Trong trailer của Fast & Furious 9, khán giả từng chứng kiến màn thoát thân trong đường tơ kẽ tóc của Jakob (John Cena) nhờ chiếc máy bay gắn nam châm khổng lồ do nữ tin tặc Cipher (Charlize Theron) điều khiển. Đoạn giới thiệu được đẩy lên cao trào bằng chi tiết gia đình tốc độ của Dom Toretto (Vin Diesel) sử dụng xe hơi có gắn nam châm để ngăn cản kế hoạch khủng bố của Jakob cùng đồng bọn.
Thách thức logic vật lý đã trở thành bản sắc của vũ trụ điện ảnh Fast & Furious những năm trở lại đây. Ảnh: Universal Pictures. |
Những khối nam châm khổng lồ chờ đón khán giả ở Fast & Furious 9 là một trong rất nhiều công nghệ kỳ quặc ra đời từ trí tưởng tượng của đội ngũ sáng tạo thương hiệu Fast & Furious. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của chúng trong việc tạo nên sự độc đáo, mới mẻ cho mỗi tác phẩm so với phần phim trước nó.
Mới đây, trang Cinema Blend đã tổng hợp lại những công nghệ đậm mùi hư cấu từng xuất hiện trong vũ trụ điện ảnh Fast & Furious.
Mũi lao vô hiệu hóa hệ thống điện trong 2 Fast 2 Furious (2003)
2 Fast 2 Furious là phần thứ hai của loạt Fast & Furious và cũng là tác phẩm duy nhất vắng mặt Vin Diesel. Trong phim, một thiết bị có tên ESD Harpoon Launcher - mũi lao vô hiệu hóa hệ thống điện - đã xuất hiện đến hai lần.
Thiết bị vô hiệu hóa hệ thống điện của xe hơi đã được phát minh không lâu sau 2 Fast 2 Furious (2003). |
Lần xuất hiện đầu tiên, thiết bị này được một cảnh sát bắn vào xe hơi của Brian O’Connor (Paul Walker), khiến toàn bộ hệ thống điện trên phương tiện bị vô hiệu hóa. Lần thứ hai, đạo diễn John Singleton tiếp tục để O’Connor vật lộn với thứ vũ khí có một không hai. Tuy nhiên, trong pha “bổn cũ soạn lại”, mũi lao đã trục trặc, tạo điều kiện cho chàng cảnh sát chìm tẩu thoát.
Tại thời điểm năm 2003, thiết bị vô hiệu hóa hệ thống điện trên xe hơi vẫn chưa được phát minh. Tuy nhiên, vài năm sau đó, một công nghệ tương tự đã ra đời. Theo trang The Engineer, thay vì bắn ra mũi lao cắm vào vỏ xe như trên phim, thiết bị tên RF Safe-Stop sử dụng sóng radio để vô hiệu hóa thiết bị điện trên phương tiện.
Mắt thần trong Furious 7 (2015) và The Fate of the Furious (2018)
God’s Eye/Mắt thần là chương trình ăn cắp dữ liệu tối tân do Ramsey (Nathalie Emmanuel) viết ra. Cô là nữ tin tặc siêu phàm của gia đình tốc độ, xuất hiện từ phần thứ 7 của Fast & Furious. Phần mềm có thể đột nhập vào mọi thiết bị điện tử có chức năng ghi hình, trao cho người dùng quyền thu thập thông tin từ bất cứ ai, ở bất cứ đâu trên Trái Đất.
Các phiên bản công nghệ do thám tương tự Mắt thần đã xuất hiện trong nhiều bộ phim viễn tưởng của Hollywood. Ảnh: Universal Pictures. |
Mắt thần xuất hiện lần đầu tiên trong Furious 7, khi đội của Toretto nhận nhiệm vụ truy tìm Ramsey và thiết bị này cho Mr. Nobody (Kurt Russell). Đổi lại, Mr. Nobody sẽ giúp họ ngăn chặn Deckard Shaw (Jason Statham).
Sau hàng loạt pha đuổi bắt thách thức quy luật vật lý, nhóm đã giải cứu thành công Ramsey cũng như giành lại Mắt thần từ tay gã khủng bố Mose Jakande (Djimon Hounsou). Jakande âm mưu sử dụng công nghệ này để truy tìm và thủ tiêu các kẻ thù của gã.
Tới The Fate of the Furious (2018), công nghệ Mắt thần xuất hiện một lần nữa khi gia đình tốc độ sử dụng nó để định vị thủ lĩnh Dominic Toretto. Sau đó, phần mềm đã bị nữ tin tặc Cipher đánh cắp.
Cipher trộm xe bằng lỗ hổng phần mềm trong The Fate of the Furious (2018)
Trong The Fate of the Furious (2018), Cipher đã sử dụng Mắt thần để truy tìm quan chức chính phủ Nga đang giữ một quả bom hạt nhân. Ả cũng lợi dụng Zero-day Exploit - một công nghệ khai thác lỗ hồng phầm mềm - để xâm nhập vào hệ thống điều hành của hàng trăm chiếc xe tại New York và điểu khiển chúng như một đội quân.
Màn phô diễn sức mạnh của Cipher biến The Fate of the Furious thành phim viễn tưởng. Ảnh: Universal Pictures. |
Nắm quân đoàn xe hơi trong tay, nữ tin tặc đã biến New York thành sân chơi của mình, gây ra vô số thiệt hại. Màn phô diễn tài năng của Cipher là minh chứng hùng hồn cho việc Fast & Furious đã trở thành một thương hiệu phim hành động viễn tưởng thay vì loạt phim đua xe tốc độ như thuở sơ khai.
Ý tưởng xâm nhập vào hệ thống điều hành của hàng trăm chiếc xe thuộc mọi chủng loại, mẫu mã và hệ điều hành khác nhau, rồi vận hành chúng như ong chúa dẫn dắt ong thợ - giống những gì Cipher thể hiện ở The Fate of the Furious - vẫn là điều không tưởng trong hiện tại.
Hệ thống nâng cấp cơ thể của Brixton Lore trong Hobbs and Shaw (2019)
Tới nay, Hobbs and Shaw là thương hiệu ngoại truyện duy nhất đã ra mắt thuộc vũ trụ Fast & Furious. Phim giới thiệu với khán giả nhân vật “Black Superman” Brixton Lore (Idris Elba) và hệ thống nâng cấp cơ thể giúp anh có được sức mạnh của siêu chiến binh.
Xung quanh nhân vật Brixton Lore còn nhiều lỗ hổng tình tiết chưa được giải đáp. Ảnh: Universal Pictures. |
Brixton Lore là cựu nhân viên thực địa MI6. Gã vốn đã mang sẵn ân oán với Shaw, sẵn sàng đánh đổi mọi giá để giúp tổ chức khủng bố công nghệ Eteon hoàn thành kế hoạch thanh lọc nhân loại của chúng.
Hệ thống nâng cấp cơ thể giúp Brixton Lore có được sức mạnh siêu phàm lẫn sức bền vượt xa giới hạn chịu đựng của loài người. Lore đủ sức khiến hai gã đàn ông cơ bắp Hobbs (Dwayne Johson) và Shaw phải nao núng.
Tới nay, thứ công nghệ cường hóa nhân loại - thường xuyên được dùng trong các bộ phim viễn tưởng, siêu anh hùng - vẫn chỉ là một sản phẩm từ trí tưởng tượng của con người.
Công nghệ Snowflake trong Hobbs and Shaw
Snowflake là thứ siêu virus có khả năng lập trình bị tổ chức khủng bố Eteon truy lùng để biến thành vũ khí sinh học thảm sát loài người. Đầu phim, Hattie Shaw (Vanessa Kirby) đã cố gắng ăn cắp thứ virus này cho tổ chức MI6. Sau đó, Hattie đã phải tự tiêm nó vào người để ngăn Brixton Lore cướp được.
Khủng bố sinh học là nỗi ám ảnh của nhân loại trong thế kỷ XXI. Ảnh: Universal Pictures. |
Cuối phim, Hattie Shaw đã loại bỏ được Snowflake ra khỏi cơ thể. Thứ virus được trao cho CIA. Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu của một thảm họa lớn hơn, khi sự tồn tại của thứ mầm bệnh nguy hiểm hơn Snowflake đã được tiết lộ.