Cúng giao thừa là nghi lễ quan trọng, quen thuộc của người Việt Nam trước khi Tết Nguyên đán chính thức bắt đầu.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, không nhiều người biết và hiểu nguồn gốc, ý nghĩa hay cách thức thực hiện nghi lễ thiêng liêng được lưu truyền nhiều đời nay của dân tộc.
Nguồn gốc lễ giao thừa (lễ trừ tịch)
Theo Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, người Việt xưa tin rằng mỗi năm, có một vị Hành khiển trông coi việc nhân gian.
Hết năm, vị thần cũ giao lại công việc cho thần mới vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Vì vậy, người dân cúng tế lúc giao thừa để tiễn ông thần cũ và đón ông thần mới.
Ngày 30 tháng Chạp còn là ngày trừ tịch, nghĩa là trừ hết năm cũ để sang năm mới. Ngoài ra, còn có nghĩa là trừ khử ma quỷ.
Ông cha ta không coi ngày này như một Tết riêng mà xem nó là ngày tiên thường (ngày trước ngày giỗ/ngày cáo giỗ) hôm Nguyên đán. Vì vậy, trong hôm đó, người dân thường đem trầu cau đi mời ông bà tổ tiên, rồi về cúng Tết.
Nhất Thanh trong Đất lề quê thói - Phong tục Việt Nam nhận định 12 vị Hành khiển thay phiên nhau trông coi nhân gian trong một năm có ông thiện, ông ác.
Có năm trời gặp nhiều thiên tai, hạn hán, lụt lội, mất mùa, đói kém, hay dịch tễ chết hại, là do sớ tấu của Hành khiển, trừng phạt vua quan không có nhân chính hay dân ăn ở ngang ngược, trái đạo lý.
Lễ trừ tịch tiễn và đón các vị Hành khiển cùng phụ tá là Phán quan của năm cũ và năm mới, đồng thời cầu cúng cả Bản cảnh Thành hoàng và Thổ địa Thần kỳ.
Mâm cơm cúng giao thừa luôn được các gia đình chuẩn bị thịnh soạn để thể hiện lòng thành. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Nghi lễ cúng giao thừa
Đêm 30 tháng Chạp, rạng sáng mùng 1 Tết, ở thành phố, nhiều nhà bày lễ cúng lúc giao thừa trong sân hay trước cửa nhà.
Ở thôn quê, các thôn cúng giao thừa tại sân đình, đền, miếu... Lễ tế diễn ra trọng thể, trống chiêng vang dậy đêm khuya, xưa có pháo đốt ran. Tư gia không làm riêng lễ trừ tịch.
Những lễ vật cúng giao thừa gồm: hương vàng, trầu, rượu, hoa quả, xôi gà…
Tại các tỉnh thành, nhiều nhà bày mâm lễ vật trên ghế đẩu hoặc thùng gỗ rất luộm thuộm, không thể hiện được sự tôn nghiêm của các nghi lễ với các vị thần như Hành khiển, Phán quan…
Bên cạnh đó, nhiều người không có ý thức rõ rệt về lễ trừ tịch, họ chỉ biết thành tâm cúng lễ, vái tứ phương mà không biết khấn Đương niên, Bản cảnh Thành hoàng, Thổ địa Thần kỳ.
Tục lệ trong đêm giao thừa
Lễ chùa, lễ đền miếu:
Đêm 30 Tết, ở tỉnh thành, người dân đua nhau đi lễ chùa, lễ đền miếu để cầu xin Phật Thánh phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình suốt năm bình an, thịnh vượng, mọi việc như ý.
Hương lộc:
Khi đi lễ cầu phúc đầu năm, người dân không mang lễ vật vàng hương như ngày thường. Đến nơi cầu phúc, lễ vật có bán sẵn, chỉ cần mua hương thắp khấn đầu vài và khấn cầu.
Sau đó, nhiều người mang theo về vài ba nén hương gọi là hương lộc đem cắm vào bát hương Táo quân ở nhà…
Lửa đỏ ở mấy nén hương là lộc Phật Thánh ban với biểu tượng cho hồng vận, đem đến sự thịnh vượng.
Khi đi lễ đền miếu, người dân thường chuẩn bị lễ vật đầy đủ. Ảnh: Lê Hiếu. |
Hái lộc:
Khi đi lễ cầu phúc, nhiều người không xin hương lộc. Thay vào đó, sau khi lễ xong, họ ra sân vườn chùa, miếu bẻ lấy một cành lá, tục gọi là hái lộc, mang về giắt dưới mái nhà gian giữa trước bàn thờ gia tiên.
Tục hái lộc có ý nghĩa mang tài lộc về nhà, cành lá xanh tốt lại còn khiến còn có ý nghĩa vui tươi.
Ở thôn quê, trời đêm 30 Tết rất tối, lại hay có mưa, không mấy ai đi lễ đêm. Vì vậy, người dân phải đợi sáng mùng 1 làm cỗ cúng gia tiên rồi mới đi lễ chùa, lễ đền miếu xin lộc.