Lần lượt Man of Steel (2013), Batman v Superman: Dawn of Justice (2016) và Suicide Squad (2016) gây thất vọng khiến Vũ trụ Điện ảnh DC (DCEU) trở nên thua kém Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) gần như mọi mặt, bất chấp nguyên tác truyện tranh của họ không hề thua kém đối thủ.
Một chút hy vọng đã được thắp lên nhờ nữ đạo diễn Patty Jenkins trong mùa hè năm nay với Wonder Woman (2017). Nhưng DCEU dường như đã “tiến một bước, lùi hai bước” sau Justice League (2017).
Quy tụ nhóm siêu anh hùng “đinh” của truyện tranh DC gồm Batman (Ben Affleck), Wonder Woman (Gal Gadot), Cyborg (Ray Fisher), Aquaman (Jason Momoa), The Flash (Ezra Miller) và Superman (Henry Cavill), nhưng chất lượng chỉ ở mức trung bình khiến Warner Bros. đang đứng trước khoản lỗ có thể lên tới 100 triệu USD.
Liệu Justice League thiếu điều gì mà cả giới phê bình, khán giả đại chúng, lẫn fan ruột của truyện tranh DC, liên tục phải chỉ trích trong suốt gần một tuần qua?
Một nhân vật phản diện xứng tầm
Phản diện kém có lẽ là điểm yếu chung của dòng phim siêu anh hùng hiện đại. Apocalypse (Oscar Isaac) trong X-Men của 20th Century Fox, Hela (Cate Blanchett) trong Thor: Ragnarok của Marvel hay Vulture (Michael Keaton) trong Spider-Man: Homecoming của Sony đều không tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong mắt công chúng.
Với DCEU, trước Justice League, các ác nhân gồm đại tướng Zod (Michael Shannon), Lex Luthor (Jesse Eisenberg) hay Ares (David Thewlis) đều dừng ở mức tầm tầm đến bị chê bai dữ dội.
Steppenwolf là một trong những nhân vật phản diện tẻ nhạt nhất của dòng phim chuyển thể từ truyện tranh. |
Song, Steppenwolf (Ciarán Hinds) mới đây là nỗi thất vọng ghê gớm. Được giới thiệu là “kẻ hủy diệt các thế giới”, ác nhân dễ dàng bị Siêu Nhân hạ gục chỉ với... một cú đấm.
Kết phim còn đáng thất vọng hơn khi gã Tân Thần tỏ ra sợ hãi và bị chính quân đội của mình tấn công. Đây là cách giải quyết nhân vật phản diện đáng thất vọng và hết sức vô lý nếu so với nguyên tác truyện tranh.
Một nhóm Liên minh Công lý đầy đủ
Ở nguyên tác truyện tranh, nhóm Justice League gồm bảy thành viên là Người Dơi, Siêu Nhân, Wonder Woman, The Flash, Aquaman, Cyborg và Green Lantern. DC Comics luôn duy trì đội hình bảy người cho các bộ phim hoạt hình dù danh tính một số thành viên có thể thay đổi.
Fan từng đồn đoán về nhân vật Shazam hoặc Green Lantern sẽ trở thành “mảnh ghép thứ bảy” trong phim. Song, sự mong mỏi bỗng chốc chuyển thành thất vọng khi họ thậm chí còn không được nhắc tên hay làm nhân vật khách mời (cameo).
Warner Bros. rốt cuộc đã mang đến một nhóm Justice League thiếu đầy đủ.
Một bộ phim giống như trailer
Nếu tinh ý, người xem sẽ nhận ra hàng loạt cảnh có trong trailer không hề xuất hiện trong phiên bản chiếu rạp. Đành rằng những cảnh phim đó có thể không quá quan trọng, nhưng nó từng khiến người hâm mộ háo hức mong chờ.
Nhiều cảnh trong trailer đã không xuất hiện trong bản chiếu rạp của Justice League. |
Họ bàn tán liệu bức ảnh ba chiều mặc áo choàng đỏ có phải là Supergirl? Hay nhân vật bí ẩn mà Alfred (Jeremy Irons) gặp có đúng là Green Lantern? Chưa kể, nhiều cảnh hành động đắt giá cũng không xuất hiện hoặc bị chỉnh sửa ít nhiều.
Dường như Warner Bros. đã “treo đầu dê, bán thịt chó” khi quảng cáo một kiểu, nhưng mang tới cho khách hàng một sản phẩm kiểu khác.
Một tác phẩm xứng đáng với kinh phí 300 triệu USD
Với kinh phí sản xuất 300 triệu USD, Justice League là bộ phim siêu anh hùng có kinh phí cao nhất trong lịch sử. Trái với kỳ vọng của khán giả, DC lại mang tới một tác phẩm sở hữu kỹ xảo khá tệ.
Những cảnh hành động cuối phim có thể thấy rõ sự can thiệp của kỹ xảo điện ảnh. Gã phản diện Steppenwolf đã nhạt nhòa về tính cách, lại còn xấu xí về tạo hình. Cử động của nhân vật nhiều lúc cứng ngắt và giả tạo.
Đặc biệt, dùng kỹ xảo “cà râu” cho Siêu Nhân (Henry Cavill) khiến gương mặt anh trở nên biến dạng, thô cứng, gượng gạo.
Gương mặt của Henry Cavill trong Justice League trở thành đề tài châm biếm trên nhiều diễn đàn điện ảnh suốt mấy ngày qua. |
Warner Bros. lẽ ra nên lùi thời điểm khởi chiếu của Justice League để hoàn thiện dự án, thay vì đem tới một tác phẩm không tương xứng với số tiền mà chính họ bỏ ra.
Nhưng có lẽ quá trình quay lại của Joss Whedon khiến kinh phí trội lên quá nhiều, và buộc WB phải mau chóng đưa phim ra rạp để tránh thêm những khoản tiền không cần thiết.
Một bộ phim liền mạch
Cắt ghép, chỉnh sửa phim gốc để tạo ra phiên bản mới dễ hiểu hơn là điều không xa lạ trong điện ảnh. Song, cách làm của Warner Bros. chỉ khiến các tác phẩm của họ thêm phần tệ hại.
Batman v Superman: Dawn of Justice (2016) bị cho là khó hiểu với các tình tiết không liên quan. Phiên bản Ultimate Cut ra đời sau đó ít lâu rõ ràng được đánh giá cao hơn hẳn so với phiên bản chiếu rạp vốn chỉ nhận được điểm 27% trên trang Rotten Tomatoes.
Phim hoàn toàn không có cảnh hành động nào ấn tượng hay đáng nhớ. |
Việc cắt ghép của Justice League thậm chí còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Bộ phim có những pha chuyển cảnh vô cùng rời rạc và hụt hẫng. Nội dung phim thiếu tính liên kết đến trầm trọng.
Các trường đoạn hành động trở nên hỗn loạn khi chuyển cảnh liên tục diễn ra và nhóm nhân vật mạnh ai làm việc người nấy một cách đầy khó hiểu. Phim dài hơn chưa chắc hay hơn, nhưng chắc chắn sẽ liền mạch hơn.
Đáng buồn hơn, chuyện cắt phim của Warner Bros. dường như là để nhắm tới số lượng suất chiếu nhiều hơn, chứ không phải vì trải nghiệm dành của khán giả.
Một tác phẩm đúng chất DC Comics
Hollywood đang trong kỷ nguyên siêu anh hùng với nhiều bộ phim thuộc đề tài này ra mắt mỗi năm. Các hãng đều đã chọn cho mình lối đi riêng với cách phong cách đặc trưng.
Marvel nhắm đến đối tượng đại chúng bằng sự hài hước. 20th Century Fox nhận vô số lời khen bằng các phim siêu anh hùng 18+ như Deadpool (2016), Logan (2017).
DC chủ trương u ám và sâu sắc với Man of Steel (2013), Batman v Superman: Dawn of Justice (2016). Tuy Suicide Squad (2016) và Wonder Woman có thêm nét hài hước, nhưng chúng không nằm ngoài lối đi chung.
Chạy theo phong cách hài hước của đối thủ không phải là điều mà DCEU nên làm. |
Song, Justice League là “nồi lẩu thập cẩm” pha trộn giữa DC Comics với Marvel, nhưng chẳng hề đặc sắc. Nửa sau bộ phim trở nên tệ hại bởi những câu đùa cợt nhạt nhẽo của nhóm nhân vật.
Họ cứ thế vô tư chọc ghẹo nhau trong khi đồng đội đang phải chiến đấu sinh tử với kẻ thù. Các siêu anh hùng của DC thường được xây dựng trên nỗi đau và sự mất mát bỗng trở nên hời hợt đến chán nản.
Bên cạnh đó, thời lượng bị cắt ngắn khiến các nhân vật trong phim chẳng còn đất để thể hiện. Aquaman (Jason Momoa) giống như phiên bản nam của Wonder Woman (Gal Gadot), nhưng thiếu tính cách hoặc sức mạnh nổi bật.
Còn Người Dơi trong Batman v Superman còn tỏ ra quyết đoán với tư duy chiến đấu hợp lý. Nhưng nay, anh trở nên bạc nhược với vô số hành động khó hiểu.
Nhìn chung, Warner Bros. cần phải nghiêm túc xem lại cách xây dựng Vũ trụ Điện ảnh DC. Ngay cả một đội ngũ siêu anh hùng hạng A như Justice League còn không lôi kéo được khán giả tới rạp, thì liệu ai sẽ mua vé để theo dõi Aquaman trong năm 2018 đây?