New Zealand - “Chúa nhẫn” và “Người Hobbit”: Hai loạt phim đình đám của đạo điễn Peter Jackson đã thay đổi suy nghĩ của mọi người về vùng đất New Zealand. Làng Waikato (Matamata) từng là khu vực thưa thớt dân cư, nhờ đóng vai trò là phim trường cho Chúa nhẫn và Người Hobbit, giờ đã trở thành một trong những điểm tham quan hàng đầu thế giới. Ngày nay, nhiều du khách đổ về New Zealand để trải nghiệm vẻ đẹp nhiệm màu, quyến rũ và độc đáo của "vùng Trung Địa". Bộ Du lịch New Zealand cho biết lượng khách tới quốc gia này đã tăng 50% kể từ khi tập đầu tiên trong loạt phim Chúa nhẫn ra rạp. Ảnh: Hgtv. |
Petra, Jordan - “Indiana Jones và Cuộc thập tự chinh cuối cùng”: Petra được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1985, nhưng vẫn chưa phải là điểm đến hút khách. Các du khách phương Tây gần như không biết tới nơi này vào đầu những năm 1980. Tuy nhiên, từ khi bộ phim Indiana Jones và Cuộc thập tự chinh cuối cùng ra mắt vào năm 1989, một lượng lớn khách đã đổ về Petra để chiêm ngưỡng những di tích tuyệt đẹp, chất chứa đầy bí mật lịch sử. Ảnh: Business Insider. |
Angkor Wat, Campuchia - “Bí mật ngôi mộ cổ”: Bộ phim hành động bom tấn ra rạp năm 2001 - Lara Croft: Tomb Raider hay Bí mật ngôi mộ cổ không chỉ khiến Angelina Jolie trở thành một biểu tượng toàn cầu, mà còn cho khán giả chiêm ngưỡng cảnh đẹp khó tin của khu đền Angkor Wat. Bộ phim đã góp phần không nhỏ biến đền Angkor Wat nói riêng và Campuchia nói chung trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Ảnh: Business Insider. |
Salzburg, Áo - “Giai điệu hạnh phúc”: Salzburg là một thiên đường bình yên, ngọt ngào và tuyệt đẹp, nơi âm nhạc là một phần cuộc sống. Được biết đến như là cái nôi của thiên tài âm nhạc Mozart, thành phố xinh đẹp này cũng là nơi quay bộ phim âm nhạc kinh điển - Giai điệu hạnh phúc. Tới Salzburg, du khách sẽ được tham quan một số điểm quay chính của bộ phim huyền thoại này. Thật khó lòng không cất tiếng hát khi bạn leo lên pháo đài Hohensalzburg hay đi dọc dòng sông Salzach tuyệt đẹp. Ảnh: Theodysseyonline. |
Lâu đài Alnwick, Anh - “Harry Potter”: Lâu đài Alnwick, cùng với các hiệu ứng phim ảnh và đồ họa ấn tượng, đã biến thành lâu đài Hogwarts, trường học phù thủy trong loạt phim nổi tiếng thế giới Harry Potter. Được xây dựng vào năm 1096, lâu đài lịch sử này đón khoảng 700.000 lượt khách mỗi năm sau sự thành công của cậu bé phù thủy. Ảnh: Emaze. |
Ngoài ra, cây cầu Glenfinnan và đoàn tàu Venice - Simplon - Orient ở Scotland cũng được những người hâm mộ phim săn đón, với mong muốn được trải nghiệm cảm giác ngồi trên tàu tốc hành đến với lâu đài Hogwarts. Điểm cộng cho tuyến đường này là khung cảnh tuyệt đẹp, khoáng đạt và hùng vĩ, cùng cây cầu có kiến trúc độc đáo. Ảnh: Wimp. |
Forks, Washington, Mỹ - “Chạng vạng”: Forks là một thị trấn nhỏ bình yên, với dân số chưa tới 4.500 người ở Washington. Sau thành công vang dội của loạt phim Chạng vạng, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn với những người hâm mộ muốn trải nghiệm bãi biển, rừng cây và dòng sông được làm bối cảnh trong phim. Ngày nay, Forks nổi tiếng đến mức lượng khách tham quan còn đông hơn dân địa phương. Ảnh: Expedia. |
Đạo diễn Peter Jackson đã có một cuộc lăng xê ngoạn mục quê hương của ông trên bản đồ du lịch thế giới, với loạt phim Chúa nhẫn chủ yếu quay ở New Zealand. Năm 2012, tạp chí Forbes dẫn lời Gregg Anderson, Giám đốc thị trường miền Tây của Du lịch New Zealand rằng, từ khi series phim phát hành (2001), lượng du khách đến quốc gia này đã tăng 50%. Trong đó, 1% số khách cho biết bộ phim là lý do khiến họ tới đây. Con số 1% tuy nhỏ, nhưng góp phần đem lại 27 triệu USD cho ngành du lịch. 6% du khách cho biết, bộ phim là một trong những lý do khiến họ đi du lịch. Hơn 80% số người đến đều biết nơi này là điểm quay loạt phim Chúa nhẫn và Người Hobbit.
Bộ phim cũng tác động mạnh đến nền kinh tế nước này, đưa du lịch trở thành ngành có doanh thu cao thứ hai, sau ngành công nghiệp sữa. Doanh thu từ điện ảnh không nhiều, nhưng Chúa nhẫn đã hỗ trợ 2.700 ngành nghề khác, với 95% khối lượng công việc sản xuất phim và hậu kỳ được thực hiện tại đây. Ngày nay, ngoài ngắm cảnh, du khách còn có thể mua bản sao xịn của chiếc “nhẫn chúa” - đạo cụ trong phim, từ nhà kim hoàn Jens Hansen, gốc thổ dân Kiwi. Con trai ông tiếp nối cơ nghiệp của cha, bán chiếc nhẫn lưu niệm bằng vàng hoặc bạc, kèm chứng thư xác nhận nguồn gốc.