Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cuộc đời dang dở sau thảm kịch Jeju Air

179 hành khách là 179 cuộc đời mãi ra đi trong vụ tai nạn máy bay tại Hàn Quốc, để lại nỗi đau không thể đong đếm trong lòng người ở lại.

Hôm 29/12/2024, 181 người đã lên chuyến bay 7C2216 của hãng hàng không Jeju Air tại Bangkok (Thái Lan), giống như hàng triệu hành khách khác mỗi ngày trên các chuyến bay thương mại.

Trong đó, có em bé lần đầu tiên được ra nước ngoài, có những người đồng nghiệp ăn mừng thăng chức, có người trở về sau tour du lịch - tất cả đều mong chờ được đoàn tụ với gia đình và bạn bè ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên giờ đây, họ sẽ mãi mãi gắn với một trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc, theo The Guardian.

179 hành khách không trở lại

Trừ hai thành viên phi hành đoàn sống sót, 179 người còn lại trên chuyến bay đều thiệt mạng. Trong khi nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn vẫn đang được nhà chức trách làm rõ, những câu chuyện đau lòng và bài viết tưởng nhớ các nạn nhân được gia đình, bạn bè họ chia sẻ.

179 người thiệt mạng ở độ tuổi từ 3 đến 79, phần lớn ở độ tuổi 40, 50, và 60. Năm nạn nhân dưới 10 tuổi. Hai công dân Thái Lan cũng nằm trong số người tử vong, còn lại là người Hàn Quốc.

jeju air anh 1

Một cậu bé và bố đặt hoa tại đài tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng ở Muan. Ảnh: Yonhap.

Trong số những người xấu số, có một bé trai 3 tuổi và bố mẹ, Kang Ko (43 tuổi) và Jin Lee-seon (37 tuổi). Ngày bay đến Thái Lan, vợ chồng Ko đã đăng tải một bức ảnh chụp con trai nhìn ra cửa sổ máy bay, chú thích: "Con trai chúng tôi lần đầu tiên ra nước ngoài, trên chuyến bay đêm. Cuốn hộ chiếu đầu tiên của thằng bé vẫn chưa có tem".

Cả gia đình Ko thiệt mạng khi trên đường trở về từ kỳ nghỉ đầu tiên ở nước ngoài. Ko làm việc trong bộ phận truyền thông của đội bóng chày Kia Tigers, được bạn bè miêu tả là người dễ mến và chăm chỉ.

"Anh ấy làm việc rất giỏi và tất cả đồng nghiệp đều yêu quý anh ấy", phát thanh viên thể thao Jeong Woo-yeong của đài SBS viết trên Instagram.

Theo Yonhap, trong số các nạn nhân còn có đại gia đình 9 người thuộc ba thế hệ. Người già nhất 79 tuổi, cùng vợ, hai con gái, con rể và cháu trai, cháu gái trở về Hàn Quốc sau chuyến du lịch mừng thọ ông.

Bốn mươi mốt hành khách khác trên chuyến bay thì trở về sau khi tham gia tour du lịch trọn gói khởi hành từ Muan vào đêm Giáng sinh.

jeju air anh 2

Người thân một trong 2 nạn nhân người Thái Lan đặt hoa tưởng niệm tại sân bay Muan, Hàn Quốc. Ảnh: Newscom/Alamy Live News.

Một trong hai công dân Thái Lan tử vong là Sirithon Chaue, sinh viên 22 tuổi giành được học bổng ngành quản lý kinh doanh hàng không tại Đại học Bangkok và chỉ còn 3 tháng nữa là tốt nghiệp. Cô đang đến Jeju để thăm mẹ và tìm kiếm cơ hội việc làm ở xứ củ sâm.

"Con bé luôn mơ ước được làm tiếp viên hàng không ở Hàn Quốc", chú của Chaue kể, miêu tả cô là "niềm tự hào của gia đình".

Mới vài tuần trước, Chaue còn vui vẻ chụp ảnh với bạn gái ở Bangkok. Các bức ảnh chụp trên trang cá nhân cho thấy cô thích Kpop, mèo con, các lớp học nghệ thuật và thích nhuộm tóc mái màu xanh sáng.

"Khi tai nạn xảy ra, mẹ Chaue đã đến sân bay đợi con bé. Ban đầu, chị ấy nghĩ rằng máy bay chỉ gặp sự cố nhỏ. Nhưng sau khi xem các video về những gì đã xảy ra, chị ấy bị sốc và hoảng loạn", người chú nói thêm.

Pornphichaya Chalermsin, họ hàng của nạn nhân người Thái Lan còn lại, Jongluk Doungmanee, nói với BBC rằng cô rất "sốc" khi nghe tin: "Tôi nổi hết da gà. Tôi không thể tin được".

Doungmanee kết hôn với người Hàn Quốc, đã sống ở xứ kim chi 5 năm nay và làm việc trong ngành nông nghiệp. Cô thường về Thái Lan 2 lần/năm vào các kỳ nghỉ để thăm người cha bị bệnh tim và 2 đứa con, 7 và 15 tuổi, từ cuộc hôn nhân trước. Cha cô suy sụp từ khi biết tin con gái qua đời.

“Thật quá sức chịu đựng với ông ấy. Doungmanee là cô con gái út”, Chalermsin nói, cho biết thêm cả ba người con của ông đều làm việc ở nước ngoài.

Shin Gyu-ho (64 tuổi), có hai cháu trai và con rể thiệt mạng, là một trong những người bày tỏ sự thất vọng khi cơ quan chức năng mất quá nhiều thời gian để xác định danh tính các nạn nhân. Ông cho biết có lúc tức giận đến mức định đập vỡ hệ thống loa trong các cuộc họp báo của cảnh sát.

Trong khi các thi thể đã được nhận dạng, Shin ban đầu được thông báo rằng thi thể hai đứa cháu trai của ông - đều là học sinh trung học - "bị phân tán quá nhiều để có thể nhận dạng".

Nỗi đau người ở lại

Tại sân bay Muan, nhiều tờ giấy ghi chú, thức ăn và hoa được người thân và người dân địa phương để lại tưởng nhớ người đã khuất. "Em yêu, anh nhớ em nhiều lắm", một tờ giấy ghi. Một người khác viết: "Em gái của chị, em là người chu đáo nhất chị từng biết. Chị sẽ không ổn đâu. Chị sẽ luôn nhớ đến em. Chị xin lỗi. Chị yêu em".

Một tờ giấy viết tay, được cho là em trai của phi công viết, đặt cạnh món gimbap (cơm cuộn) và một cốc nước gần địa điểm rơi máy bay.

"Em cảm thấy tan nát cõi lòng khi nghĩ về những khó khăn mà anh phải một mình đối mặt (trong những giây phút cuối đời). Anh thực sự tuyệt vời và đã làm rất tốt, mong anh có thể tìm thấy hạnh phúc ở một nơi ấm áp. Cảm ơn, và xin lỗi anh".

jeju air anh 3

Người nhà nạn nhân đau buồn trước sự ra đi đột ngột của người thân. Ảnh: Xinhua/Rex/Shutterstock.

Với cháu trai của ông Maeng Gi-su và hai con trai của người cháu này, chuyến bay định mệnh là đến Thái Lan để ăn mừng kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học. "Tôi không thể tin rằng cả gia đình vừa biến mất. Tôi đau đớn quá", cụ ông 78 tuổi nói.

Jeon Je-young (71 tuổi) kể với Reuters rằng con gái ông là Mi-sook đang trên đường về nhà sau chuyến du lịch cùng bạn bè tới Bangkok. Mi-sook được nhận dạng bằng dấu vân tay.

"Con gái tôi mới ngoài 40 tuổi, cuộc đời nó đã kết thúc như thế", ông ngậm ngùi, cho biết lần cuối gặp con là vào ngày 21/12, khi con gái mang ít đồ ăn và lịch năm mới đến cho ông.

Mi-Sook ra đi để lại chồng và cô con gái đang tuổi teen. “Thật không thể tin được”, ông bố nói.

Tính đến ngày 1/1, mới chỉ có số ít thi thể được trao lại cho các gia đình, số còn lại vẫn nằm ở nhà xác tạm thời ở sân bay.

Trong số này có một người đàn ông 64 tuổi họ Kim. Em trai ông đã đặt chỗ tại nhà tang lễ vào ngày 6/1, song được thông báo rằng thi thể của anh trai sẽ được kiểm tra lại, có thể do đã bị phân hủy, phân tán và có thể bị lẫn với thi thể của những nạn nhân khác.

Kim làm kinh doanh, đang trở về Hàn Quốc cùng 8 người bạn khi thảm kịch xảy ra. Em trai Kim thậm chí không thể báo tin buồn cho người mẹ 96 tuổi vì sợ cú sốc có thể ảnh hưởng sức khỏe của bà.

"Bà sẽ bước sang tuổi 97 trong 1-2 ngày nữa và chúng tôi nghĩ rằng bà không nên biết tin này. Vì vậy, chúng tôi quyết định giữ im lặng", ông nói với JoongAng Ilbo.

Tại văn phòng giáo dục tỉnh Jeolla Nam, trên những chiếc bàn từng được 5 nữ nhân viên ngồi làm việc giờ đây là nơi đồng nghiệp đặt những bó hoa cúc tưởng niệm.

Năm người đã lên kế hoạch đi nghỉ ở Thái Lan để ăn mừng việc thăng chức.

"Cảm giác không thực chút nào. Bóng dáng cô ấy vẫn còn vương vấn trong tôi. Cứ khi nào tôi nhìn thấy những bông hoa trên chiếc bàn trống đó, nỗi buồn lại ùa về", Lee Dae-keun, viên chức tại văn phòng giáo dục, nói với Reuters.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Tình trạng chú chó mất cả gia đình chủ trong tai nạn máy bay Hàn Quốc

Bơ vơ sau khi 9 thành viên gia đình chủ nhân thiệt mạng trong thảm kịch máy bay, chú chó tên Pudding được một tổ chức bảo vệ quyền động vật chăm sóc cho đến khi tìm được chủ mới.

Mai An

Bạn có thể quan tâm