Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điều bí ẩn chưa biết về ma nữ Thái

Không chỉ nổi tiếng sau bộ phim “Tình người duyên ma”, ma nữ Mae Nak còn là đối tượng thiêng liêng và được người dân bản địa tôn sùng, thờ cúng để cầu xin lộc lá, số đề.

Mới đây, bộ phim hài kinh dị Pee Mak/Tình người duyên ma của đạo diễn trẻ Banjong Pisanthanakun, dựa theo truyền thuyết về Mae Nek (nàng Nek) đã ra mắt khán giả châu Á. Phim đã nhanh chóng trở thành tác phẩm ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh xứ chùa vàng. Tính từ khi công chiếu trên đất Thái hồi tháng 3 đến tháng 6 cùng năm, doanh thu phòng vé của phim đạt hơn 1 tỷ bath (33 triệu USD).

Phim thu hút khán giả Thái Lan cũng như khắp châu Á bởi dàn diễn viên trẻ đẹp, nội dung kịch bản phim hài hước, hiện đại và đặc biệt là dựa theo một truyền thuyết dân gian hết sức nổi tiếng về nàng Nak - một ma nữ mà không một người dân Thái nào không biết.

Tình người duyên ma trở thành bộ phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Thái Lan.

Truyền thuyết lẫn hiện thực

Mae Nak Phra Khanong với từ “Mae” vốn là một từ cổ trong tiếng Thái, thường được sử dụng trước tên gọi của người phụ nữ, có thể dịch còn là “nàng”, “cô nàng”. Như vậy cụm từ trên có thể hiểu là “nàng Nak vùng Phra Khanong”, cũng có thể gọi là Nang Nak – “Cô Nak”, một hồn ma nổi tiếng ở Thái Lan.

Theo truyền thuyết dân gian Thái, câu chuyện dựa trên một sự kiện có thật xảy ra vào đầu thế kỷ 19. Dù được coi là là truyền thuyết nhưng hầu hết người Thái đều tin, câu chuyện về Mae Nak là hoàn toàn có thật, hoặc ít ra có những chi tiết trong truyện được coi là có thật.

Có rất nhiều truyền thuyết, truyện kể có xuất xứ và nguồn gốc khác nhau về nàng Nak, có người cho rằng, thời gian nàng sống là thời đức vua Rama IV (1851-1868), người cho là tời vua Rama III (1841-1851).

Truyền thuyết về chuyện tình âm dương cảm động giữa nàng Nak và người chồng đi lính.

Nàng Nak xuất thân ở Phra Khanong, Bangkok, lớn lên và yêu chàng trai khôi ngô, tuấn tú tên là Mak. Vì gia đình Nak khá giả, bố của cô đã ngăn cảm hai người đến với nhau. Dù bị cấm đoán, cuối cùng đôi trai gái vẫn đến với nhau và nên duyên vợ chồng.

Sau khi về làm vợ chồng, Nak có thai. Chồng cô phải lên đường nhập ngũ khiến hai vợ chồng phải lìa xa, để lại Nak bao ngày chờ mong thương nhớ. Ở nhà Nak một mình vượt cạn và qua đời cùng đứa con mới sinh. Khi được phát hiện, cô đã được người làng chôn cất theo tập tục địa phương.

Vì yêu và mong ngóng chồng nên linh hồn của Nak vẫn vất vưởng trong ngôi nhà của hai vợ chồng. Mak nơi chiến trường dù bị thương nặng nhưng may mắn thoát chết trở về quê tìm gặp lại vợ trong niềm vui vô bờ bến khi chào đón thêm một thành viên mới. Tuy bị dân làng cảnh báo rằng vợ anh đã chết, Mak vẫn không tin và hàng ngày sống hạnh phúc bên vợ và con. Anh chỉ phát hiện Nak đã thực sự qua đời khi tình cờ thấy vợ thò bàn tay dài ra hiên nhà để nhặt miếng chanh sơ ý đánh rơi trong lúc pha nước chấm.

Nak một mình vượt cạn và qua đời khi chồng đi lính.

Mak vô cùng sợ hãi và tìm cách chạy trốn. Nửa đêm, anh nói dối vợ đi tè, đồng thời tìm đường trốn khỏi cô vợ ma. Nak biết chồng có ý định bỏ trốn bèn đuổi theo. Mak nhanh chóng lẩn vào bụi cây đại bi - vốn là nơi ma quỷ không dám đụng vào để thoát thân. Mất chồng, Nak nguyền rủa dân làng vì thường xuyên xúi giục chồng cô rời bỏ gia đình. Cô điên cuồng sát hại những ai ngăn cản hạnh phúc gia đình mình.

Có một phiên bản khác lại cho rằng, Mak đã tái hôn sau khi biết vợ đã qua đời, Nak ghen tuông và tìm cách phá hạnh phúc của chồng. Lại có phiên bản cho rằng, Mak chạy đến chùa Wat Mahabut để nương nhờ cửa Phật, một ngôi chùa linh thiêng ma quỷ không bao giờ dám quấy phá.

Nak đươc một pháp sư cao tay chế ngự.

Đoạn kết cũng có nhiều phiên bản, Nak bị một pháp sư cao tay bắt nhốt vào một chiếc bình gốm và thả xuống kênh. Về sau, một cặp vợ chồng ngư dân vớt được mở ra, vô tình giải thoát cho Nak, nhưng cô lại bị nhà sư Somdej Toh chế ngự. Nak được khuyên là sẽ được đoàn tụ với Mak ở kiếp sau, do đó, nàng đã tình nguyện ra đi thanh thản, không còn quấy phá người dân vô tội nữa.

Nak trong tâm linh người Thái

Nak còn có miếu thờ riêng ở vị trí được cho là nơi đã chôn cất thi thể của hai mẹ con sau khi chết. Miếu được xây trong khuôn viên chùa Wat Mahabut, cạnh con kênh Kjanong Phra. Trong miếu có đặt tượng của Mae Nak, tay ôm con trai mới chào đời. Xung quanh tượng là những lễ phẩm như quần áo cổ truyền của phụ nữ Thái, vòng hoa, đồ trang sức cho Nak, đồi chơi, tã giấy và bình sữa cho con trai cô. Những vật phẩm này đều do người dân đến lễ và hiến tặng.

Mai Davika cũng là một trong những tín đồ ở miếu Mae Nak.

Mae Nak được người dân Thái kính trọng và cho là một linh hồn thiêng, vì vậy, người dân Thái tấp nập đến đây cầu xin được nàng che chở, phù hộ độ trì. Những phụ nữ hiếm muộn đến miếu để cầu xin có con, phụ nữ có thai lại tới cầu có được con trai hoặc con gái theo ý muốn. Nhiều người cho rằng, tất cả cầu nguyện của người dân đều được Mae Nak đáp ứng, do đó, lượng người Thái đổ về miếu cúng bái, cầu xin lúc nào cũng đông đúc, tấp nập.

Chồng Nak từng đi lính khiến mẹ con cô ở nhà cô quạnh, dẫn đến cái chết thương tâm của hai mẹ con nên mọi người tin, Mae Nak rất ghét chế độ đi lính. Vì vậy, những người muốn trốn nghĩa vụ quân sự sẽ đến cầu xin nàng để không phải gọi đi lính, được miễn đi lính.

Ngoài ra, những tay nghiện cờ bạc, lô đề, xổ số cũng tìm đến miếu của Mae Nak để tìm vận may, mong đổi đời với trò đỏ đen. Những người này đến miếu và xin số bằng cách cho tay vào chiếc lọ bằng đất sét trong đền, rút ra số nào coi như số đó sẽ thắng.

Cận cảnh tượng Mae Nak ôm con trai trong ngôi miếu Mae Nak.
"Ma nữ Thái" Mai Davika múa tạ ơn trước miếu thờ Mae Nak.

Một chiêu khác là họ cào vào bất kỳ thân cây nào quanh miếu, từ đó luận ra con số được cho là sẽ mang lại vận may cho họ. Nếu là người may mắn, những người này chỉ cần vào miếu là thấy số hiện lên. Với những người không may mắn, có khi cào cây cả ngày cũng không thấy số nào hiện lên. Người ta cho rằng, đối với những người gặp xui, nên kiên trì chờ cơ hội tiếp theo, chớ nên tỏ ra bất kính, sẽ bị hồn quở phạt.

Quanh ngôi miếu thờ Mae Nak, quy tụ vô số các sạp hàng bày bán đồ hoa sen, đồ chơi trẻ con, tã lót, tranh tượng, vòng hoa, cá sống... để bán cho người đi lễ. Họ thả cá phóng sinh xuống con kênh cạnh miếu, dâng cúng hoa sen và các vật phẩm để cầu xin.

Ngay đến cô nàng Mai Davika Hoorne, nữ diễn viên vào vai ma nữ Thái trong bộ phim đình đám Tình người duyên ma, cũng là một tín đồ thường xuyên đến miếu thờ Mae Nak để cầu xin vận may. Ngay sau thành công ngoài sức tưởng tượng của bộ phim khi đạt 10 triệu USD, Mai Davika đã đến miếu và múa vũ điệu truyền thống nhằm bày tỏ lòng tạ ơn đối với Mae Nak, người Davika tin rằng đã phù hộ cho bộ phim có được thành công lớn như vậy.

Theo Khám phá

Bạn có thể quan tâm