Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất. Các gốc chè ở đây có hơn 300 tuổi, thân to, có cây đường kính rộng nhiều mét, lá và búp chè to khác hẳn với các loại chè khác. Búp có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là chè tuyết - giống chè shan lưu niên hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh. Ảnh: Lê Bích. |
Măng sặt ở Yên Bái đã trở thành món đặc sản được nhiều thực khách ưa thích, và tìm đến thị xã Nghĩa Lộ để tìm mua loại măng này khi mùa măng đến. Măng sặt có thể làm món luộc, om, xào hay theo người dân vùng cao thì hấp dẫn nhất là món măng nướng than hồng. Vị ngọt, vị thơm của măng làm cho người thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không thể quên. Ảnh: Baoyenbai. |
Dế mèn chiên có màu vàng ruộm và mùi thơm đặc trưng của các loại gia vị hòa quyện vào nhau. Bạn có thể rưới thêm nước ớt hoặc nước măng chua, tăng phần đậm đà cho món ăn. Món dế mèn chiên phần đầu hay phần đùi thì giòn tan, phần bụng dai, bùi. Dế chiên giòn có thể ăn kèm cùng cóc xanh, xoài xanh, dưa chuột, chanh… tạo cảm giác ngon miệng, đồng thời giảm độ béo ngậy. Dế mèn dùng để nhắm bia hay nhắm rượu đều tuyệt. Ảnh: Cungphuot. |
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Các gia vị này thậm chí còn nhìn thấy rất rõ trên từng miếng thịt. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng. Ảnh: Baoyenbai. |
Lạp xưởng (lạp sườn) Yên Bái được chế biến rất kỳ công. Làm lạp xưởng phải cẩn thận chú ý đến thời gian tẩm ướp, khâu củi lửa, không được đun to, không được để tắt bếp trong giai đoạn thịt lên men. Nhiên liệu hun nhất thiết phải là than hoa, hoặc củi quế. Ảnh: Cungphuot. |
Nếp Tú Lệ đã trở thành một món hàng quen thuộc và được ưa chuộng. Vào đầu mùa thu hoạch, nếu may mắn bạn sẽ được thưởng thức cốm Tú Lệ ngon không kém gì cốm Làng Vòng nức tiếng ở Hà Nội. Xôi nếp Tú Lệ không cần phải thêm đỗ, thêm dừa cho đậm đà mùi vị, chỉ xôi gạo không thôi mới thấy hết sự mộc mạc của núi rừng, sự tinh túy của trời đất. Ảnh: Cungphuot. |
Thịt dê được nuôi trên vùng núi cao Yên Bái rất thơm và chắc. Thịt có thể chế biến thành rất nhiều món như dê tái chanh, nầm dê nướng, tiết canh, chân dê hầm thuốc bắc... Ảnh: Nhahangtaybac. |
Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Cây mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc. Ảnh: Cungphuot. |
Trứng kiến là món ăn độc đáo thơm ngon, bổ dưỡng. Thông thường, trứng kiến được ướp với muối tinh, hạt sẻn, vỏ dổi, các loại lá thơm, gói lá dong nướng than, nấu canh với măng sặt hoặc trộn trứng gà đem rán. Song ấn tượng nhất là xôi nếp trứng kiến. Đĩa xôi đủ các mầu tươi sáng như núi rừng Tây Bắc rạo rực vào xuân, những hạt trứng kiến điểm xuyết như những hạt mầm ấp ủ những mùa xanh, hương của nếp qúy hòa cùng hương trứng kiến thơm lừng khiến ai củng muốn thưởng thức. Ảnh: Hotel84. |
Bánh chưng đen Mừng Lò được bọc lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải. Gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. Để tạo màu đen cho chiếc bánh, đồng bào lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen. Ảnh: Hanoimuare. |
Cá sỉnh được người Thái ở Văn Chấn - Nghĩa Lộ (Yên Bái) coi là món đặc sản đáng tự hào, bởi loại cá này chỉ sống duy nhất nơi đây. Cá sỉnh ưa sống ở nơi nước xiết, mình thon dài, đầu nhỏ, vẩy trắng, lăn tăn như hoa bạc, hai bên lườn ánh xanh. Con nào to nhất cũng chỉ bằng bốn ngón tay, thịt chắc, vị ngọt đậm, thơm, không hề có vị tanh, xương ít lại rất mềm. Ảnh: Giaovienyenbai. |