“Anh đi một thời gian rồi sớm về, cùng em đón con chào đời”.
Trước khi lên đường chi viện Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức), bác sĩ Trần Hữu Chinh (công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) hôn tạm biệt vợ, xoa bụng chào con nhỏ mới 28 tuần. Cứ ngỡ chỉ 14 hay 28 ngày sẽ kịp trở về ngày con chào đời, thấm thoắt, gia đình trẻ đã xa nhau hơn 6 tháng.
Mỗi ngày bác sĩ Trần Hữu Chinh dành thời gian nghỉ để gọi điện về, nguôi ngoai nỗi nhớ gia đình. |
Con gần 6 tháng tuổi vẫn chưa được gặp
Khi TP.HCM bước vào đợt lây lan dữ dội của biến chủng Delta, không chỉ riêng bác sĩ Chinh, nhiều nhân viên y tế cũng tự nguyện “lên đường”. Có người hơn 3 tháng, thậm chí 5-6 tháng chưa về nhà, cũng có người dang dở cuộc chiến khi không may phơi nhiễm.
Mồ hôi nhễ nhại sau hơn 7 giờ trong khu điều trị, bác sĩ Hữu Chinh đau đáu nhớ về câu chuyện cuối tháng 7. Một sản phụ 29 tuổi mang song thai 28 tuần, thở máy tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương. Tình trạng chị diễn biến xấu nhanh chóng, trong đêm, chuyến xe từ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đưa 5 bác sĩ và máy ECMO sang chuyển sản phụ về bệnh viện tầng 5.
“Một người nhưng 3 mạng sống, anh em cố gắng cứu ca này. Lãnh đạo bệnh viện đã nhắn nhủ ê-kíp như thế. Chúng tôi cũng ngày đêm theo dõi sát sản phụ từng phút”, bác sĩ Chinh kể.
“Càng nhớ về vợ, gia đình, chúng tôi càng quyết tâm cứu sản phụ và 2 em bé. Thế nhưng…”. Bác sĩ Chinh bỏ lửng câu nói, như lời trần tình nỗi đau và bất lực của người thầy thuốc.
Ê-kíp của bác sĩ Chinh theo dõi sinh hiệu của bệnh nhân mang song thai. |
“Đêm 2/8, sản phụ ngưng tim. Một thai chết lưu. Chúng tôi buộc lòng hội chẩn với đồng nghiệp ở Từ Dũ và mổ bắt con. Một bé gái may mắn vẫn sống nhưng chỉ nặng 800 g, được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ chăm sóc”, bác sĩ Chinh kể lại thời điểm khắc nghiệt.
“Em bé vẫn bình an, anh…?”, chúng tôi hỏi.
“Giá như là vậy. Nhưng không lâu sau đó, chúng tôi được tin em bé cũng không qua khỏi. Cả người mẹ”, anh chùng giọng.
Nhiều ngày sau đó, bác sĩ Chinh và đồng nghiệp vẫn quay cuồng khi số bệnh nhân nặng, nguy kịch chuyển đến dồn dập. Và cũng không ít trong số đó chẳng thể cứu được.
“Bệnh nhân chuyển đến đây đã nặng, chuyển lên khu ICU của anh càng nặng hơn. Tính mạng như ngọn đèn trước gió. Lúc ra trực, anh thường gọi Zalo cho vợ, kể chuyện cho nhau nghe để giải tỏa tâm trạng, nhưng có nhiều chuyện khắc nghiệt quá, anh cũng chẳng dám kể”.
Gặp lại bác sĩ Chinh tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 một ngày cuối tháng 10, anh cười: “Vợ anh sinh cũng lâu rồi. Ngày sinh anh không về nhìn con lúc vừa chào đời được, nhưng vợ và con sẽ thông cảm thôi, công việc mà”.
Những ngày hết mình tại bệnh viện dã chiến non trẻ
“Anh ơi, sắp hết oxy rồi!”. Nửa đêm, dòng tin nhắn được gửi đến trong nhóm chat của bác sĩ Bệnh viện Dã chiến số 12.
Lập tức, bác sĩ Tường, bác sĩ Đông và các lãnh đạo bệnh viện nhanh chóng chỉ đạo công tác cấp cứu, sau đó liên lạc bệnh viện “bạn” để mượn tạm oxy trong đêm.
“Có thêm rồi nhé, anh em yên tâm!”. Ngay sau tin nhắn gửi đến từ bác sĩ chuyên khoa II Lưu Ngọc Đông - Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12, hàng loạt biểu cảm trái tim được thả tràn ngập thay thế niềm vui tột độ của y bác sĩ khi có nguồn sống cho người bệnh.
Giữa tháng 7, các y bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM nhận nhiệm vụ quản lý và vận hành Bệnh viện dã chiến số 12 tại khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
Khái niệm bệnh viện dã chiến không chỉ đơn thuần đưa nhân lực, trang thiết bị đến một cơ sở là có thể vận hành hoàn chỉnh. Các y bác sĩ phải xây dựng quy trình, nhất là khâu quan trọng như tiếp nhận, cấp cứu, kiểm soát nhiễm khuẩn, hậu cần, hành chính… phức tạp.
Nhận cơ sở mới với nhiều thứ ngổn ngang từ chuyên môn đến hệ thống quản lý, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu đã xây dựng lại một bệnh viện non trẻ. Đặc biệt, một nhóm Zalo cũng được hình thành như “lối đi tắt”.
Bệnh viện dã chiến số 12 tiếp tục làm nhiệm vụ trở thành nơi điều trị người nhiễm biến chủng Omicron tại TP.HCM. |
Theo chia sẻ của bác sĩ Đông, tất cả nhân viên bệnh viện được thêm vào một nhóm chat Zalo. Khi có bất kỳ vấn đề cần báo cáo lãnh đạo, mọi nhân viên có thể nhắn vào nhóm thay vì làm theo quy trình từ thấp đến cao. Các y bác sĩ đã điều trị, cấp cứu F0 tốt hơn do mọi vấn đề được giải quyết rất nhanh.
Không riêng Bệnh viện số 12, trong đợt dịch vừa qua, hầu hết bệnh viện dã chiến và ngành y tế thành phố cũng sử dụng nhiều nhóm chat để trao đổi và phân công công việc. Nhờ vậy, các chỉ đạo được gửi đến nhanh chóng, kịp thời, góp phần vào công tác tiếp nhận, cấp cứu người bệnh trong “thời gian vàng” một cách tốt nhất.
Những tin nhắn “cầu cứu” từ người lạ
“Em mới test nhanh, 2 vạch rồi!”. Nhìn dòng tin nhắn, bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bỗng chốc sững người, tay lạnh toát như lúc anh trong bộ đồ bảo hộ, bước ra từ khu tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.
Ngay lúc đó, anh biết rằng Covid-19 đã thật sự xâm nhập rất sâu vào cuộc sống thường nhật và đang đến rất gần, ngay cạnh những người thân thiết. “Cố gắng lên, 10 ngày là hết”, anh động viên người bạn.
Những ngày sau đó, các tin nhắn trao đổi qua lại của bác sĩ Tâm và người bạn F0 cũng diễn ra liên tục. Có những lúc vừa xong việc, cởi bộ đồ bảo hộ, chưa thấy tin nhắn báo tình hình của người bạn, anh Tâm giật mình. May mắn, người bạn đã âm tính với SARS-CoV2 sau hơn 1 tuần nhiễm bệnh.
Y bác sĩ bệnh viện dã chiến tại Thủ Thiêm theo dõi sức khỏe các bệnh nhân qua một nhóm Zalo. |
Ở tuổi 28, suốt 4 tháng, bác sĩ Tâm luôn trực chiến ở tuyến đầu chống dịch, cũng từng ấy thời gian, anh Tâm gắn liền với chiếc điện thoại do công tác điều phối, tiếp nhận bệnh nhân. Có những ngày chuông điện thoại, tin nhắn reo liên tục, hết cuộc này đến cuộc khác.
Có khoảng thời gian hệ thống y tế TP.HCM quá tải, F0 không liên lạc được với cơ quan y tế và họ tự kết nối với các bác sĩ và cầu cứu. Bên cạnh nhóm chat của bệnh viện, nhóm giao ban, lãnh đạo, những “tin nhắn từ người lạ” cũng liên tục được gửi đến các y bác sĩ.
Một ngày cuối tháng 7, trong nhóm chat của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, một dòng tin nhắn ấm áp được gửi đến, như xoa dịu đi bao ưu tư và nỗi lòng của những người xa nhà.
Những lúc hụt hẫng và buồn nhất, các y bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 động viên nhau vượt qua để điều trị cho người bệnh. |
“Một sáng chủ nhật cuối tháng 7, trời trong xanh, buồn như thành phố trong mùa dịch dã. 10 ngày rồi trôi qua rồi, không biết còn bao nhiêu cái 10 ngày nữa, có thể 3, 4 hay 5, 6... nhưng thì thôi kệ. Có những con người ở đây, cùng nhau kiên cường dốc sức, cầu cho bệnh nhân may mắn, nhân viên y tế TP.HCM kiên cường, mạnh mẽ…”, một y bác sĩ an ủi đồng nghiệp.
Trong đại dịch, nhân viên y tế là lực lượng tuyến đầu cũng là lực lượng chịu nhiều thương tổn, ảnh hưởng tinh thần lẫn sức lực. Nhờ sự động viên, nâng đỡ và kết nối với cuộc sống bên ngoài phòng bệnh, họ dần vững tâm, vững lòng để giúp nhiều người bệnh thoát khỏi cửa tử.
Cũng nhờ những cuộc gặp trên không gian đặc biệt, những sự kết nối vẫn diễn ra từng giây, từng phút. F0 không cô đơn vì kết nối với bác sĩ. Nhân viên y tế cũng không lạc lõng vì kết nối được những người thương yêu.
Với người dân, người bệnh và cả các y bác sĩ, năm 2021 vừa qua là những ký ức khó phai mờ.
Bình luận