Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những dịch vụ nhắn tin thoại 'mất tích'

Trước khi có những ứng dụng nhắn tin thoại miễn phí (OTT) như Line, Kakao Talk, Zalo..., các mạng di động cũng cung cấp dịch vụ tương tự nhưng mất phí và phải nghe qua một tổng đài khác. Đây là lý do các dịch vụ này ít được sử dụng.

SMS Talk của HT Mobile

SMS Talk của HT Mobile, nay là Vietnamobile là một trong những ứng dụng nhắn tin thoại đầu tiên được nhiều người biết đến. Dù thế, với những phương thức phức tạp, từ chuyện gửi tin nhắn theo cú pháp, đến việc mất phí (1.000 đồng/lần) cho việc gửi SMS Talk nội mạng với người gửi, hay 1.000 đồng/lần cho người nhận khi nghe nội dung tin nhắn lần thứ hai, dịch vụ này không được ưa chuộng. Muốn nghe lại tin nhắn thoại người khác gửi cho mình, khách hàng cũng phải trả phí.

Du là ứng dụng mới lạ đối với người dùng, nhưng những thao tác phức tạp khi sử dụng khiến SMS Talk không được ưa chuộng, dù clip giới thiệu dịch vụ này được không ít người ưa thích.

 

 VoiceSMS của MobiFone

MobiFone là mạng di động thứ hai, sau HT Mobile đưa tính năng tin nhắn có lời thoại vào kho ứng dụng của mình. Dịch vụ tin nhắn VoiceSMS của mạng di động này áp dụng với thuê bao di động nội hoặc ngoại mạng MobiFone, song bị giới hạn độ dài tin nhắn VoiceSMS chỉ 30 giây. Số lần nghe VoiceSMS tối đa là 3 lần, sau đó, hệ thống sẽ tự động xóa tin nhắn, mỗi VoiceSMS chỉ được sử dụng 1 lần, thời gian tối đa để lưu 1 Voice SMS là 7 ngày, số lượng tin nhắn lưu trên hệ thống tối đa là 20 tin, nếu quá, hệ thống sẽ tự động xóa.

Xuất hiện ngay sau khi HT Mobile ra mắt, ứng dụng nhắn tin bằng giọng nói, VoiceSMS của MobiFone có một số cải tiến, song vẫn bị giới hạn thời lượng tin nhắn và số tin nhắn lưu trữ.

Điểm đặc biệt của dịch vụ VoiceSMS của MobiFone là được miễn phí cước gửi tin nhắn. Tuy nhiên, với cước nghe, chỉ khách hàng nội mạng MobiFone được miễn phí, còn khách ngoại mạng bị tính phí như cước cuộc gọi thông thường.

So với những nhà mạng khác, việc cài đặt VoiceSMS của MobiFone cũng khá nhiều cộng đoạn. Cú pháp và tổng đài để gửi tin nhắn VoiceSMS và nhận tin nhắc khác nhau, “thủ tục” để gửi và nhận cũng không đơn giản.

Voicemail của Viettel

Tại Viettel, hãng viễn thông được cho là hay tung khuyến mại “khủng”, dịch vụ hộp thư thoại có tên Voicemail cũng nở rộ và nhận được chú ý. Điểm chung với nhiều nhà mạng khác là khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ nói trên vẫn cần thao tác soạn tin nhắn tới tổng đài. Khác với Vietnamobile, Voicemail của Viettel có thể ghi âm lại, tự động nhận lời nhắn và thông báo khi có tin nhắn thoại trong hộp thư. Chức năng nghe lời nhắn mới và nghe lại lời nhắn cũ cũng được nhà mạng này áp dụng.

Tính năng hộp thư thoại của Viettel cũng được giới thiệu khá rầm rộ. Tuy vậy, cũng như nhiều mạng di động khác, người sử dụng phải trả cước và bị giới hạn số tin nhắn cũng như thời gian thực hiện một tin.

Sau 31/7, dịch vụ nói trên của tập đoàn viễn thông Quân đội đã thu phí cho dịch vụ Voicemail với cước thuê bao tháng là 5.000 đồng/tháng, gọi đến thuê bao Voicemail như cuộc gọi thông thường, được tính từ thời điểm hộp thư Voicemail bật lên và đến khi kết thúc hoàn toàn cuộc gọi. Còn phí gọi đến tổng đài dịch vụ 193 là 500 đồng/phút.

Say2send của Vinaphone

Từ năm 2011, Vinaphone đã tung ra dịch vụ tin nhắn thoại dành cho người sử dụng di động với tên gọi Say2send với cước 500 đồng/cuộc gọi gửi tin nhắn thoại độ dài tối đa là 30 giây. Say2send cho phép lưu trữ tối đa 20 tin nhắn thoại, mỗi tin nhắn lưu lâu nhất 5 ngày. Muốn nghe lại nội dung tin nhắn, người nhận lại phải thực hiện thao tác bấm đầu số.

Bấm đầu số và lắp số điện thoại sau đó theo cú pháp nhất định là một trong những phương thức không mấy đơn giản của các ứng dụng tin nhắn âm thanh từ các nhà mạng.

Cũng giống với nhiều nhà mạng kể trên, việc gửi và nhận tin nhắn thoại đều có các thao tác riêng biệt, song nhìn chung không đơn giản. Với việc gửi tin nhắn thoại, để thực hiện, thuê bao phải bấm đầu số quy định riêng đi kèm với sô thuê bao được nhận tin nhắn, thực hiện cuộc gọi như bình thường. Sau đó, việc ghi lại lời nhắn được tiến hành, thuê bao gọi đi lại phải gác máy để gửi lời nhắn đi, và chờ thuê bao kia nhận được lời nhắn. Còn với bên nhận tin nhắn thoại, muốn nghe, thuê bao lại phải thực hiện một số thao tác bấm đầu số, gọi đến tổng đài, nghe thông báo rồi mới đến nội dung tin nhắn.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm