Đôi mắt Pleiku
Nếu nói hồ Thác Bà (Yên Bái) là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam nổi tiếng với những cảnh đẹp nhờ bàn tay con người, Biển Hồ (hồ T’Nưng) lại là một trong những hồ có vẻ đẹp tự nhiên và thơ mộng nhất do thiên nhiên ban tặng. Hồ nước này được hình thành từ một miệng núi lửa, đứng nhìn mãi ra xa vẫn không thấy bờ. Người ta ví Biển Hồ như đôi mắt của người dân Gia Lai nói chung và của người dân thành phố Pleiku nói riêng là vì vậy.
Đứng trên bờ nhìn ra xa, bạn sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn của nước biển. Hồ nằm trên núi, nên khi du khách đứng trên bờ, gió biển hòa với gió rừng sẽ tạo cho du khách một cảm giác rất lạ, rất khác. Đạp xe băng qua những cánh rừng là cách bạn nên làm để khám phá những vẻ đẹp bí ẩn trong đôi mắt Pleiku ấy.
Hồ T'Nưng (Biển Hồ). Ảnh: Thuonghieuvn. |
Nhà máy thủy điện Yaly và thám hiểm cầu treo huyền thoại
Men theo con đường đất đỏ bazan, bạn sẽ đến nhà máy thủy điện Yaly, một mốc xích quan trọng trong hệ thống đập thủy điện trên sông Se San. Với tổng công suất lắp đặt 720 mw và điện lượng bình quân nhiều năm là 3,68 tỷ KWh, nhà máy thủy điện Yaly là công trình lớn thứ 2 ở nước ta sau công trình thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà. Nhìn dòng nước chảy, khám phá nơi cung cấp điện cho toàn Tây Nguyên là một điều ý nghĩa cho chuyến đi.
Bạn từng đặt chân lên một chiếc cầu dây chưa? Không phải là cầu bằng bê tông hay bằng gỗ đâu mà là bằng những sợi dây thừng vắt từ vách núi này sang vách núi kia. Bạn sẽ được thám hiểm một lần tại thành phố Pleiku này, trên chiếc cầu treo huyền thoại.
Thác Phú Cường- Dải lụa trắng của cao nguyên trung phần
Nằm trong khu vực mỏ đá Phú Cường, thuộc địa phận xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, cách thị trấn Chư Sê khoảng 3 km và cách TP Pleiku khoảng 45 km về phía đông nam là dải lụa trắng của cao nguyên trung phần. Đến với núi rừng Tây Nguyên là đến với sự hùng vĩ - dòng chảy với độ cao 45 m trên con suối La Peet là những bọt nước trắng xóa tung . Đến đây du khách vừa chiêm ngưỡng thác nước, vừ nghe tiếng chim kêu ríu rít trong rừng xanh.
Không những thế, hai bên bờ suối là snơi ự định cư của dân tộc Ba Na và Gia Rai. Trò chuyện với họ và cùng họ đi bắt những con cá nhỏ, những cây thuốc trên rừng sẽ mang đến cho du khách rất nhiều trải nghiệm.
Thả hồn theo gió tại Quảng trường Đại Đoàn Kết
Đêm đến, du khách nên đến quảng trường Hồ Chí Minh để ngồi hóng mát. Tại đây bạn sẽ ngắm nhìn được bao quát hoạt động của toàn thành phố và cảnh sinh hoạt đêm của người dân Tây Nguyên sau một ngày dài làm việc cực nhọc. Cùng chụp vài tấm ảnh kỷ niệm, nhảy những điệu nhảy cùng dân làng để thấy cuộc sống tươi đẹp.
Quảng trường Đại Đoàn Kết Pleiku. Ảnh: Baogialai. |
Đồng xanh - Một Tây nguyên thu nhỏ
Chuyến đi sẽ chưa dừng lại nếu du khách chưa dừng chân ghé thăm khu du lịch Đồng Xanh tọa lạc trên quốc lộ 19. Nằm giữa cánh đồng lúa An Phú xanh một màu bạt ngàn, Đây vừa là bảo tàng lưu giữ hiện vật, vừa là nơi lưa giữ những nét văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên từ xa xưa.
Đặc trưng nơi đây là điệu nhạc cồng chiên Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thế của nhân loại. Lắng nghe một khúc nhạc được phát ra từ đàn T'rưng hay từ chiếc cồng chiên ngay trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ quả là một điều đáng để làm.
Không những thế, đến đây, du khách còn được thưởng thức rượu cần - một loại rượu đặc trưng của người Tây Nguyên được làm từ khoai mì, lúa và các nguyên liệu từ thiên nhiên. Thưởng thức từ từ cho rượu đi từ cổ xuống bụng, cảm giác cơ thể sẽ nóng dần lên. Người ta bảo điều đó có nghĩa là người Tây Nguyên sẽ bảo vệ bạn, Giàng sẽ sưởi ấm tâm hồn của bạn.
Hố Trời - Quà tặng của tạo hóa
Tên gọi Hố Trời xuất phát từ tiếng địa phương, là một cái hố khổng lồ do những dòng chảy lâu năm tạo ra, không có đáy. Từ miệng hố, muốn xuống dưới, bạn phải đu theo những sợi dây thừng khổng lồ từ những cây cổ thụ bên trên. Bám theo những sợi dây thừng, men theo vách đá dựng sừng sững để xuống tầng thứ nhất của hố, du khách sẽ ngạc nhiên về những lớp rêu xanh bám trên vách, những gam màu khác nhau của sinh vật và cả những dòng chảy nhỏ xíu men theo vách đá.
Tại đây du khách có thể nhìn xuống và thấy cả Vĩnh Thạnh và Bình Định đó. Cảm giác như lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Có khoảng 20 tầng và mỗi tầng là một vẻ đẹp khác nhau. Đi hết 20 tầng ấy, du khách sẽ ra tận biển Quy Nhơn.
Hố Trời còn quá nguyên sơ và khá nguy hiểm. Phần lớn là dân bản địa hay đi. Vì vậy, nếu chọn nơi đi nghỉ dưỡng thì đừng đến nơi này. Còn nếu là thám hiểm thật sự, bạn đừng bỏ qua.
Cảnh đã đẹp mà người còn đẹp hơn
Chân thành và hiếu khách là hai tính cách nổi bật của người dân nơi đây. Ngủ lại nhà dân là điều tuyệt vời nhất để chuyến du lịch của bạn trở nên ý nghĩa hơn. Tại đây bạn thoải mái vui vẻ trò chuyện với chủ nhà, ăn uống, nghỉ ngơi như nhà mình mà không sợ mất phí.
Trò chuyện với gia chủ cũng là một cách để bạn biết thêm về văn hóa của người dân Tây Nguyên. Bạn sẽ hiểu vì sao thời xa xưa phụ nữ Tây Nguyên không mặc áo, vì sao có rượu cần và vì sao có những ngôi nhà sàn trên núi cao. Đặc biệt vào mùa cà phê nở hoa, một màu trắng tinh khôi bao phủ nguyên đồi núi Gia Lai. Hoặc nếu đang mùa thu hoạch cà phê chín, bạn sẽ được gia chủ ưu ái cho tham quan vườn cà phê và tự tay thu hoạch những quả cà phê chín mọng.
Thưởng thức đặc sản phở hai tô và cà phê
Món ăn đặc sản ở Gia Lai là phở hai tô được bán tại quán Ngọc Sơn từ rất lâu đời. Gọi là phở hai tô vì lúc ăn bạn sẽ có hai tô, một tô súp và một tô phở riêng biệt chứ không trộn lẫn vào nhau như ta từng ăn. Ăn một miếng phở, húp một muỗng súp. Sợi phở vừa dài vừa dai hòa với vị chua ngọt của súp làm món ăn trở nên ngon lạ lùng.
Ghé qua quán SeSan tại góc đường Hùng Vương giao Trần Hưng Đạo, thưởng thức một ly cà phê là điều tuyệt nhiên không thể bỏ qua. Bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy quy trình để tạo nên một ly cà phê hoàn hảo. Tự thưởng thức ly cà phê nguyên chất do chính mình tạo nên là một điều thú vị và tuyệt vời.
Phở hai tô, đặc sản của Gia Lai. Ảnh: Baogialai. |