Da
Làn da tuy mỏng manh, nhưng hàng rào bảo vệ này có cả hệ thống thần kinh làm nhiệm vụ “thu lượm” và “ báo cáo”. Ví dụ: khi bị phỏng, kim đâm, côn trùng chích…, các dây thần kinh sẽ báo về “thần kinh trung ương”, nơi đây sẽ phân tích và đưa ra phương án giải quyết vấn đề siêu tốc. Nhờ vận tốc này mà tay rụt lại khi sờ vào vật nóng, gãi ngay khi có chỗ bị ngứa.
Cách hỗ trợ da tốt nhất là vệ sinh sạch sẽ, không để da có vết thương hở, vì đây là cửa ngõ để vi trùng tấn công và xâm nhập vào cơ và máu.
Da cần được chăm sóc thường xuyên để bảo vệ cơ thể. ảnh minh họa: Internet. |
Hệ hô hấp
Hít vào - thở ra là cơ chế hô hấp để duy trì sự sống, nhưng trong không khí lại chứa rất nhiều vi sinh vật mà mắt thường khó thấy như vi trùng, siêu vi trùng, nấm… Ngoài ra còn các tác nhân khác như bụi, lông súc vật, khói…. Để các vị khách không mời khó xâm nhập vào nhà, hệ hô hấp có cấu trúc càng vào trong càng nhỏ và gấp khúc. Nhờ vậy mà mọi vật lạ có hại được giữ lại và tống ra ngoài nhờ ho, hắt hơi… Niêm mạc trong đường hô hấp cũng có hệ thống lông rung, dịch nhầy làm nhiệm vụ đẩy chất có hại ra khỏi cơ thể. Những thứ mà ta nhìn bằng mắt thường như gỉ mũi là công sức lao động của các lông mao. Niêm mạc đường hô hấp còn có hệ thống mao mạch phong phú nhằm làm ấm không khí hít vào ở nhiệt độ 370C. Đây cũng là điều kiện để hệ thống lông rung hoạt động có hiệu quả. Còn vùng phế nang, nơi không có lớp lông rung thì có mặt các “chiến sĩ” đại thực bào, có nhiệm vụ quan trọng là “nuốt chửng” những tên gây bệnh lạc vào lãnh địa này. Hỗ trợ hệ hô hấp tốt nhất là tránh xa vùng ô nhiễm, không hút thuốc lá…
Hệ tiêu hóa
Khởi đầu là tuyến nước bọt. Tuyến này chứa men tiêu hóa để nhào trộn thức ăn và chứa các men tấn công các vách của vi sinh vật, khiến cho chúng không toàn mạng. Acid trong dạ dày cũng có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Có khoảng 90% vi khuẩn bị tiêu diệt khi “mon men” đến dạ dày, ngoại trừ vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp). 10% còn lại sẽ bị hệ khuẩn có lợi tại ruột non, ruột già và bạch cầu tiêu diệt. Tuy nhiên, khi vi khuẩn xâm nhập ồ ạt với một lượng lớn thì hệ thống phòng thủ của hệ tiêu hóa sẽ “treo cờ trắng”.
Để “bảo toàn lực lượng”, BS Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị nội soi Tiêu hóa can thiệp, BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM hướng dẫn:
- Không tự ý dùng kháng sinh, không dùng kháng sinh dài ngày. Cách dùng này sẽ tiêu diệt lợi khuẩn, làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, làm giảm đề kháng và không hấp thu dưỡng chất từ thức ăn.
- Ăn uống hợp vệ sinh, ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, rửa tay sạch.
- Trong ăn uống, lưu ý ăn nhiều rau xanh, vì đây vừa là nguồn thức ăn cho lợi khuẩn, vừa kích thích nhu động ruột chống táo bón, đẩy nhanh chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
Hệ tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiểu là cụm từ y khoa dùng khi đường tiết niệu bị vi khuẩn tấn công. Để vi trùng không thể xâm nhập, cơ thể dàn trận như sau:
- Áp lực nước tiểu mạnh nhằm tống xuất vi khuẩn, không cho chúng “bò” ngược lên niệu đạo. Do niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn nam giới nên cách này không hiệu quả ở phụ nữ, tỷ lệ nữ mắc nhiễm trùng đường tiểu nhiều hơn nam giới là vậy.
- Niêm mạc bàng quang luôn đổi mới (tái tạo thường xuyên), nhờ vậy những vi khuẩn bám vào bàng quang sẽ bị loại cùng với niêm mạc cũ.
- Kháng thể tại chỗ IgE có khả năng diệt khuẩn. Tuy nhiên, kháng thể này chịu ảnh hưởng của nội tiết tố. Với phụ nữ giai đoạn mãn kinh, nội tiết tố giảm sẽ giảm kháng thể IgE. Đây cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng tái phát ở phụ nữ tuổi mãn kinh.
Để không bị nhiễm trùng đường tiểu, TS Phạm Văn Bùi - Phó giám đốc BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM hướng dẫn: “Cần uống nước đầy đủ. Khi thấy nước tiểu không vàng là uống đúng và đủ (màu vàng của nước tiểu không phải màu báo hiệu bệnh lý mà báo hiệu uống không đủ nước. Ở đây cần loại trừ trường hợp một số thuốc làm nước tiểu có màu). Phụ nữ cần vệ sinh vùng kín đúng cách, từ trước ra sau để không bị nhiễm trùng. Khi bị nhiễm trùng đường tiểu, cần điều trị kịp thời”.
Ngoài các hệ thống phòng thủ nêu trên, cơ thể còn có hệ thống bạch huyết làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể và cơ chế đông máu để chống mất máu khi cơ thể bị thương và ngất lúc bị sốc, quá đau, choáng… Song, để cơ thể khỏe mạnh, hệ miễn dịch “thiện chiến”, cần phải có nếp sống lành mạnh, không lạm dụng chất kích thích, sinh hoạt điều độ, ăn uống vừa đủ no…