Đề bài khó hiểu
Ngày 23/4, một đề thi môn Ngữ văn lớp 9 khiến nhiều học sinh tại TP HCM hoang mang. Nhiều người cho rằng, đề thi này vừa lạ, vừa đánh đố học sinh.
Đề bài như sau:
“Nguyễn Du viết:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Nào phải để cho chúng ta biết cảnh mùa xuân ra sao mà thôi, hai câu thơ làm chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng mà tác giả đã nhìn thấy trong cảnh vật, rung động với cảnh thiên nhiên mỗi mùa xuân lại như tái sinh, tươi trẻ mãi, và cảm thấy trong lòng ta có những sự sống tươi trẻ luôn luôn tái sinh ấy”.
Đọc đoạn trích trên và thực hiện các yêu cầu sau:
a) Nêu tên tác giả tác phẩm.
b) Từ ý nghĩa của các cụm chủ vị “ta biết cảnh mùa xuân”, “chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng”, em hãy tìm các cụm từ thể hiện điều chúng ta có được từ văn học nghệ thuật (qua đôi câu thơ của thi hào Nguyễn Du).
![]() |
Đề thi môn Văn gài bẫy học sinh. Ảnh: Người lao động. |
Một giáo viên dạy Văn tại Ninh Thuận nhận định: “Câu a trong đề hoàn toàn đúng, do đoạn trích đã để trong dấu ngoặc kép, học sinh phải biết đề hỏi về đoạn văn chứ không phải câu thơ của Nguyễn Du. Còn lại, câu b có vấn đề trong cách diễn đạt. Đề yêu cầu "em hãy tìm các cụm từ thể hiện điều chúng ta có được từ văn học nghệ thuật" là mông lung và vô lý.
Có thể diễn đạt lại đề bài như sau: “Em hãy tìm các cụm từ giúp “ta biết cảnh mùa xuân”, khiến “chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng” trong câu thơ trên của Nguyễn Du”.
Sáng 23/4, đại diện Phòng GD&ĐT Quận 10 (TP HCM) cho biết, đã tiếp nhận ý kiến của phụ huynh, học sinh. Phòng giáo dục sẽ tổ chức họp bàn để đưa ra câu trả lời, sẽ giải quyết theo hướng có lợi nhất cho học sinh.
Đề thi về ngôn ngữ chatTháng 6/2013, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP HCM cũng gây tranh cãi từ phía học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Câu 2 của đề thi như sau: "Bạn trẻ trong hình bên đã dùng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi teen, khi giao tiếp với người lớn. Theo em, bạn ấy đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đó?”.
![]() |
Hình ảnh đề thi. |
TS Trần Thị Mai Nhân - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, cần phân biệt rõ “ngôn ngữ chat” và “ngôn ngữ tuổi teen”.
“Ngôn ngữ chat” là ngôn ngữ tiếng Việt không có dấu, được viết tắt, biệt ngữ, ký hiệu hoặc làm cho biến dạng (ví dụ: thjk = thích, h0k bik = không biết, roài = rồi...) thường được giới trẻ sử dụng khi chat qua mạng, điện thoại, không sử dụng khi giao tiếp trực tiếp.
Còn “ngôn ngữ tuổi teen” được hiểu rộng hơn, gồm cả ngôn ngữ “lóng” (chém gió...), viết tắt, ký hiệu, biệt ngữ được giới trẻ sử dụng khi nói chuyện, nhắn tin, chat với nhau.
Như vậy, đề thi và hình ảnh minh họa trong đề thi không hợp lý. Bạn trẻ đang “giao tiếp trực tiếp” khi nói chuyện với cha không thể sử dụng ngôn ngữ chat được.
Hơn nữa, đề thi nêu rõ trường hợp “dùng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi teen, khi giao tiếp người lớn” chứ không phải “giao tiếp chung” hay “giao tiếp bạn bè”. Vì vậy, thí sinh cũng có thể trả lời là “vi phạm phương châm lịch sự” thay vì chọn “vi phạm phương châm cách thức”.
TS Trần Thị Mai Nhân đặt câu hỏi: Đây là sự sơ suất hay cố ý "gài bẫy" thí sinh của người ra đề?
Bà cũng nói thêm: “Qua tìm hiểu, tôi được biết, vấn đề được các em tranh luận rất sôi nổi sau khi kết thúc giờ thi, vì chọn phương án nào cũng hợp lý. Vậy đáp án sẽ thế nào cho thỏa đáng? Trong trường hợp này, nên chăng chấp nhận cả hai phương án?”.
Đề bài đánh lừa thí sinh?
Năm 2013, câu 3b trong đề thi đại học khối C theo chương trình nâng cao được chú ý.
Đề bài như sau: “Có ý kiến cho rằng: Sự nhẫn nhục của nhân vật Từ (Đời thừa - Nam Cao) không đáng trách chỉ đáng thương; còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu) thì vừa đáng thương vừa đáng trách. Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên”.
![]() |
Câu 3b của đề thi môn Văn. |
Theo thầy giáo Trần Hinh - Chủ nhiệm bộ môn Nghệ thuật học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Đề bài này có phần đánh lừa thí sinh. Bởi chính Từ - một phụ nữ có cuộc sống quá khứ lầm lỗi sau khi lấy Hộ mới là người đáng trách, mà cũng đáng thương. Còn người đàn bà hàng chài có sự hi sinh vô cùng cao cả vì con cái và gia đình, chính vì thế mà ở chị chỉ thấy sự đáng thương mà không hề đáng trách. Câu hỏi này yêu cầu các em phải biết nhìn nhận vấn đề một cách khái quát, tổng hợp”.
Đáp án của Bộ GD&ĐT nói về người đàn bà hàng chài như sau: “Sự nhẫn nhục của người đàn bà làng chài là một cách chấp nhận những đày đọa vô lý của người chồng quen thói bạo hành, đã thành một cách sống buông xuôi, thỏa hiệp, không những không thức tỉnh được chồng, trái lại còn tiếp tay cho thói bạo lực gia đình”.
Tuy nhiên, trong đáp án của Bộ GD&ĐT cũng ghi chú: “Thí sinh có thể làm bài theo những cách khác nhau, chấp nhận sự khác nhau nhưng phải đảm bảo yêu cầu về kiến thức”.