, quán còn tập trung đông dân cày deadline xuyên đêm hay những người xem các trận bóng đá diễn ra vào khuya muộn.
Hàng quán ở Tống Duy Tân tấp nập người ra vào. |
“Phố Tống Duy Tân là nơi chuyên về ăn, chơi khuya, khách chủ yếu tìm đến vào cuối ngày. Khi quán phải đóng cửa sớm, doanh thu ảm đạm khi khách hàng không thể ngồi xuyên đêm như trước. Việc duy trì bán mang về dừng ở mức ít ỏi”, anh Trường chia sẻ.
Với quy định mở sau 21h, tình hình kinh doanh dần khả quan trở lại, nhân viên của quán bắt đầu vào guồng quay cũ.
“Sau khi các hạn chế được nới lỏng, người dân có tâm lý thích đi chơi, bù lại nhiều tháng dài không được thoải mái vui chơi”, nam quản lý chia sẻ.
Theo anh Trường, số lượt khách hàng đã phục hồi được khoảng 60% so với thời điểm trước dịch, đông đúc vào 3 ngày cuối tuần vừa rồi.
Trên hết, việc được mở cửa xuyên đêm trở lại giúp doanh thu của quán tăng lên, thu nhập, tiền thưởng của nhân viên cũng được hưởng lợi theo.
Về mặt nhân sự, cửa hàng dự kiến thuê thêm 5 người nữa, lấp vào các vị trí còn trống như bảo vệ, phục vụ ca chiều, tối.
“Tôi tin tưởng trong vài tháng tới, khi du lịch quốc tế đã mở cửa, người nước ngoài - vốn chiếm kha khá trong số lượng khách của quán - sẽ đem lại nguồn thu nữa”, anh Trường nói.
Khung cảnh sôi nổi ở khu vực Tạ Hiện (Hoàn Kiếm). Ảnh: Tuấn Anh. |
Tương tự, anh Chí Cường - quản lý một quán cà phê mở 24/24 khác trên cùng con phố - cho biết với đặc trưng khu phố ẩm thực đêm, phố Tống Duy Tân rất ít khách vào ban ngày. Cảnh tượng đông đúc, ồn ào chỉ diễn ra khi khuya về.
Với quy định cũ, những người trẻ buộc phải đẩy giờ đi chơi sớm lên vào khoảng 19-20h - thời điểm nhiều người còn chưa tan làm, hoặc chấp nhận chỉ có thể ngồi ăn uống, nói chuyện trong vòng nửa tiếng.
Trong khi đó, nhóm khách chủ yếu của cửa hàng lại là học sinh, sinh viên, dân văn phòng U30 (dưới 30 tuổi) thường rảnh vào buổi tối và ưa thích sự náo nhiệt về đêm.
“Sau 2 ngày kể từ khi có thông báo mới, quán mới bắt đầu bán xuyên đêm như trước. Mọi thức dần nhộn nhịp trở lại dù chưa hoạt động hết công suất và lượng khách chưa thể bằng như lúc trước khi có dịch”, anh Cường nói thêm.
Những ngày tới, cửa hàng hy vọng sẽ đón thêm đông lượt khách từ những người có xu hướng đi ăn uống, giải trí muộn hoặc muốn đi thêm “tăng hai", "tăng ba".
Với bản thân nam quản lý, các đầu công việc trong tuần qua cũng bận rộn thêm, khi số lượng nguyên liệu nhập vào tăng thêm để đáp ứng đủ nhu cầu lẫn nhiệm vụ giám sát cửa hàng, nhân viên vào nhịp vận hành cũ.
Hiện tại, khâu nhân sự đã tuyển đủ người mới, song thời gian đào tạo sẽ tốn ít nhất 2-3 tuần tới. Vị trí phục vụ, bưng bê chỉ mất khoảng vài ngày hướng dẫn, song các phần việc pha chế, thu ngân sẽ cần nhiều công sức training hơn.