Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những dấu hiệu của bệnh trĩ ngoại

Bệnh trĩ ngoại gây nhiều phiền toái cho người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi (NCT). Bệnh nếu không được chữa trị sẽ càng ngày càng nặng và có thể khó tránh khỏi biến chứng.

Trĩ ngoại có các mức độ khác nhau, loại do tắc mạch bởi các tĩnh mạch ở hậu môn bị vỡ, gây căng tức, rất đau và thường gây chảy máu. Trĩ ngoại có thể bị viêm nhiễm, nhất là loại xảy ra ngay tại nếp gấp ở cửa hậu môn gây nên hiện tượng phù nề, đau đớn. Vì vậy, do đi đại tiện khó khăn cho nên càng bị táo bón, bệnh trĩ ngày một nặng thêm.

Loại trĩ ngoại phức tạp nhất là loại do tĩnh mạch căng, phồng hoặc bị gập. Loại này thường gây ra đau đớn, chảy máu khi đi đại tiện, thậm chí gây tắc hậu môn và gây khó khăn cho việc vệ sinh hậu môn.

Nói chung khi bị trĩ ngoại sẽ xuất hiện đau đi đại tiện và ra máu, các tĩnh mạch ở hậu môn giãn to tạo thành các bũi trĩ thòi ra ngoài hậu môn. Trĩ ngoại càng để lâu càng dễ gây viêm nhiễm, đăc biệt là phụ nữ dễ gây viêm phần phụ. Nhiều NCT bị trĩ ngoại có hiện tượng sa búi trĩ ra ngoài gây khó chịu khi đi lại và lúc đi đại tiện

Nguyên tắc điều trị

Khi nghi bị trĩ ngoại, NCT hoặc người nhà cần đưa người bệnh đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được điều trị ngay từ khi mới xuất hiện bệnh. Khi bệnh đang ở các giai đoạn đầu nên điều trị nội khoa (dùng thuốc). Thuốc được dùng thường được sử dụng các loại thuốc trợ mạch (làm cho thành mạch vững chắc hơn), thuốc chống viêm nhiễm, kháng sinh (nếu có viêm nhiễm), thuốc giảm đau, thuốc chống phù nề.

Nếu bị táo bón có thể phải dùng thêm các thuốc chống táo bón. Tuy vậy, dùng thuốc gì, liều lượng và cách sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ (phải có đơn thuốc), người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự dùng thuốc. Bởi vì, đi ngoài ra máu còn có nhiều nguyên nhân khác, đặc biệt lưu ý ở NCT.

Nếu điều trị nội khoa theo phác đồ, đủ thời gian mà bệnh không những không khỏi mà có xu hướng nặng thêm, lúc này bác sĩ khám bệnh sẽ có hướng chuyển điều trị bằng các thủ thuật như: tiêm xơ (có tác dụng cầm máu và hạn chế hiện tượng sa bó trĩ) hoặc thắt búi trĩ hoặc được đốt bằng dao điện tùy theo tính chất của bệnh và sức khỏe của người bệnh, nhất là người có tuổi.

Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) chỉ thực hiện khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để tránh mắc trĩ ngoại hay để hạn chế bệnh trĩ nặng thêm, NCT nên tăng cường ăn nhiều rau, chất xơ, các loại trái cây có tính chất tiêu hóa tốt (khoai lang, chuối chín,…). Cần uống đủ lượng nước hàng ngày (1,5 - 2,0 lít).

Nên vận động cơ thể với các hình thức khác nhau tùy theo sức khỏe và điều kiện của từng người. Cần bỏ thói quen đi đại tiện ngồi lâu và không nên ăn, uống có các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

 

 

http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/nhung-dau-hieu-cua-benh-tri-ngoai-20150827103335518.htm

Theo PGS.TS.Bùi Khắc Hậu/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm