1. HIV có lây truyền qua các tiếp xúc: ôm, ho, hắt hơi,...?
BS Đinh Thị Thu Hương, chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cho biết HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường như ôm, ho, hắt hơi, dùng chung đồ dùng chén bát, nhà vệ sinh chung, bể bơi công cộng, côn trùng đốt. |
2. Uống chung cốc nước với người HIV bị chảy máu răng có lây nhiễm?
BS Nguyễn Tấn Thủ, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới ,cho hay dịch tiết vốn dĩ an toàn (nước bọt) được pha lẫn với dịch tiết có nguy cơ lây nhiễm (máu), kết quả sẽ cho ra một hỗn hợp dịch tiết dự phòng có nguy cơ lây bệnh, dù khả năng lây nhiễm đã giảm do bị pha loãng. Tuy nhiên, hiện chưa ghi nhận ca nhiễm HIV nào chỉ do uống nước, bởi khả năng xảy ra tình huống này cũng như tỷ lệ lây nhiễm trong tình huống trên là rất thấp. |
3. Có thể ngủ chung với người nhiễm HIV?
Theo BS. Đinh Thị Thu Hương, người nhiễm HIV có thể ngủ chung với những người khác trong gia đình. Tuy nhiên nên tránh không để chỗ tổn thương của người bị nhiễm HIV tiếp xúc với chỗ tổn thương của người khác. |
4. Quần áo của người bị nhiễm HIV có dính máu hoặc dịch nên xử lý ra sao?
Quần áo của người bị nhiễm nếu có bị dính máu hoặc dịch nên ngâm trong dung dịch Javen hoặc dung dịch Chlorine trong khoảng 30 phút sau đó giặt lại bằng xà phòng. Khi thu dọn các đồ thải dính máu hoặc dịch khác của người nhiễm HIV, chúng ta nên dùng găng tay, sau đó cho các dung dịch sát khuẩn, xử lý rác theo quy định. |
5. Cách quan hệ tình dục nào không lây nhiễm HIV?
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, các hành vi quan hệ không xâm nhập được xem là an toàn ôm hôn, vuốt ve. Quan hệ tình dục có sử dụng bao cao su tỷ lệ lây nhiễm thấp, độ an toàn lên đến 90-95% nếu thực hành đúng cách. |