Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cuộc gặp khiến cựu đội trưởng chống buôn lậu vướng vòng lao lý

Cựu đội trưởng chống buôn lậu cho rằng đã nghi ngờ Tứ và Hữu trong đường dây buôn lậu, nhưng vẫn tiếp xúc để điều tra, làm rõ hoạt động của đường dây buôn lậu cho mục đích phá án.

Ngày 11/11, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét xử vụ án buôn lậu và nhận hối lộ trong vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng. HĐXX đã xét hỏi làm rõ hành vi nhận hối lộ của bị cáo Ngô Văn Thụy, cựu đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam (Đội 3) trực thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng Cục Hải quan.

Nhận hối lộ trên 830 triệu đồng

Theo cáo trạng, quá trình điều tra vụ án buôn lậu trên, các bị can Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh và Phan Thanh Hữu khai nhận còn có hành vi đưa hối lộ cho bị can Ngô Văn Thụy.

Ngô Văn Thụy nguyên là đội trưởng có chức năng kiểm tra, khám xét, bắt giữ đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn các tỉnh từ Bình Thuận đến tỉnh Cà Mau.

Thông qua công tác nghiệp vụ, Ngô Văn Thụy biết được các Tàu Nhật Minh 07, 08, 09 có hành vi ra hải phận quốc tế mua xăng, nhập lậu về khu vực Nhà nuôi yến trên Sông Hậu thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, để tiêu thụ nội địa nên ngày 25/01/2021, Thụy đã chỉ đạo toàn bộ lực lượng của Đội 3 đến thành phố Cần Thơ để tổ chức, bắt giữ.

Tại thời điểm này, Nguyễn Hữu Tứ nhận được thông tin có lực lượng của Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng Cục Hải quan do Ngô Văn Thụy làm đội trưởng đang triển khai lực lượng để bắt giữ các tàu Nhật Minh của Phan Thanh Hữu khi các tàu này đến khu vực Nhà nuôi yến của Tứ tại địa chỉ trên để giao xăng nhập lậu nên Tứ đã báo cho Hữu biết. Hữu bàn với Tứ tìm cách liên lạc với Thụy để trao đổi, xin cho các tàu Nhật Minh của Hữu được vào khu vực Nhà nuôi yến để giao xăng cho Tứ.

doi truong chong buon lau anh 1

Bị cáo Ngô Văn Thụy.

Tứ đã liên hệ với Nguyễn Đức Quyền là cán bộ Hải đội 3 thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu (là người quen biết của Tứ) để xin số điện thoại của Thụy và nhờ Quyền giới thiệu cho Tứ gặp Thụy. Sáng 26/01/2021, Nguyễn Đức Quyền điện thoại cho Ngô Văn Thụy giới thiệu Tứ gặp Thụy và được Thụy đồng ý. Sau đó, Thụy không tổ chức triển khai bắt giữ các Tàu Nhật Minh 07, 08, 09 mà chỉ đạo các cán bộ của Đội kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam quay về đơn vị tại TP.HCM.

Đến khoảng 11h cùng ngày, Nguyễn Hữu Tứ cùng Trần Ngọc Thanh (quan hệ chung sống như vợ chồng với Tứ) và Ngô Văn Thụy hẹn gặp nhau tại Nhà hàng Biển Đông 1 (số 30 đường Lê Lợi, thành phố Cần Thơ). Tại đây, Nguyễn Hữu Tứ đưa cho Ngô Văn Thụy một phong bì trong có số tiền 10.000 USD, đề nghị Thụy giúp đỡ cho các tàu Nhật Minh của Phan Thanh Hữu được vào khu vực Nhà nuôi yến trên Sông Hậu của Tứ để giao xăng cho Tứ, nhưng Thụy không nhận và nói với Tứ: “Anh không hứa”.

Sau đó, Ngô Văn Thụy mời Nguyễn Hữu Tứ và Trần Ngọc Thanh đến Nhà hàng Lúa Nếp (Phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cùng ăn cơm với cán bộ trong đội của Thụy. Trước khi ra về, Tứ xin được gặp Thụy tại nhà riêng và được Thụy nhắn tin địa chỉ vào điện thoại của Tứ.

Chiều 27/01/2021, Tứ và Thanh đến nhà riêng của Ngô Văn Thụy tại số 73 đường Cù Lao, Phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Tại đây, Nguyễn Hữu Tứ tiếp tục đặt vấn đề nhờ Ngô Văn Thụy giúp đỡ không kiểm tra, xử lý các tàu vận chuyển xăng nhập lậu của Tứ và Hữu đồng thời lấy phong bì bên trong có 10.000 USD và một thẻ ATM có chủ tài khoản là Nguyễn Hữu Tứ mở tại Ngân hàng Pvcombank - Chi nhánh Cần Thơ (trong tài khoản có số dư là 101 triệu đồng) đưa cho Thụy, nhưng Thụy không nhận, sau đó Thụy mời Tứ, Thanh ở lại ăn cơm. Trước khi lên lầu nhà Thụy ăn cơm, Tứ nói Thanh bỏ phong bì đựng 10.000 USD và thẻ ATM vào hộc ghế đôn tại phòng khách nhà Thụy.

Trước lúc ra về, Tứ và Thanh nói cho Thụy biết là Tứ, Thanh có gửi quà Tết biếu Thụy để trong hộc bàn tại phòng khách, mật khẩu của thẻ ATM là 4 số cuối số điện thoại của Tứ, Thụy đồng ý nhận. Sau đó, Tứ điện thoại báo cho Hữu biết là Tứ đã đến nhà gặp nhờ Thụy và đưa cho Thụy 10.000 USD và một thẻ ATM. Hữu thấy chưa yên tâm, nên yêu cầu Tứ gửi số điện thoại và thông tin địa chỉ nhà của Thụy cho Hữu, để Hữu đến gặp Thụy.

Khoảng 16h ngày 29/01/2021, Hữu đi môtô biển số 54Z4-1211 mang theo số tiền 500 triệu đồng đến nhà Ngô Văn Thụy tiếp tục đặt vấn đề nhờ Thụy tạo điều kiện cho Hữu, Tứ vận chuyển xăng nhập lậu. Hữu hỏi Thụy “Tình hình là như vậy, em có cho anh vào được không?” (ý Hữu hỏi Thụy có đồng ý cho các tàu Nhật Minh của Hữu vào giao xăng nhập lậu cho Tứ không), thì được Thụy đồng ý và nói: “Từ giờ đến Tết anh cứ làm, ra tết em vào thì anh em mình ngồi nói chuyện”.

Sau đó, Hữu đi ra mở cốp môtô cầm túi nylon màu đen đựng 500 triệu đồng, mang vào phòng khách để trên ghế salon và nói: “Gửi em ít quà đi Bắc, khi nào em vào thì anh em mình nói chuyện sau”. Sau đó, các tàu Nhật Minh của Hữu được vào khu vực Nhà nuôi yến để bơm, bán xăng nhập lậu cho Nguyễn Hữu Tứ và Trần Thị Thanh Vân.

Sau khi nhận hối lộ số tiền hơn 800 triệu đồng của Tứ và Hữu, Ngô Văn Thụy đã sử dụng tiêu xài cá nhân hết. Đối với thẻ ATM mang tên Nguyễn Hữu Tứ, vào ngày 3/2/2021, Ngô Văn Thụy đã kiểm tra mật khẩu và rút ra 50 triệu đồng. Sau đó, Thụy đã nhờ người nhà nộp lại số tiền này vào tài khoản ATM của Tứ.

Gặp để khai thác đường dây buôn lậu

Tại phiên tòa, bị cáo Ngô Văn Thụy không thừa nhận hành vi nhận hối lộ và cho rằng nhận nguồn tin từ cơ sở báo có các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng nhập lậu vào khu vực nhà nuôi yến, Thụy đã chỉ đạo toàn bộ lực lượng Đội 3 (Đội chống buôn lậu) do Thụy làm đội trưởng xuống Cần Thơ để bắt giữ tàu chở xăng nhập lậu.

Bị cáo Thụy cho biết: “Để đảm bảo bí mật, chỉ có một mình bị cáo biết, tuy nhiên không thấy tàu nào vào vì biết kế hoạch đã bị lộ, nên bị cáo đã cho toàn đội rút quân trở về TP.HCM. Sau đó, có cuộc gọi của Nguyễn Đức Quyền là cán bộ Hải đội 3 thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu giới thiệu có Sơn (Nguyễn Hữu Tứ) xin gặp, thì bị cáo tin chắc kế hoạch bắt hàng lậu đã bị lộ”.

HĐXX hỏi bị cáo Thụy vì sao nghi ngờ các đối tượng Nguyễn Hữu Tứ, Phan Thanh Hữu là đối tượng nghi vấn trong đường dây buôn lậu xăng mà bị cáo vẫn gặp tại nhà hàng và nhà riêng và nhận tiền? Bị cáo Thụy cho rằng: “Với kinh nghiệm chống buôn lậu, bị cáo gặp Tứ, Hữu để biết thêm thông tin dự định ăn Tết xong sẽ lập chuyên án đấu tranh”.

Với phong bì 10.000 USD, thẻ ATM do bị cáo Tứ, bị cáo Thanh đến nhà để trong đôn ghế và bọc tiền 500 triệu đồng bị cáo Hữu để ở phòng khách, bị cáo Thụy cho biết vài ngày sau mới phát hiện, nhưng không biết của ai, bị cáo tìm hiểu mới biết được tiền của Tứ, Thanh, Hữu để lại, bị cáo dự tính sau khi Tết sẽ trả lại. “Nếu họ đưa thì bị cáo đã kiên quyết trả lại rồi”, bị cáo Thụy nói và không thừa nhận đã hứa hẹn cho tàu của bị cáo Hữu chở xăng vào.

Thừa nhận cáo trạng truy tố, bị cáo Thụy nói: “Bị cáo cơ bản đồng ý với nội dung truy tố, nhưng mong HĐXX xem xét lại hoàn cảnh phạm tội của bị cáo. Bị cáo sai khi đã phát hiện tiền của các bị cáo, nhưng đã không trả lại ngay, không báo cáo đơn vị”. Bị cáo Thụy cũng bày tỏ sự ân hận: “Bị cáo đã có 40 năm công tác, đạt nhiều thành tích, nay vì vi phạm pháp luật bị cáo đã đánh mất hết, đây là bài học cho bị cáo, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo”.

2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự

1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.

Vụ cô gái Hải Như mất tích: Quá trình giám định ADN bao lâu

Theo luật sư, việc cảnh sát lấy mẫu xét nghiệm ADN của cha mẹ cô gái mất tích Lương Hải Như để đối chiếu với thi thể ở sông Tô Lịch được quy định ở Luật Giám định tư pháp.

https://tienphong.vn/nhung-cuoc-gap-khien-cuu-doi-truong-chong-buon-lau-vuong-vong-lao-ly-post1485609.tpo

Mạnh Thắng/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm