IVF- hay In Vitro Fertilisation - là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong đó phôi thai được tạo ra bằng cách dùng tinh trùng thụ tinh cho trứng trong phòng thí nghiệm, sau đó cấy vào tử cung người mẹ. Các nhà khoa học Purdy, Edward và Steptoe đã mất 10 năm miệt mài nghiên cứu, 457 lần lấy trứng, 331 lần thử thụ tinh cho trứng và khoảng 221 phôi thai để chứng minh điều này có khả năng thực hiện - trong lúc đối mặt với cáo buộc và chỉ trích rằng họ đang tạo ra “những đứa trẻ như quái vật Frankenstein”.
![]() |
Louise Brown là em bé "sinh ra trong ống nghiệm" đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Dailytelegraph. |
Năm 1978, Louise Brown, đứa trẻ đầu tiên trên thế giới hình thành nhờ IVF đã chào đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử y học. Giờ đây, cô đã 40 tuổi và là mẹ của hai con. Sau 40 năm, công nghệ đã thay đổi chóng mặt. Trong khi phần lớn phụ nữ dùng chính trứng của mình và tinh trùng của bạn đời, IVF cho phép các cặp đôi đồng tính và phụ nữ độc thân có con của riêng mình, đồng thời giúp bệnh nhân tránh tình trạng vô sinh sau khi điều trị các bệnh như ung thư, hay ngăn ngừa các căn bệnh di truyền ở thế hệ tiếp theo. Phương pháp IVF đã thay đổi cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới, đem lại cho họ hạnh phúc tưởng chừng như không bao giờ có được.
Hi vọng cho những phụ nữ không có trứng
Vào năm 1985, khi Susie OOi đã hơn 30 tuổi, các bác sĩ nói với bà rằng bà không tạo ra trứng nên không thể thụ thai tự nhiên. Cô sống ở London cùng chồng và đã có cơ hội gặp đội ngũ bác sĩ đứng sau sự ra đời của Louise Brown.
Bà Susie, năm nay 66 tuổi, kể lại: “Khi đó việc cho trứng còn là một phương pháp hoàn toàn mới, và họ hỏi tôi xem có ai sẵn lòng cho tôi trứng hay không”.
Sau đó, em gái Carol của bà, người đã kết hôn và có 4 con, đồng ý tặng trứng cho Susie. Lần đầu, họ thất bại. Lần thứ hai, họ có 10 phôi thai và 3 phôi được cấy vào tử cung của bà. Một phôi đã bám lại nhưng mất trong vòng 2 tuần sau đó.
Ba tháng sau, bà lại được cấy 3 phôi đông lạnh và phải nằm viện để theo dõi. Cuối cùng, hai phôi sống sót và đến năm 1987, Robin và Simon trở thành cặp đôi sơ sinh IVF đầu tiên ra đời ở Anh nhờ trứng hiến tặng.
Bà cho biết: “Tôi mang thai hai con, trải qua ốm nghén và cảm thấy đó thực sự là con mình. Khi em tôi gặp hai đứa trẻ, em ấy bảo chỉ cảm giác giống như người hiến máu, không gì hơn”.
Những người đàn ông hiếm muộn
Phil và Joanne Davenport không hiểu vì sao mình không thể có con thứ hai - họ đã có một con theo phương pháp tự nhiên. Các xét nghiệm cho thấy Phil có mức tinh trùng thấp.
Trong những năm 1990, chuyện này coi như chấm dứt ở đây. Tuy nhiên, từ năm 1992, các bác sĩ đã phát triển kỹ thuật tiêm thẳng một tinh trùng vào trứng (ICSI) để tăng cơ hội tạo thành phôi thai. Cặp đôi đã trả 3.000 bảng Anh - một khoản tiền không nhỏ lúc đó - cho lần đầu thử ICSI, nhưng không thành công. Sau khi dành dụm vài năm, họ thử lại và có một cặp sinh đôi. Nick và Abbie, năm nay 18 tuổi, là hai trong số những đứa trẻ đầu tiên ra đời ở Anh nhờ ICSI.
![]() |
Nick và Abbie ra đời nhờ ICSI. Ảnh: Daily Mail. |
Abbie muốn trở thành một nữ hộ sinh. Cô bé cho biết: “Bố mẹ đã rất vất vả để có chúng cháu. Họ sẽ không thử lại nếu lần hai thất bại do chi phí quá cao. Chúng cháu rất tự hào vì là một trong những gia đình đầu tiên thành công với ICSI”.
Ánh sáng cho bệnh di truyền
Belinda Plowman, 46 tuổi, luôn muốn làm mẹ, nhưng quyết định mình không nên có con vì không muốn đứa trẻ mắc u nguyên bào võng mạc - một dạng ung thư mắt di truyền trong gia đình cô.
Sau khi kết hôn với David, Belinda vẫn không thay đổi quyết định. Cô đã phải bỏ đi mắt trái khi mới 16 tháng tuổi và cơ hội cô di truyền bệnh cho con là 50:50 (mẹ cô cũng bị bệnh này).
Một kỹ thuật mới vào những năm 2000 đem lại cho họ hi vọng. PDG là kỹ thuật sàng lọc gen trước khi cấy phôi thai, giúp tìm ra các phôi thai khỏe mạnh. Tuy nhiên, các bác sĩ mất 5 năm mới xác định được gen lỗi gây u nguyên bào võng mạc, thiết kế cách xét nghiệm và xin cấp phép. Trong lúc đó, Belinda có thai tự nhiên và phải tiến hành chọc ối. May mắn là cô con gái Tayla của họ không mắc bệnh, nhưng Belinda quyết định sẽ không để mình rơi vào tình huống này lần nữa.
Cặp đôi thử phương pháp PDG với 16 phôi thai và tìm được 2 phôi không có gien u nguyên bào võng mạc. Cả hai được cấy vào tử cung của Belinda và cuối cùng, cậu con trai Beau của họ ra đời.
Belinda cho biết: “Đó là một quá trình khó khăn. Bạn phải làm IVF nhưng thêm nỗi lo rằng các phôi thai có thể đều mang gien lỗi. PDG cho chúng tôi cơ hội có thêm một đứa con và chấm dứt căn bệnh di truyền. Điều tuyệt nhất là nếu Beau và Tayla quyết định có con, chúng sẽ không phải lo lắng về ung thư nguyên bào võng mạc nữa”.
IVF và mang thai hộ
Với Michael và Wes Johnson-Ellis, sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi của luật pháp khiến họ có được gia đình họ mơ ước. Michael cho biết: “Tôi luôn muốn có con, nhưng khi công khai giới tính năm 22 tuổi, tôi không có lựa chọn này và điều đó giống như một giấc mơ xa vời”.
Trước khi kết hôn năm 2014, Michael và Wes được biết Anh đã hợp pháp hóa mang thai hộ đồng thời chấp nhận cho các cặp đôi đồng tính có con nhờ phương pháp này.
Họ dùng tinh trùng của Michael và xin trứng của người có một vài đặc điểm nổi bật của Wes, như tóc vàng hay mắt xanh. Sáu trứng được thụ tinh và một phôi thai được cấy vào tử cung của người mang thai hộ. Michael nói: “Khi biết người mang thai hộ đã có thai, chúng tôi rất vui mừng. Chúng tôi thật may mắn khi ngay lần đầu đã thành công”.
Việc mang thai hộ và quy trình IVF (đã gồm trứng hiến tặng) tốn khoảng 35.000-40.000 bảng Anh (trong đó có chi phí cho người mang thai hộ do giảm thu nhập trong quá trình mang thai, còn ở Anh không cho phép mang thai hộ thương mại). Michael và Wes muốn có thêm một con, lần này là dùng tinh trùng của Wes.
Những đứa trẻ “đông lạnh”
Bước tiến quan trọng trong kỹ thuật đông lạnh trứng đã giúp nhiều phụ nữ được làm mẹ sau khi điều trị bệnh hiểm nghèo. Jenny Redout, 40 tuổi, cho biết cô sẽ không thể có con nếu không có phương pháp này.
![]() |
Cô con gái Bonnie của Jenny ra đời nhờ trứng đông lạnh. Ảnh: Damien McFadden. |
Jenny đông lạnh trứng 7 năm trước, sau khi được biết có thể phải tiến hành xạ trị. Năm năm sau, cô kết hôn và rã đông trứng để tiến hành IVF. Giờ đây, cô con gái Bonnie của cô đã 11 tháng tuổi. Jenny cho biết: “Khi biết mình đã mang thai thành công, tôi thấy thật khó tin. Ngay cả trong quá trình mang bầu, tôi vẫn luôn lo lắng mọi chuyện sẽ thất bại. Bonnie thật tuyệt vời và nếu không đông lạnh trứng, chúng tôi đã không có bé”.
IVF là một phong cách sống?
Dù tỉ lệ thành công đã tăng đáng kể, khoảng 30%, ngay cả ở phụ nữ trẻ, phần lớn các ca IVF vẫn thất bại, và tỉ lệ thành công giảm theo độ tuổi. Ở phụ nữ trên 45 tuổi, chỉ khoảng 2% có cơ hội có con.
Một số người bày tỏ lo ngại về sự phát triển của phương pháp này. Tiến sĩ John Webster, năm nay 82 tuổi, là người duy nhất từng có mặt ở ca sinh của của Louise vẫn chưa qua đời. Ông cho biết: “Trước khi Louise ra đời, Steptoe bảo với tôi rằng chuyện này còn lớn hơn cả việc con người đặt chân tới Mặt trăng, và ông ấy đã đúng”.
Sau 40 năm, các phương pháp điều trị vô sinh đã thay đổi chóng mặt. Tiến sĩ Webster nhận định: “Ngày nay, với một số người, IVF trở thành một lựa chọn phong cách sống - đó không phải là mục đích của phương pháp này. IVF được phát triển để giúp đỡ phụ nữ khó có con, nhưng ngày nay phụ nữ đông lạnh trứng vào những năm 20 tuổi để sau đó sinh con vào năm 40 hay 45 tuổi. Nếu con gái của họ cũng có chung ý tưởng, họ có thể sẽ chẳng bao giờ được gặp mặt cháu mình trước khi chết. Chỉ vì bạn có thể thắng được Tự nhiên không có nghĩa là bạn nên làm thế”.